Thiết thực mô hình “Biến rác thải thành cây xanh”

27/06/2023 | 08:15 GMT+7

Qua thời gian thực hiện đến nay, mô hình “Biến rác thải thành cây xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Rác thải tái chế được bà Thông phân loại để riêng.

Thành lập cách nay hơn nửa năm, mô hình “Biến rác thải thành cây xanh” ở ấp 3, xã Thuận Hòa đã thu hút được sự tham gia của nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Bà Bùi Thị Thúy An, Tổ phó mô hình này ở ấp 3, cho biết: “Ngày đầu thành lập mô hình chỉ có 30 thành viên là hội viên tham gia, đến nay tăng lên 50 thành viên. Vào mô hình, các cô, các chị đều làm tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình trước khi xử lý”.

Tham gia mô hình “Biến rác thải thành cây xanh”, các thành viên sẽ được hướng dẫn cách phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ tại nguồn cũng như cách xử lý các loại rác thải theo quy định. Mỗi thành viên sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền cho người thân trong gia đình và mọi người xung quanh cùng thực hiện việc phân loại rác. Qua đó, góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân địa phương về công tác bảo vệ môi trường.

“Đối với rác hữu cơ, chúng tôi hướng dẫn các cô, các chị xử lý tạo thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng; còn rác vô cơ tái chế được thu gom đem đến nơi tập kết của mô hình. Định kỳ hàng tháng, chúng tôi bán cho các điểm thu mua phế liệu làm quỹ mua cây xanh trồng ở các tuyến đường làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn và hỗ trợ cây giống cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn”, bà Bùi Thị Thúy An cho biết thêm.

Từ khi tham gia mô hình “Biến rác thải thành cây xanh”, bà Bùi Kim Thông, ở ấp 3, xã Thuận Hòa luôn có thói quen tận dụng rác hữu cơ từ phế phẩm rau, củ, quả, thịt, cá… để ủ làm phân bón cho cây trồng. Riêng các loại vỏ chai nhựa, sắt, giấy vụn… bà thu gom lại đem đến nơi tập kết của mô hình. “Trước đây, tất cả rác thải tôi đều tập trung lại một nơi rồi đốt, vừa không đảm bảo môi trường vừa lãng phí. Giờ rác được tận dụng làm phân bón, góp phần gây quỹ mua cây xanh, cây giống giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn”, bà Bùi Kim Thông chia sẻ.

Kể từ khi ra mắt đến nay, các thành viên mô hình “Biến rác thải thành cây xanh” đã tập trung rác vô cơ lại để bán phế liệu được 4 lần, với số tiền gần 1 triệu đồng. Từ số tiền này, mua được 200 cây sao trồng dọc tuyến đường nông thôn của ấp 3; đồng thời, mua cây giống ổi nữ hoàng trao tặng cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp. Trong đó, có gia đình bà Phan Thị Cà Me thuộc diện hộ khó khăn ở ấp 3, xã Thuận Hòa. Do không đất sản xuất nên thu nhập chính của gia đình bà từ việc làm thuê.

Vì vậy, mô hình đã hỗ trợ bà Cà Me hàng chục cây ổi giống để trồng thử nghiệm, góp phần tạo điều kiện cho gia đình có thêm nguồn thu nhập. Bà Cà Me cho hay: “Cách đây gần 1 tháng, gia đình tôi được mô hình “Biến rác thải thành cây xanh” của ấp tặng 20 cây ổi nữ hoàng để trồng. Hiện ổi đã bén rễ và phát triển tốt. Nhà tôi còn khoảng nửa công đất trống sau nhà, khi ổi lớn tôi dự định nhân giống ra trồng thêm trên phần đất này”.

Theo bà Đặng Thị Thúy An, Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hoà, hiện trên địa bàn xã thành lập được 2 mô hình “Biến rác thải thành cây xanh” tại ấp 2 và ấp 3. Nhìn chung, các mô hình đều hoạt động hiệu quả nên được hội viên, phụ nữ và người dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi, tổ hội tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện tốt hơn nữa việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn bằng cách duy trình và nhân rộng mô hình “Biến rác thải thành cây xanh”.

Ngoài ra, Hội còn phát động hội viên, phụ nữ và người dân tích cực tham gia các mô hình gắn với bảo vệ môi trường như: “Đường hoa, nhà sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “Thắp sáng đường quê xanh - sạch - đẹp”… 

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>