Quốc tế Phụ nữ của những phụ nữ nông thôn

06/03/2018 | 09:25 GMT+7

Với những người phụ nữ lao động chân tay, niềm vui với họ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ ngoài niềm tự hào có ngày đặc biệt dành cho chị em, còn là được thấy gia đình hạnh phúc và con cái được đến trường.

Những mong ước giản đơn

“Xôi bắp, cốm dẹp hông…” tiếng rao hàng và hình ảnh người phụ nữ ngoài 50 tuổi, với chiếc xe đạp cũ cùng thau xôi bắp, cốm dẹp rong rủi khắp các tuyến đường, con hẻm quanh khu vực chợ Cái Tắc (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A) đã không còn xa lạ với nhiều người. Hơn 23 năm gắn bó với công việc buôn bán dạo, bà Đỗ Thị Kim Thoa, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, được mọi người biết đến là người phụ nữ vui vẻ, cần mẫn và hiếu khách. Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi, khi được hỏi về Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, bà Thoa cười tươi nói: “Ngày 8-3 hả, ngày dành để tôn vinh phụ nữ mà. Chồng tôi mất cũng hơn 20 mấy năm rồi, nên trước giờ cũng chưa từng biết nhận quà là gì. Giờ sống một mình, nên ngày đó tôi thấy cũng giống như ngày bình thường thôi. Vào ngày 8-3, tôi chỉ muốn có con cháu bên cạnh thôi vậy là vui rồi, khỏi cần quà cáp gì hết”.

Niềm vui của bà Đỗ Thị Kim Thoa, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, là mỗi ngày được đi bán và có thu nhập ổn định.

Bà Thoa hiện có 3 đứa con, nhưng tất cả đều có gia đình và đi làm ăn ở xa, chồng mất sớm nên hiện bà sống một mình. Do nhà không có ruộng đất, nên công việc bán xôi bắp, cốm dẹp là nguồn thu nhập chính của bà. Thường bà Thoa chỉ bán vào buổi trưa, tuy giờ bán có cực hơn bán vào buổi sáng hay buổi chiều, nhưng bù lại buôn bán rất đắt khách. Trung bình mỗi ngày bà Thoa cũng lời được khoảng 100.000 đồng. Sống một mình, chi xài tiết kiệm nên mỗi tháng bà Thoa cũng có dư chút đỉnh để dành cho con cháu.

Bà Nguyễn Thị Phượng, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cảm thấy tự hào vì phụ nữ ngày nay có thể đi làm để lo cho gia đình.

Cũng giống như bà Thoa, bà Nguyễn Thị Phượng, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, ngày ngày vẫn rong ruổi khắp các tuyến đường để thu mua ve chai. Trên chiếc xe thu mua ve chai cũ, mỗi ngày bà Phượng phải đạp xe hàng chục cây số để mong mua được nhiều lon bia, sắt vụn… Bà Phượng chia sẻ: “Mua ve chai này cực lắm, tại đâu phải đi vài tiếng là mua được đâu. Nắng mưa gì cũng phải đi làm hết, đường lớn hay ngõ hẻm nào cũng tìm đến vậy mới mua được nhiều. So với phụ nữ ngày xưa, thì tôi thấy phụ nữ ngày nay hiện đại hơn rất nhiều. Ngày trước, phụ nữ chỉ biết ở nhà chăm sóc gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, làm ruộng… còn ngày nay thì phụ nữ khỏe hơn rất nhiều, vì có thể ra ngoài đi làm công ty, xí nghiệp hoặc bất cứ công việc gì, chứ không còn phụ thuộc kinh tế vào chồng như trước đây”. Đối với bà Phượng, mong ước vào ngày 8-3 của bà chỉ đơn giản là được cùng con cháu quây quần bên nhau ăn bữa cơm gia đình và kể cho nhau nghe về công việc hàng ngày đã trải qua.

Phụ nữ ai cũng muốn được quan tâm

Ngày nay, không chỉ phụ nữ đi làm ở các cơ quan, đơn vị, mà nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn cũng đã biết nhiều đến ngày 8-3, ngày dành cho những người mẹ, người vợ, người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, với những phụ nữ lao động chân tay hàng ngày, phải lo cái ăn cái mặc cho cả gia đình, thì dường như ngày 8-3 đối với họ có khi như một ngày bình thường. Sống hơn chục năm bằng nghề bán vé số dạo ở các chợ, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Nhớ nhất là năm vừa rồi, vào ngày 8-3, mấy đứa con tôi nó đi học về, mỗi đứa mua một nhánh bông hồng bằng vải tặng cho mẹ. Hôm đó, tôi rất vui và xúc động. Phụ nữ ai cũng muốn được quan tâm, được nhận quà… với tôi, điều mong muốn nhất là mỗi ngày được nhìn thấy cả nhà quây quần bên mâm cơm tươm tất và con cái có điều kiện đến trường”.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 từ lâu đã được nhiều gia đình xem đó là ngày để những người mẹ, người vợ, người phụ nữ trong gia đình được nhận hoa, nhận quà cùng những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng được tặng quà, nhận lời chúc mừng trong ngày này, bởi cuộc sống còn quá nhiều lo toan vất vả. Với những người phụ nữ lao động chân tay, một bó hoa hay một món quà là điều mà họ chưa từng nghĩ đến. Điều mà họ vui và tự hào nhất là đằng sau những vất vả, nhọc nhằn của mình là có được bữa cơm tươm tất, được bộ quần áo mới và được cắp sách đến trường như bạn bè đồng trang lứa, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>