Huyện Châu Thành làm theo Bác

26/05/2016 | 07:27 GMT+7

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ huyện Châu Thành đã triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, từ đó đạt nhiều hiệu quả.

Cán bộ ở bộ phận “một cửa” của thị trấn Ngã Sáu chỉ dẫn người dân rất tận tình khi đến làm thủ tục có liên quan.

Đến bộ phận “một cửa” của thị trấn Ngã Sáu vào sáng sớm, chúng tôi chứng kiến có khá nhiều người dân đến làm các thủ tục có liên quan. Mặc dù đông người, nhưng trình tự làm các thủ tục khá trật tự, nghiêm túc. Đang cầm trên tay đơn xin đổi lại giấy chứng minh nhân dân, ông Đỗ Văn Can, ở ấp Thuận Hưng, cho biết: “Tôi đến đây làm giấy giới thiệu để lên Công an huyện đổi lại giấy chứng minh nhân dân. Đến đây khoảng 10 phút, nhưng đã làm xong rồi. Do tôi ít học nên cán bộ ở đây viết giùm luôn. Điều tôi hài lòng nhất là họ luôn niềm nở, ân cần khi tiếp xúc”.

Còn anh Nguyễn Văn Hiếu, ở ấp Đông Mỹ, đến chứng thực một số giấy tờ để xin việc. Anh Hiếu cho biết: “Tôi thường xuyên đến đây để làm giấy tờ, lần nào cũng được cán bộ tiếp đón niềm nở. Cái nào không biết thì hướng dẫn cụ thể, tận tình. Lần này cũng vậy, khoảng 15 phút đã làm xong”.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Tuyên giáo thị trấn Ngã Sáu, bộ phận “một cửa” được xem như “bộ mặt” của UBND thị trấn, do đó lãnh đạo thị trấn rất quan tâm đến chất lượng, cũng như thái độ tiếp xúc với dân của cán bộ. Về việc học tập và làm theo Bác ở bộ phận này, lãnh đạo triển khai theo từng chuyên đề hàng năm một cách cụ thể, sâu sát. Đơn vị bám sát với từng chuyên đề hàng năm mà yêu cầu từng cán bộ ở bộ phận này đăng ký việc học tập và làm theo sát với nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đó, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, đảng viên… để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và lấy kết quả thực hiện là thước đo thành tích cuối năm.

Để các cán bộ ở bộ phận “một cửa” có thái độ phục vụ nhân dân chu đáo, nâng cao chất lượng công việc, lãnh đạo thị trấn đưa họ đi tập huấn về chuyên môn, kỹ năng hành chính, xử lý các vấn đề có liên quan đến thực hiện cơ chế “một cửa”. Do đó, nếu trước đây, khi dân đến làm giấy tờ, một số cán bộ có những lời lẽ khiếm nhã, hay tình trạng đi trễ về sớm gây phiền hà trong nhân dân thì nay không còn. “Một số giấy tờ có thời gian làm 2-3 ngày như trước đây thì nay rút ngắn còn 1 ngày hoặc 1 buổi. Nếu có những giấy hẹn người dân đến ngày lấy mà không có thì phải nêu lý do cụ thể, rõ ràng”, ông Minh nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Ngã Sáu đã tiếp nhận, trả gần 1.530 hồ sơ, đặc biệt không có trường hợp nào gây phiền hà cho người dân.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Chi đoàn Trường Mẫu giáo Đông Phước, xã Đông Phước đẩy mạnh triển khai, trong đó chú ý đến giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Đến nay, khi nhắc về hoàn cảnh của gia đình cô Đặng Thị Tuyết Linh vào 2 năm trước, thì giáo viên nào của trường cũng cảm thấy thương tâm. Cách đây 2 năm, do đổ vỡ hôn nhân, nên cuộc sống của cô Linh lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc, một mình nuôi con nhỏ, trong khi đang học liên thông, cộng với ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng… Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Chi đoàn Trường Mẫu giáo Đông Phước đã tổ chức hùn vốn giúp cô, đặc biệt tạo điều kiện vay vốn cất lại căn nhà, do đó cuộc sống đỡ cơ cực. Ngoài ra, bản thân biết tích cóp, cộng với sự giúp đỡ của nhà trường, họ hàng, nên cô Linh đã mua được chiếc xe gắn máy tiện cho việc đi lại. Cô Linh xúc động nói: “Cũng nhờ chi đoàn trường quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để vay vốn… nên tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi sẽ cống hiến kiến thức, sức khỏe của mình cho giáo dục”.

Không chỉ Chi đoàn Trường Mẫu giáo Đông Phước hỗ trợ, giúp đỡ cô Linh vượt qua khó khăn, mà còn giúp khoảng 5 trường hợp giáo viên của trường có hoàn cảnh khó khăn như thế. Cô Nguyễn Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đông Phước, cho biết: “Việc giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên vượt qua khó khăn như trên cũng xuất phát từ học tập và làm theo Bác là “lá lành đùm lá rách”. Ngoài ra, để giáo viên toàn tâm, toàn lực phục vụ cho ngành giáo dục thì phải tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, thoải mái, “an cư lạc nghiệp”.

Theo đánh giá của Huyện ủy Châu Thành, từ khi Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị triển khai, Đảng bộ huyện Châu Thành đã đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, từng chuyên đề hàng năm được cán bộ, đảng viên đăng ký học tập, làm theo một cách cụ thể, rõ ràng. Nội dung của các bản đăng ký cụ thể với công việc và thời gian thực hiện, tất cả đều thông qua tập thể để theo dõi, đánh giá việc làm theo Bác. Theo ông Trần Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nhằm đảm bảo tính thiết thực của việc đăng ký làm theo Bác, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có công văn chỉ đạo và tiến hành kiểm tra các bản đăng ký cá nhân, cụ thể là: đối với các bản đăng ký của cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thị trấn sẽ được Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra và đọc 100%, các bản đăng ký của cán bộ đảng viên chi, đảng bộ ngành huyện giao bộ phận giúp việc của Ban Thường vụ Huyện ủy phân công xem và thẩm định.

Trên cơ sở đó xuất hiện nhiều cách làm hay hiệu quả trong công tác, cũng như trong sản xuất, như: “Tủ sách Bác Hồ”, “Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Người người theo gương Bác - Nhà nhà treo ảnh Bác”, “Tuổi trẻ Châu Thành học tập và làm theo lời Bác”… Theo ông Thắng, thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền Chỉ thị 03 đến mọi tầng lớp nhân dân nhiều hơn nữa để mọi người cụ thể hóa bằng hành động thiết thực vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>