Thành quả từ sự tận tâm

15/01/2016 | 07:28 GMT+7

Năm 2015, Hội Nông dân huyện Châu Thành xếp hạng nhất tỉnh trong công tác hội và phong trào nông dân. Có được kết quả này phải kể đến việc tận tình lắng nghe, tận tâm giúp đỡ những hội viên nông dân của các cấp hội trong huyện.

Ông Hồ Văn Tìm (bìa phải) gầy dựng được thương hiệu cây giống có múi ở xã Đông Thạnh.

Ở xã Đông Thạnh, ông Hồ Văn Tìm đã gầy dựng được thương hiệu bán cây giống có múi với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ông Tìm cũng là chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất cây giống ấp Phước Tiến. Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2007, với 12 thành viên. Ban đầu, do vốn ít nên chủ yếu các thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giới thiệu cho nhau các mối bán hàng, chia sẻ đầu ra cho cây giống, còn góp vốn tương đối ít.

Mới đây, tổ được hỗ trợ 500 triệu đồng từ Trung ương Hội Nông dân để mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đây, cơ hội mới cho những thành viên trong tổ đã đến. Ông Tìm chia sẻ: “Từ số tiền được cho vay, nhiều thành viên đã mở rộng sản xuất, tăng diện tích, số lượng nhân cây giống và đặc biệt là áp dụng những kỹ thuật canh tác mới như làm nhà lưới, nhập giống cây mới hoặc làm hệ thống bơm tưới nước tự động, để tăng chất lượng, năng suất cho cây, con”.

Gắn bó với nghề cây giống hơn 20 năm, ông Tìm cùng những người dân quanh đây đã khá giả lên nhờ vào cây giống, nhưng vẫn trăn trở khi muốn mở rộng diện tích sản xuất lại thiếu vốn. Các thành viên có tính đến chuyện đi vay ngân hàng, nhưng sợ lãi cao hoặc thủ tục rườm rà nên lại thôi. Giờ đây, khi có được số vốn lớn, là cơ hội cho tổ hợp tác làm cây giống chuyên nghiệp hơn.

Từ chỗ 40.000-50.000 cây giống được xuất ra thị trường mỗi năm/thành viên, hiện nay mỗi thành viên của tổ đang tính đến việc có thể xuất hơn 100.000 cây giống/năm. Nếu giá ổn định, sẽ đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho mỗi thành viên. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh, ở xã hiện có 5 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác kinh tế chuyên sản xuất cây giống, hiện đầu ra cũng ổn định, nhất là những loại cây được thị trường ưa chuộng như chanh không hạt, cam không hạt. Hoạt động các tổ, hợp tác xã ngày càng phát triển cũng có phần nhờ sự quan tâm của hội nông dân huyện, xã.

Để có được nguồn vốn lớn rót về cho tổ hợp tác, chính những lãnh đạo của Hội Nông dân huyện đã đến liên hệ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các thành viên và có sự hỗ trợ thủ tục cần thiết.

Nhờ chịu lắng nghe và sâu sát với hoạt động cơ sở, biết cái khó của hội viên để kịp thời giúp đỡ nên các cấp hội nông dân trong huyện nhận được sự tin tưởng của các hội viên. Điển hình như năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp để tổ chức tập huấn theo yêu cầu nông dân 173 cuộc, với gần 5.400 lượt người dự xoay quanh các nội dung về áp dụng kỹ thuật cây trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây có múi, xử lý cam sành ra hoa mùa nghịch. Ngoài ra, còn phải kể đến việc Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 4.000 cây chanh không hạt cho những hộ dân trên địa bàn xã Phú An, trị giá gần 48 triệu đồng.

Có thể thấy, các cấp hội nông dân trong huyện Châu Thành đã có một năm nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng, nhân rộng những mô hình mới. Năm 2015, toàn huyện có trên 5.800 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; hơn 1.350 hộ có mô hình đạt từ 100 triệu đồng trở lên.

Chia sẻ về thành tích này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Nguyễn Hoàng Dũng nói: “Năm 2012, 2013, Hội Nông dân huyện xếp hạng nhì, đến năm 2014 thì lọt ra khỏi tốp 3 của tỉnh và năm nay, chúng tôi đã đạt giải nhất. Kết quả này, chính là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp hội nông dân trong huyện và sự trợ giúp đắc lực của những hội viên nông dân”.

Trong câu chuyện và những câu nói của mình, ông Dũng liên tục nhắc đến những mô hình mới, những điển hình nông dân tiên tiến trong huyện. Với ông, chính những điển hình đó, đã góp phần quan trọng cho Hội Nông dân huyện đạt những thành tích cao trong năm 2015.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN  

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>