Học tập Bác để sống có ích

02/11/2016 | 08:31 GMT+7

Cách đây không lâu, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị do Tỉnh ủy tổ chức, ông Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ hưu trí ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, là một trong số những cá nhân vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016.

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Ba Manh (phải) vẫn tích cực vận động khắp nơi để tìm các nguồn hỗ trợ góp phần kiến thiết quê hương.

Trong căn nhà mái ngói đơn sơ, trước nhà có trồng hàng rào cây xanh được tỉa tót gọn gàng, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Mạnh (người dân địa phương quen gọi là ông Ba Manh). Qua vài giờ trò chuyện, chúng tôi hiểu rằng, đối với ông, học tập và làm theo gương Bác là một quá trình liên tục và đã bắt đầu từ rất lâu. Với ông, dù ở cương vị nào cũng luôn ý thức học tập và làm theo Người để càng có nhiều cống hiến vì lợi ích cho dân và địa phương.

 Sau thời gian dài đảm nhận nhiều chức vụ công tác khác nhau, từ bí thư đảng ủy xã, chủ tịch UBND huyện đến giám đốc sở… ngày nghỉ hưu, ông Ba Manh về quê nhà tiếp tục tham gia công tác tại Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh (năm 2004-2012) với vai trò chủ tịch hội. Ông Ba Manh bộc bạch: “Sở dĩ khi về hưu tôi chưa nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già là vì thấy quê mình còn nhiều khó khăn, sức khỏe còn thì tôi đóng góp cho địa phương phát triển hơn nên nhận nhiệm vụ mới”.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập hội, trong lúc tỉnh vừa mới chia tách nên hoạt động của đơn vị cũng rất gặp nhiều khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất, con người, kinh phí hoạt động thiếu thốn trong khi người cần được bảo trợ rất lớn. Đây là bài toán khó đối với ông Ba Manh và những ai công tác tại hội. Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân, ông không ngại “gõ cửa” từng nơi, tìm đến từng cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xin tài trợ để chăm lo người khuyết tật, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Suốt quá trình công tác, ông Ba Manh cùng tập thể cán bộ hội huy động được trên 35 tỉ đồng phục vụ cho công tác bảo trợ xã hội ở tỉnh.

Với nguồn kinh phí đó, hội đã trao tặng 1.700 chiếc xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, giúp đỡ mổ tim cho 192 đối tượng mắc bệnh tim bẩm sinh, mổ mắt đục thủy tinh thể cho khoảng 4.000 người… Với những đóng góp trên, ông Ba Manh đã góp phần không nhỏ vào việc giúp tỉnh chăm lo tốt hơn những cảnh đời yếu thế.

Không chỉ làm tốt vai trò cán bộ hội, đối với địa phương, ông Ba Manh còn là đảng viên tiêu biểu có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển xóm ấp. Ông là người có công lớn trong việc khởi xướng phong trào xóa cầu khỉ, xây dựng giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Thuận Đông. “Trở về sống tại ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông vào năm 2000, lúc đó địa phương còn rất nhiều khó khăn. Đường sá chủ yếu bằng đất nên đi lại không mấy thuận tiện. Giao thông hạn chế nên kinh tế người dân từ đó cũng kém phát triển. Nhận thấy điều đó, tôi thường xuyên kiến nghị chính quyền địa phương tập trung quan tâm nâng chất hệ thống giao thông nông thôn, riêng tôi đã chủ động vận động các nguồn tài trợ bắc 14 cây cầu bê tông phục vụ việc đi lại cho bà con”, ông Ba Manh cho biết.

Chỉ tay về phía con đường bê tông rộng khoảng 3m trước nhà, ông Ba Manh cho biết, lúc về sống tại địa phương đường này cũng bằng đất, có nhiều cầu khỉ nên khó khăn trong việc đi lại. Thấy vậy, ông đã đi vận động các nguồn hỗ trợ để mua vật liệu xây dựng rồi cùng người dân xóa cầu khỉ trên tuyến. Sau khi cầu được bê tông hóa thì ông tiếp tục kêu gọi nhân dân đóng góp kinh phí bê tông hóa con đường, nhờ vậy việc lưu thông trên tuyến hiện khá dễ dàng.

Ngoài có công trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn, thời gian qua, ông Ba Manh đã vận động kinh phí xây dựng được 21 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho hộ thuộc diện trong và ngoài xã; huy động 5 tỉ đồng xây dựng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông quy mô đạt chuẩn quốc gia; vận động gần 90 triệu đồng sửa chữa trường mẫu giáo trên địa bàn ấp 1. Hàng năm, ông còn tranh thủ vận động kinh phí tổ chức Tết Trung thu và tặng quà cho trẻ em trên địa bàn xã…

“Ở nông thôn bây giờ sướng lắm rồi, điện, đường, trường, trạm đều có, không như ngày trước nữa nên tôi thấy rất mừng. Hiện tại, cấp ủy, chính quyền đang xây dựng xã nông thôn mới, bản thân tôi là đảng viên phải gương mẫu thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời tích cực vận động nhiều người cùng tham gia xây dựng nông thôn mới để địa phương phát triển hơn nữa”, ông Ba Manh bộc bạch.

Lý giải cho việc mình làm, ông Ba Manh nói: “Những việc ấy phần lớn xuất phát từ học tập và làm theo gương Bác. Đối với tôi, học Bác không phải học lý luận, sách vở mà phải bằng hành động thiết thực, cụ thể. Bản thân từng trải qua thời sống và chiến đấu gian khổ trong chiến tranh nên tôi rất quý hòa bình, độc lập. Nay dù tuổi cao, sức yếu nhưng thấy còn khả năng đóng góp được gì cho địa phương thì cứ làm; thấy quê hương mình ngày càng phát triển thì tôi càng vui, càng muốn cống hiến nhiều hơn”.

Mỗi việc làm giúp ích cho địa phương, cho xã hội đều mang lại cho ông Ba Manh thêm niềm vui tuổi già. Khắc ghi lời Bác dạy, ông luôn sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, không vụ lợi. Điều đó cũng dễ hiểu bởi với ông - cựu chiến binh hơn 80 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng thì việc được góp sức mình đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước là nghĩa vụ, là bổn phận. Ông thực sự là tấm gương sáng trong học tập và làm theo gương Bác đáng được biểu dương, nhân rộng. 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>