Đoàn kết là chìa khóa thành công

31/10/2016 | 07:57 GMT+7

Với ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (BQL) tỉnh, giữ vững sự đoàn kết chính là mấu chốt để phát huy sức mạnh tập thể và hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

Ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng BQL tỉnh vẫn còn nhiều nỗi trăn trở về vai trò trách nhiệm của mình.

“Điềm đạm, đối xử với anh em trong cơ quan luôn chừng mực, không thể hiện uy thế cấp trên” là lời mà nhiều cán bộ tại BQL nhận xét về ông Nguyễn Ngọc Điện. Thật vậy, qua nhiều lần tiếp xúc với ông, chúng tôi cũng cảm nhận được điều này.

Xây dựng tập thể vững mạnh

Gặp ông Nguyễn Ngọc Điện trong một ngày đầu tuần của tháng 10, với vô vàn công việc nhưng ông vẫn dành chút thời gian tiếp chuyện cùng chúng tôi. Ông tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã rất ấn tượng và suy nghĩ sâu sắc về “câu chuyện bó đũa”. Chính vì vậy, khi nghiên cứu các chuyên đề học tập và làm theo gương Bác, tôi tâm đắc nhất lời Bác dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Tôi quan niệm, tập thể biết đoàn kết mới là tập thể vững mạnh. Để làm được điều này, người đứng đầu cơ quan có vai trò quan trọng, là chất kết nối cho tinh thần ấy”.

Trong đối xử với cấp dưới, bản thân ông quan niệm rằng nếu mình sử dụng uy quyền quá sẽ tạo nhiều áp lực cho anh em, đồng nghiệp cơ quan, đơn vị. Vậy nên, ông thường chỉ nhắc nhở hoặc trao đổi nhẹ nhàng khi cấp dưới chưa làm tốt công việc. Bởi theo ông, đây mới là động lực để họ phấn đấu và cũng là cách cổ động tinh thần nhiệt huyết cho mọi người hoàn thành tốt công việc được giao. “Cấp dưới nào xử lý công việc gặp khó khăn đều có thể tìm chú (ông Điện - PV) trao đổi và hướng dẫn thêm. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy chúng tôi làm là chú đã mở lời hỗ trợ”, ông Phạm Thanh Huy, Chánh Văn phòng BQL chia sẻ.

Đối với ông Điện, việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn chính là điều kiện có tính quyết định cho sự tồn tại và phát triển. Để nâng cao trình độ, năng lực công tác, ngoài việc nắm vững và cập nhật những kiến thức chuyên môn theo chiều sâu, bản thân còn phải trang bị những kiến thức liên quan để có tầm hiểu biết rộng, đủ sức luận giải những vấn đề phát sinh đặt ra. Bên cạnh đó, bản thân còn phải không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, phải thực sự tâm huyết trong việc nghiên cứu, khắc phục mọi biểu hiện thỏa mãn, tự kiêu, thiếu tích cực, thiếu nhạy bén. 

Ông Lê Hoàng Vũ, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng BQL, nhận xét: Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, bản thân đồng chí Nguyễn Ngọc Điện luôn gương mẫu và thường xuyên quan tâm giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ. Điều đó biểu hiện thông qua sự công bằng, khách quan, nói thẳng vào sự thật, lắng nghe ý kiến mọi người và quyết đoán đúng, không bao che, nhân nhượng. Nghĩa là ai hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt trội trong công tác, có tư chất liêm chính đều được đồng chí Điện cân nhắc, đề bạt. Từ đó làm cho cấp dưới thấy được quyết tâm của lãnh đạo, hăng hái làm việc, phấn đấu tốt hơn cũng như thường xuyên sửa đổi mình.

Vì sự phát triển của tỉnh

Từ khi ra trường, ông Nguyễn Ngọc Điện đã gắn bó với ngành kế hoạch và đầu tư. Mãi cho đến đầu năm 2012, ông nhận nhiệm vụ làm Phó Trưởng BQL. Ông Điện chia sẻ kỷ niệm: “Tôi còn nhớ hôm ấy, vừa xuống xe buýt đến cơ quan, lãnh đạo đã gọi điện thông báo sẽ phân công làm việc tại BQL các khu công nghiệp tỉnh. Lúc đó, tôi rất băn khoăn không biết bản thân mình trong quá trình công tác có thiếu sót hoặc có vấn đề gì không. Và tôi đã trực tiếp gặp lãnh đạo. Khi được lãnh đạo giải thích rằng đây là nhiệm vụ mà cấp ủy tin tưởng giao phó nên tôi càng vững vàng lòng tin”.

Theo ông Điện, gần 5 năm đảm nhận nhiệm vụ tại BQL (2012-2016) cũng là từng ấy năm ông trăn trở về lĩnh vực công nghiệp. Dù đã làm ngành kế hoạch và đầu tư, cũng nắm khá vững công tác chuyên môn về lĩnh vực công nghiệp trước đó, nhưng ông thấy trách nhiệm của mình còn nặng nề vì với cương vị mới bản thân phải nỗ lực nhiều hơn. Không chỉ phải hoàn thành nhiệm vụ cấp ủy phân công mà còn vì sự phát triển của tỉnh Hậu Giang. Bởi thời điểm ấy, các khu, cụm công nghiệp tập trung vẫn còn bề bộn, tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng hơn 30%. Một phần là do tỉnh ta bắt đầu phát triển công nghiệp từ thế “tay không bắt giặc”.

Đến nay, tuy đạt được một số kết quả nhất định trên mặt trận công nghiệp, nhưng ông Nguyễn Ngọc Điện vẫn còn nhiều nỗi trăn trở về vai trò trách nhiệm của mình. Đó là, dù có phát triển nhưng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh vẫn còn đứng sau một số địa phương trong khu vực ĐBSCL, nhiều dự án vẫn còn chậm triển khai, thiếu quỹ đất sạch để giao nhà đầu tư, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Đề án cơ chế thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt và BQL đang nghiên cứu để áp dụng vào thực tế, nhưng vẫn còn khó khăn vì nguồn vốn hạn hẹp.

Chưa kể là vấn đề làm sao hài hòa lợi ích của người lao động với lợi ích doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh chung. Mặt khác, ông vẫn luôn trăn trở các cán bộ trẻ đang làm việc tại BQL. Dù cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng tự nâng cao trình độ chuyên môn nhưng ông nghĩ đôi lúc bản thân vẫn chưa thể phát huy đúng tầm. Chính vì thấy rõ trách nhiệm liên quan của mình đối với những hạn chế, khuyết điểm đó nên ông Điện đã và đang tiếp tục đề ra phương hướng khắc phục và nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được trong thời gian tới. 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>