Nhìn từ mô hình câu lạc bộ thanh niên

06/07/2016 | 07:44 GMT+7

Với sức trẻ, nhiệt huyết và khát vọng làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên thì việc nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) thanh niên làm kinh tế giỏi sẽ góp phần tập hợp lực lượng thanh niên chung sức phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.

Anh Lý Út Nữa chăm sóc trăn của gia đình.

Toàn huyện Phụng Hiệp hiện có 43 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi. Các CLB này đã góp phần động viên, giúp đỡ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo, giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ cho thanh niên hoạt động có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như CLB thanh niên nuôi trồng thủy sản ở xã Hòa An, CLB thanh niên nuôi trăn đất ở thị trấn Cây Dương, CLB thanh niên bán muối ở xã Hiệp Hưng, CLB thanh niên trồng cây có múi ở xã Phương Phú… Theo kế hoạch do Ban chủ nhiệm các CLB thanh niên phát triển kinh tế đề ra, cứ 1 tháng các thành viên sẽ họp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; cùng nhau thảo luận hướng phát triển mới. Các thành viên cũng dần tạo ra mối liên kết trong sản xuất, cùng tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật... để cùng phát triển và thu hút nhiều hơn thanh niên tham gia sinh hoạt.

 Được thành lập từ năm 2009 với 8 thành viên ban đầu, đến nay, CLB thanh niên bán muối ở xã Hiệp Hưng có 22 thành viên, trung bình mỗi ngày bán cho thu nhập trên 600.000 đồng/thành viên. Ban đầu với vài thành viên, hoạt động chủ yếu từ các phương tiện có sẵn, qua một vài chuyến đi, thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên CLB mạnh dạn xin vay vốn để mua vỏ máy, thu hút nhiều thanh niên trong xã tham gia. Anh Nguyễn Thanh Nhiều, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Hiệu quả của mô hình mang lại góp phần tích cực trong việc giúp nhiều thành viên trong CLB vươn lên thoát nghèo. Chính nhờ sự tương trợ của anh em, người khá tạo điều kiện cho thành viên khó khăn có cơ hội làm ăn nên giờ đời sống của anh em trong CLB khá hơn. Hiện nay, CLB đang nhân rộng, phát triển thêm hội viên”.

Tương tự, CLB thanh niên nuôi trăn ở thị trấn Cây Dương cũng đem lại hiệu quả khả quan. Chủ nhiệm CLB là cán bộ kỹ thuật của thị trấn nên việc hỗ trợ phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi cho các thành viên được tổ chức thường xuyên, vì vậy năng suất chăn nuôi đạt khá cao. Anh Lý Út Nữa, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, chia sẻ: “Trước khi thành lập CLB tôi đã học hỏi, rút kinh nghiệm nuôi thử nghiệm. Mới đầu nuôi được 4 con, sau thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế nên vay vốn của ngân hàng để mở rộng diện tích chăn nuôi rồi vận động anh em địa phương tham gia”.

Sau khi được anh em đồng ý, CLB thanh niên nuôi trăn đất ra đời và các thành viên cùng nhau hỗ trợ về con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ. Đến thời điểm này, anh Nữa nuôi được trên 100 con trăn lớn nhỏ, nhiều con đạt trọng lượng trên 40kg, đang chờ xuất bán. Nếu nuôi đúng quy trình, đạt năng suất, sau 2 năm mỗi con trăn xuất bán (sau khi trừ chi phí) lời từ 5-6 triệu đồng. Đợt rồi anh Nữa bán đạt lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Hiện tại, nhiều thanh niên trong xóm cũng đang muốn tham gia vào CLB.

Anh Lê Hoàng Khương, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp, cho biết: “Thông qua phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, nhiều thanh niên đã chủ động xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả. Từ đó, góp phần giúp cho lực lượng đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xây dựng thêm 14 CLB thanh niên phát triển kinh tế. Huyện đoàn sẽ tiếp tục chọn những mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất từng nơi để nhân rộng, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Việc nhân rộng các CLB hiệu quả là cần thiết nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu. Để làm được điều này, thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong huyện cần tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu giữa thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cần thiết cho thanh niên. Giới thiệu các chương trình đào tạo và tư vấn cho các thành viên CLB nhằm phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo xuyên suốt trong toàn bộ quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các hoạt động tham quan, học tập thực tế các mô hình kinh tế, làm ăn hiệu quả cho thanh niên…

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>