Thiếu nguồn cán bộ phụ nữ ấp, khu vực

28/07/2016 | 08:15 GMT+7

Là người trực tiếp tập hợp, thu hút hội viên, triển khai các hoạt động, phong trào phụ nữ tại địa phương, lực lượng chi hội trưởng phụ nữ các ấp, khu vực đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay ở các ấp, khu vực, số chi hội trưởng chi hội phụ nữ có độ tuổi từ 50 trở lên khá nhiều và đang hiếm nguồn thay thế.

Dù đã 71 tuổi nhưng bà Võ Thị Thanh Vân (đứng) vẫn miệt mài với công tác hội.

Là một thương binh trở về sau chiến tranh, bà Nguyễn Thị Mỹ On, ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, mang trong mình bầu nhiệt huyết xây dựng quê hương. Về địa phương, bà công tác ở Đoàn thanh niên rồi Mặt trận ấp, sau đó chuyển sang phụ nữ ấp. 30 năm công tác với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, bà On có nhiều kinh nghiệm trong thu hút, vận động hội viên thực hiện tốt các phong trào phụ nữ. Giờ đây, ở cái tuổi 63, bà vẫn không quản khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hội, mặc dù theo bà, sức khỏe đã không còn như trước.

Nhắc đến chuyện tìm lực lượng trẻ thay thế, bà On nói: “Tôi cũng có tìm và đào tạo nguồn nhưng rồi khi đưa ra họp hỏi ý kiến, chị em hội viên không ai đồng ý nên lại phải tìm người khác. Làm công tác phụ nữ không chỉ nhiệt tình, chịu khó mà còn phải biết thông cảm, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn thì chị em mới ủng hộ, giúp mình hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”.

Còn bà Nguyễn Thị Mên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tấn Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cũng chia sẻ: “Thấy lớn tuổi rồi nên tôi đã nhiều lần xin thôi không làm nữa, nhưng có ai đâu mà thay, nếu mình bỏ ngang thì cũng khó cho ấp. Dù gì cũng là cái tình cái nghĩa, không thể muốn bỏ là bỏ được nên ráng hoạt động. Bây giờ, chị em thấy tôi lớn tuổi nên cũng giảm không cho tham gia hội họp, nhưng tôi vẫn giữ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ vốn vay tiết kiệm. Hàng tháng phải đi gom tiền lãi vay của hội viên, mệt lắm nhưng phải làm chứ biết nhờ ai”.

Cùng chung… cảnh ngộ, dù đã 71 tuổi nhưng bà Võ Thị Thanh Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, vẫn miệt mài với công tác hội. Tuy nhiên, bà đã nhiều lần xin được nghỉ… hưu vì sợ không kham nổi công việc, nhưng không có ai thay thế nên bà phải tiếp tục làm và chờ có người trẻ xung phong. Bà Vân nói: “Ở ấp cũng nhiều lần cử cán bộ trẻ đi tập huấn, bồi dưỡng nhưng sau đó do yếu kinh nghiệm, rồi phụ cấp thấp (hơn 300.000 đồng/tháng - PV) nên không hấp dẫn chị em. Địa bàn ấp cũng rộng, số tiền phụ cấp không đủ tiền xăng đi lại nên ai cũng ngán ngại”. Riêng bà Vân, mỗi lần hội họp ở xã đều phải đi xe ôm vì bà không biết chạy xe gắn máy.

Điều đặc biệt, bên cạnh những khó khăn, trở ngại về sức khỏe, đa số những chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp, khu vực lớn tuổi trên địa bàn đều hoạt động rất hiệu quả. Bà Vân là một điển hình.

Toàn ấp 2 có 187 hộ gia đình thì có đến 175 hộ gia đình có người tham gia sinh hoạt tại các chi, tổ hội phụ nữ ấp. 12 gia đình kia không có phụ nữ nên không tham gia được. Thực tế, việc thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ đạt tỷ lệ cao như ở ấp 2 là vô cùng khó. Và sau nhiều năm công tác, với kinh nghiệm của mình, bà Vân đã làm rất tốt việc này.

Bà Hồ Thị Hoa, hội viên Phụ nữ ấp 2, xã Hòa An, chia sẻ: “Cô Vân nhiệt tình, sốt sắng trong công việc lắm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với chị em nên hội viên rất thương và nể, không muốn cô nghỉ. Nhiều chị em còn nói đùa, cô Vân nghỉ làm thì chị em cũng nghỉ sinh hoạt luôn”.

Đầu nhiệm kỳ 2011-2016, tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh hơn 115.200 hội viên. Năm 2013, sau khi phối hợp rà soát, củng cố, hội liên hiệp phụ nữ các cấp phải đưa ra khỏi hội hơn 53.600, giảm trên 45%. Số đưa ra khỏi hội hầu hết là phụ nữ có tuổi đời còn trẻ, vì thế, chuyện kiếm nguồn thay thế gặp khó khăn là điều tất yếu.

Khó tìm nguồn cán bộ phụ nữ ấp, khu vực thay thế không chỉ vì không tìm được người đủ năng lực, uy tín mà đa số hội viên phụ nữ còn ngán ngại khi được phân nhiệm vụ. Theo họ, với vai trò chi hội trưởng phụ nữ ấp, khu vực, công việc khá nhiều nhưng phụ cấp không cao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi phí đi lại tốn nhiều hơn số tiền được hỗ trợ hàng tháng. Chuyện “khát” nguồn cán bộ nữ ở ấp, khu vực diễn ra nhiều năm qua nhưng xem ra vẫn còn nan giải.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>