Ấm lòng suất cơm chay từ thiện

08/08/2016 | 09:01 GMT+7

Khoảng một năm nay, chùa Long Khánh, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, duy trì việc phát cơm chay từ thiện trong 4 ngày: 14, 15, 29 và 30 (âm lịch) hàng tháng. Đó là cách để sư cô của chùa học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ kính yêu.

Những suất cơm chay từ thiện của chùa Long Khánh giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, mỗi người chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau nên chúng tôi quyết định làm cơm chay từ thiện để phát cho mọi người. Những hộp cơm chay dù không nhiều tiền nhưng cũng giúp nhiều người được no lòng”, sư cô Nghiêm Anh, trụ trì chùa Long Khánh, chia sẻ.

Có mặt trong buổi chuẩn bị cơm chay để phát vào ngày 29-6 âm lịch ở chùa, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tấm lòng từ thiện mà sư cô trong chùa gửi gắm vào mỗi hôp cơm. Để chuẩn bị cho 350 suất cơm trong ngày 29 là cả một sự vất vả. Do chùa chỉ có 2 sư cô nên 10 người có tấm lòng thiện nguyện ở gần chùa đến giúp đỡ. Mới 1 giờ sáng mà không khí tại chùa rộn rã hẳn, người thì nấu cơm, người lo chế biến thức ăn, người làm nước chấm… Dù phải thức sớm và làm nhiều việc nhưng ai nấy cũng đều rất vui. Bà Trần Thị Bảy, ở ấp 2, xã Vị Bình, chia sẻ: “Tôi đã phụ giúp các sư cô trong chùa nấu cơm chay nhiều tháng nay. Ngoài bỏ công sức, tôi còn đóng góp tiền, rau, quả… để giúp chùa làm việc thiện. Những việc làm này dù không lớn nhưng trong lòng tôi cảm thấy rất thanh thản vì giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”.

Dù không có nhiều thức ăn như ở các quán cơm chay nhưng hôp cơm từ thiện ở chùa Long Khánh cũng hấp dẫn về màu sắc và vị ngon. Mỗi hôp cơm ở đây thường có món xào, kho, dưa chua… và nhờ sự khéo tay của người chế biến nên ăn rất vừa miệng.

Đến khoảng 5 giờ, 350 hôp cơm chay đã chuẩn bị xong và 100 hôp sẽ được phát tại chùa, còn lại phát tại chợ xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Sư cô Diệu Trí, chùa Long Khánh, bộc bạch: “Dù công việc vất vả mấy chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành trước 5 giờ, tránh để mọi người chờ đợi nhận cơm. Phần cơm chay của chùa dành tặng cho tất cả mọi người, nhưng thường những gia đình khá giả ít nhận mà nhường lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đa phần đến nhận cơm chay là người lao động có cuộc sống bấp bênh như bán vé số, nhặt ve chai… Bây giờ chưa nhập học, nếu không thì học sinh đến nhận cơm rất đông. Ăn phần cơm này giúp các cháu đỡ tiền ăn sáng. Thấy các cháu ăn ngon lành khiến lòng chúng tôi vui vô cùng”.

6 giờ sáng, các sư cô trong chùa đem 250 suất cơm đến chợ xã Vị Thanh phát như bao lần trước và chỉ trong vòng hơn 10 phút đã hết sạch.

Cầm trên tay suất cơm từ thiện của chùa Long Khánh, ông Phan Văn Hậu, ở ấp 8, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi đi bán vé số một ngày kiếm đâu được bao nhiêu tiền nên phần cơm chay từ thiện của chùa Long Khánh giúp tôi đỡ tốn tiền ăn. Cơm chùa nấu ngon lắm. Việc làm này được nhiều người khen ngợi là có ý nghĩa thiết thực”.

Kết thúc một ngày phát cơm chay, các sư cô chùa Long Khánh khá mệt mỏi nhưng tất cả đều tan biến khi nhìn thấy bà con ăn cơm ngon lành và thay vào đó là niềm an ủi, là động lực để họ tiếp tục duy trì việc làm giàu tính nhân đạo này.

Cũng theo các sư cô chùa Long Khánh, những phần cơm chay không chỉ để người dân no lòng mà còn giúp khơi dậy tấm lòng thiện nguyện trong họ để từ đó ngày càng có nhiều người tham gia những hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp đời.

Anh Huỳnh Văn Giàu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vị Bình, đánh giá: “Hoạt động phát cơm chay từ thiện của chùa Long Khánh là nghĩa cử rất cao đẹp giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động những hộ gia đình khá giả nên đóng góp thêm kinh phí để chùa có thể duy trì việc làm ý nghĩa này. Chưa hết, xã còn tham mưu với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Thủy khi nào có nguồn vốn thì hỗ trợ cho chùa để tăng suất cơm chay phát cho người dân”.

Được biết, tổng số cơm chay do chùa Long Khánh phát ra mỗi tháng khoảng 1.400 phần với chi phí hơn 4 triệu đồng. Theo sư cô Diệu Trì, như vậy là không đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người nhưng kinh phí chùa vận động không nhiều nên không thể tăng thêm nữa. Vì vậy, rất mong các nhà hảo tâm gần xa đóng góp để chung tay cùng nhà chùa trong hoạt động thiện nguyện này.

Chùa Long Khánh được xây dựng vào năm 1968, đến năm 2009 được trùng tu lại khang trang. Vào dịp lễ, tết, người dân thập phương đến chùa viếng Phật khá đông. Nhân dịp này, sư cô trong chùa thường tuyên truyền, vận động mọi người nên làm nhiều việc thiện, đặc biệt là chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có được cuộc sống thêm tốt đẹp.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>