Khắc ghi lời Bác

07/09/2016 | 07:30 GMT+7

Nhớ lời dặn của Bác “Tàn nhưng không phế”, nhiều người mù đã mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, họ thậm chí còn là tấm gương cho những người sáng mắt.

Bà Nguyễn Thị Tốt đã gầy dựng được một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà.

Xây cuộc sống mới từ bóng tối

Đến ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, khi hỏi về một số mô hình đang làm ăn có hiệu quả ở đây, chúng tôi được mọi người giới thiệu gương ông Huỳnh Văn Tới, sinh năm 1950, bất ngờ hơn khi biết ông Tới là một người mù. Ông bị mù sau một cơn bệnh từ thời còn trẻ. Mấy mươi năm sống trong bóng tối, là ngần ấy thời gian ông cố gắng vượt lên chính mình. Đang chuẩn bị ra thăm khu vườn sau nhà, ông Tới nói: “Lúc tôi mới bị mù, gia đình khó khăn lắm. Khi đó, mọi thứ trong nhà từ việc lớn đến việc nhỏ vợ tôi phải lo hết. Mình nghĩ phải chi mất phần nào trên cơ thể còn dễ sống, chứ mất đi ánh sáng thấy bất mãn quá. Rồi nhiều người đến chia sẻ, động viên, mình mới biết có không ít cảnh đời giống mình, mà họ vẫn cố gắng sống tốt. Vậy là tôi tập thích nghi với bóng tối, cố gắng tập đi lại trước, đã nhiều lần bị thương vì hụt chân, té ngã, nhưng tôi không bỏ cuộc. Đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện vươn lên của những người mù như tôi”.

Cuộc sống từ ngày mất đi ánh sáng của ông Tới luôn gắn với từ cần cù, tiết kiệm, nỗ lực và ráng sống vì gia đình. Sau những ngày miệt mài tập đi, đến lúc ông Tới cùng vợ tập… làm kinh tế. Đôi mắt vợ ông đã làm thay “nhiệm vụ” đôi mắt ông những ngày bắt tay trở lại với ruộng vườn. Thấy làm ruộng không dễ cho người mù, nên gần 10 năm trước, vợ chồng bàn nhau cải tạo đất ruộng để trồng dâu. Sau bao nhiêu cố gắng, với rất nhiều vết thương để lại trên đôi tay từ những lần lao động, ông Tới và vợ cũng được đền đáp bằng mùa dâu “ngọt”. Mỗi năm, vườn dâu cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Từ 3 công đất ban đầu, đến nay vợ chồng ông có trong tay hơn 30 công đất đang trồng dâu và cam xoàn.

Mỗi ngày trôi qua, tuy không nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của một sớm mai thức dậy hay hoàng hôn của buổi chiều tà, nhưng đối với những người khiếm thị, ánh sáng của cuộc đời họ là thành quả lao động được tạo ra… Cũng kém may mắn khi đôi mắt không thể nhìn thấy gì vào độ tuổi đôi mươi nhiều ước vọng, bà Nguyễn Thị Tốt, ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tưởng chừng cuộc sống đã khép lại, nhưng sau những ngày buồn và khóc muốn hết nước mắt, bà cũng đã nhận ra rằng, chính nghị lực mới làm nên cuộc sống từ bóng tối, chứ không phải là những giọt nước mắt giàn giụa. Bà bắt đầu tích góp vốn làm ăn từ nghề đánh võng bằng dây chuối và sau đó là kinh doanh tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Trong căn nhà nghĩa tình đồng đội còn thơm mùi sơn mới, nhìn những vật dụng được sắp xếp và bày trí gọn gàng, ngăn nắp, có người sẽ chưa tin đây là ngôi nhà của một người bị khiếm thị gần 40 năm qua. Tranh thủ sắp xếp lại tủ tạp hóa cho thứ tự, bà Tốt tâm sự: “Hồi năm 1974, trong một lần làm công việc ở nghĩa trang bị trúng miểng bom mù mắt, rồi tôi được công nhận thương binh. Cũng từ đó, ước mơ làm nghệ thuật cũng không còn, hồi đó tôi theo đoàn văn công đó chứ. Đi trị bệnh, được đồng đội, anh em nói với nhau là phải khắc ghi lời Bác dành cho người mù là “Tàn nhưng không phế”, tôi nhớ mãi câu dạy đó suốt cuộc đời. Từ khi bị tai nạn mù cả hai mắt, tôi bắt đầu tích góp vốn để bán tạp hóa tại nhà. Có nhiều người hỏi tôi bị mù sao biết món nào là món nào mà bán, cái này cũng dễ, tại bán lâu năm nên hàng hóa quen thuộc hết. Cũng khó là phải cân cho khách, nên nhiều khi nhờ hàng xóm hay thậm chí là khách cân luôn”. Có lần, thấy hoàn cảnh bà Tốt khó khăn, hội có xem xét hỗ trợ cho vay vốn, nhưng bà bảo buôn bán hàng ngày cũng đủ ăn, nên đã nhường phần vốn đó cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn hơn. Với bà Tốt, chuyện những người sáng mắt cùng san sẻ nhau đã là ý nghĩa, với những người mù, chuyện chia sớt, giúp đỡ còn đáng quý hơn nhiều.

Vượt lên số phận

Mang số phận kém may mắn, khi tuổi còn rất trẻ đã không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng nhiều người mù đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti, để cố gắng xây dựng cho mình một mái ấm hạnh phúc. Ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, bà Trương Thị Nhàn, 59 tuổi và ông Lưu Sì Rết, 72 tuổi, là đôi vợ chồng khiếm thị được nhiều người ngưỡng mộ. Trong căn nhà lá đơn sơ nằm cạnh những hàng tre san sát nhau, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp khi bước vào nhà là sự ngăn nắp, thứ tự của các vật dụng trong nhà từ cái bàn, cái ghế đến cái ly, cái chén… Chỉ tay về phía sau nhà, trong chuồng có mấy con heo béo tròn, bà Nhàn chia sẻ: “Tuy bị mù, nhưng vợ chồng tôi ráng làm để lo cho hai đứa con ăn học. Mỗi lần nghe con khoe được giấy khen, mình có thấy gì đâu, mà trong bụng mừng lắm. Tôi với ổng không ai thấy đường nên chẳng ai mướn làm. Khi được hội xét cho vay vốn, hai vợ chồng tôi mới bàn nhau thôi mua heo về nuôi, rồi tôi nấu rượu lấy hèm cho heo ăn luôn. Rượu thì đem ra bán cho mấy quán nhậu, tiệm tạp hóa để kiếm thêm chút đỉnh. Nhờ tiết kiệm, mấy năm nay cuộc sống gia đình cũng ổn định, lo được cho mấy đứa con đi học. Con gái út mà kiếm được việc làm nữa là tôi mãn nguyện lắm”.

Cả hai người con gái của ông bà, một người học xong trung cấp và một người mới tốt nghiệp đại học ngành sư phạm vật lý - công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ đang tìm việc làm. Ông Rết, bà Nhàn còn chia sẻ rằng, với người mù không gì là dễ dàng và thành quả có được là câu chuyện dài. Nuôi được một con heo lớn lên, một đàn gà đẻ trứng là cả những nỗi nhọc nhằn khó kể được bằng lời… Mọi chuyện đều được đúc kết từ cố gắng, quyết tâm, vượt khó và vì con cái được ăn học nên người.

Đối với người mù, dù khó khăn, vất vả vẫn hiện diện hàng ngày, nhưng không thể dập tắt khát vọng và mơ ước vươn lên, tìm hạnh phúc tưởng rằng bị vỡ vụn theo thời gian. Những tấm gương người mù giàu ý chí, nghị lực, vượt qua hoàn cảnh tật nguyền kể trên đã thực hiện tốt lời dạy của Bác. Họ chính là những người đã lan tỏa niềm tin ra cộng đồng và khẳng định dù có tật nguyền, nếu có ý chí, quyết tâm, vẫn chiến thắng chính mình, vượt lên tất cả…

Tấm lòng của Bác với người mù

Đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956, Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt, Bác đã ân cần động viên: “Các chú học chữ, học nghề để sau này phục vụ nhân dân được tốt hơn, như vậy các chú tàn nhưng không phế”. Vào dịp Tết Nhâm Dần 1962, cam trong vườn Bác ra trái đầu mùa, Bác gửi cam tặng Trường Thương binh hỏng mắt đồng thời Bác cũng gửi cam và 28 bảng viết Liên Xô tặng cho Trường chữ nổi Ba Đình…

 

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>