Hết lòng vì học sinh thân yêu

05/10/2016 | 09:06 GMT+7

Đứng trên bục giảng hơn 15 năm, trong đó phần lớn thời gian giảng dạy môn tin học, thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, luôn không ngừng phấn đấu tiến bộ. Đặc biệt, với sự truyền lửa đam mê của mình, nhiều thế hệ học sinh trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp môn tin học do thầy phụ trách đoạt giải cao tại các kỳ thi các cấp, dù cơ sở vật chất tin học tại trường còn khá khiêm tốn.

Thầy Nguyễn Viết Đức hướng dẫn học sinh mô hình “Đèn giao thông thông minh” đoạt giải nhì Kỳ thi tin học trẻ toàn quốc tháng 7 vừa qua.

Sinh ra tại vùng đất Nghệ An trong gia đình có đông anh em, gia cảnh không mấy khá giả nên từ khi vào Nam, mọi thứ hầu như Đức đều phải tự lo. Để có thể học hết cao đẳng toán - tin, Đức phải trải qua rất nhiều nghề vất vả. Do không có điều kiện mua máy tính phục vụ việc học nên từng có thời điểm Đức phải làm bàn phím giả bằng giấy cứng để thực hành cho quen tay…

Tốt nghiệp năm 2001, thầy Đức về công tác tại Trường THPT Vị Thủy, nay là Trường THCS Ngô Quốc Trị, với nhiệm vụ chủ yếu là dạy tin học. Hiện tại, ngoài quản lý phòng máy, bồi dưỡng học sinh giỏi môn tin học, thầy Đức còn phụ trách lớp năng khiếu miễn phí cho học sinh yêu thích tin học để từ đây phát hiện, bồi dưỡng những em có tiềm năng.

Theo thầy Đức, có lẽ một phần là đam mê, một phần vốn sinh ra từ miền đất Nghệ An - quê hương Bác nên ngay từ nhỏ đã được tiếp cận nhiều sách vở, tài liệu về Bác, học hỏi được tấm lòng của Người đối với thế hệ tương lai của đất nước; đức tính chịu thương, chịu khó, không bi quan dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thầy Đức chia sẻ: “Ấn tượng nhất ở Bác là tinh thần vượt khó. Nếu tìm hiểu những tác phẩm về Bác của nhà văn Sơn Tùng hoặc những vần thơ, bài văn về Bác thì mình mới cảm nhận được hết nhiệt huyết ấy. Học theo Bác thì phải học suốt đời cả trong công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày về phong cách, tác phong và cách sống”.

Đặc biệt, khi được nghe giáo sư - tiến sĩ Hoàng Chí Bảo triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đưa ra dẫn chứng Bác Hồ tự học được 29 ngoại ngữ, thầy Đức không chỉ lấy đó làm tấm gương soi mình mà còn truyền “lửa cảm hứng” tới các học sinh, nhất là rèn cho các em khả năng tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Nhờ vậy mà trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhiều học sinh khó khăn và chưa tiếp cận nhiều với máy tính, nhưng với sự dìu dắt tận tình, đến nay thầy đã đào tạo các em đoạt 9 giải tin học trẻ cấp quốc gia, 40 giải tỉnh. Có những em học sinh được thầy đào tạo đang làm ở công ty lớn về công nghệ thông tin, cũng có em là một trong 10 lập trình viên đầu tiên của VINA Game đã tạo ra phần mềm Zalo trên điện thoại di động.

Đặc biệt, có em Lương Văn Đô vào đại học công nghệ thông tin đã tham gia cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC năm 2013 đoạt giải nhất Đông Nam Á, giải ba châu Á, thi toàn cầu tại thành phố Saint-Peterburg (Nga) đứng hạng 117 thế giới.

Thầy Đức cho biết thêm: “Bản thân sinh ra ở vùng sâu, vùng xa nên rất hiểu các em. Điều kiện gia đình và nhà trường ở đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn so với thành phố, nhưng tôi thấy mức độ nhiệt tình của các em rất cao nên cố gắng giúp đỡ để các em tiếp thu kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin”.

Công tác triển khai học tập và làm theo gương Bác đã lan tỏa mạnh và có sức ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý thức của mỗi học sinh, giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị. Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Người. Đợt tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị vừa qua, ngoài thầy Nguyễn Viết Đức thì Trường THCS Ngô Quốc Trị có 1 cá nhân và tập thể được tuyên dương.

Sự nhiệt tình, hết lòng của thầy Đức đã hun đúc thêm tinh thần tự học, sáng tạo của các em học sinh, giúp nhiều học sinh sớm đến với bến bờ tri thức, cống hiến trí tuệ cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: THU HIỀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>