Nhiều mô hình hay của phụ nữ thị xã Long Mỹ

20/07/2016 | 07:35 GMT+7

Trên 1.700 hội viên thoát nghèo, trên 200 câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm phụ nữ; vận động trao tặng 45 mái ấm tình thương cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở,... đó là những con số ấn tượng mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Long Mỹ gặt hái được trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình ở ấp 1, xã Long Trị.

Vươn lên thoát nghèo và làm theo Bác

Chị Ngô Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Long Mỹ, cho biết: “Trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi không ngừng đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ; chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua do hội phát động, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Xác định hỗ trợ phụ nữ là chương trình mũi nhọn giúp chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, Hội LHPN thị xã Long Mỹ đã xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên về vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật là những nội dung chính được các cấp hội LHPN ở thị xã quan tâm.

Gia đình chị Lương Thị Như Hà, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, trước đây khó khăn do ít đất canh tác, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. 3 năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình chị ổn định, cất được nhà tường khang trang, có mô hình nuôi cá, nuôi heo cho thu nhập khá. Chị Hà tâm sự: Gia đình tôi được như ngày hôm nay là nhờ vào hội phụ nữ rất nhiều. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, chị em trong hội đã động viên và tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho tôi vay 10 triệu đồng để làm kinh tế. Đến nay, từ nuôi cá và heo, mỗi năm gia đình cũng thu nhập trên 30 triệu đồng. Vợ chồng tôi cũng chăm chỉ làm ăn nên thoát nghèo 2 năm nay rồi”.

Bằng nhiều cách làm của hội LHPN các cấp như đào tạo nghề, tín chấp vay vốn từ nhiều kênh, nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã giúp đỡ cho 1.734 hội viên thoát nghèo bền vững, đặc biệt 100% hội viên là chủ hộ đều đã trả sổ hộ nghèo.

Khi đời sống kinh tế được nâng lên, các hoạt động vì lợi ích cộng đồng cũng được các chị tham gia nhiều hơn. Nhiều hội viên có những đóng góp thiết thực trong phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Nhiều chương trình hành động do hội LHPN các cấp triển khai được tích cực tham gia. Nổi lên đó là cán bộ, hội viên phụ nữ xã Long Trị A với mô hình cổng xanh - ngõ đẹp. Từ 20 mô hình đầu tiên, đến nay gần như 100% hộ dân ở ấp 4, xã Long Trị A đã xây dựng được cho mình cổng xanh - ngõ đẹp trước nhà, tạo nét đẹp văn hóa không phải ở địa phương nào cũng có.

Với suy nghĩ giản dị, học Bác không ở đâu xa, mà ngay từ những việc làm nhỏ trong cuộc sống, những năm qua, Hội LHPN thị xã Long Mỹ đã triển khai có hiệu quả nội dung học tập và làm theo Người bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hóa lời dạy của Bác gắn với hoạt động hội. CLB học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Hội LHPN xã Long Bình là một điển hình như thế.

Với 35 thành viên, sau 10 năm thành lập, CLB này đã làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững với các hoạt động có ý nghĩa thiết thực như cho hội viên mượn cây, con giống; góp vốn xoay vòng không tính lãi (mỗi tháng các hội viên góp 50.000 đồng để hỗ trợ cho 2 hội viên mỗi người 5 triệu đồng/tháng để chăn nuôi, trồng trọt); hưởng ứng phong trào nuôi heo đất bằng cách tự tích lũy trong gia đình hội viên; thực hiện phong trào hũ gạo tình thương; vận động các mạnh thường quân tặng gạo cho chị em có hoàn cảnh khó khăn (15-30/kg/hộ). Từ đó, giúp 5 hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Địa chỉ tin cậy

Với mô hình địa chỉ tin cậy do Hội LHPN thị xã phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng Ánh Dương thực hiện ở các xã, phường hơn 2 năm qua, đã trở thành nơi chia sẻ những bất hòa, gửi gắm tâm tư, vướng mắc của nhiều chị em bị bạo hành trong gia đình. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả từ mô hình này, nhiều phụ nữ đã được bảo vệ, nhiều mâu thuẫn của các cặp vợ chồng được hàn gắn. Các địa chỉ ấy cũng đã tư vấn, giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp bị bạo lực gia đình; giúp đỡ các trường hợp là nạn nhân bị bạo lực gia đình bằng cách hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, mua bảo hiểm y tế.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở ấp 1, xã Long Trị, vừa học xong lớp 9, chị Phạm Thị Linh đã lập gia đình và ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Không có ruộng đất, hàng ngày, vợ chồng sống bằng nghề làm mướn để lo cho 2 con ăn học. Cuộc sống khó khăn nên gia đình thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, chồng chị Linh thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, về nhà hay mắng chửi vợ con. Có lần uống say, người chồng đã dùng dao khứa cổ chị. Nhờ liên hệ chặt chẽ với Hội LHPN xã, chị Linh biết trong ấp có địa chỉ tin cậy để lánh nạn nên dắt 2 con đến nơi và được giúp đỡ, động viên, chia sẻ, an ủi về tinh thần, từ đó đã giúp chị lấy lại niềm tin trong cuộc sống.

Địa chỉ tin cậy nơi chị Linh đến lánh nạn đó là gia đình của ông Hồ Ngọc Hùng và bà Phan Thị Thanh Hương, ở ấp 1, xã Long Trị. Đây là một trong những địa chỉ tin cậy được thành lập đầu tiên ở thị xã. Từ khi trở thành địa chỉ tin cậy đến nay, gia đình ông Hùng đã giúp cho hàng chục trường hợp phụ nữ bị bạo hành lánh nạn qua đêm. Khi các chị đến đây, ông Hùng, bà Hương động viên, an ủi, chia sẻ, hỏi thăm tình hình vợ chồng, những mâu thuẫn trong gia đình để từ đó giúp các chị vơi bớt nỗi buồn, trút bỏ những suy nghĩ cực đoan để tự tin vào cuộc sống.

Xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Hội LHPN thị xã Long Mỹ đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế; huy động được sức mạnh trong toàn thể cán bộ, hội viên cùng chung tay xây dựng nông thôn. Nổi lên là mô thu gom vỏ ốc bươu vàng để ủ đốt thành tro bón cho cây ăn trái do Hội LHPN xã Tân Phú thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: Vào mùa nước nổi, địa phương có khoảng 10 cơ sở thu mua ốc bươu vàng, tính trung bình mỗi ngày đổ ra khoảng 40 bao vỏ ốc xuống kênh. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian qua, chúng tôi  đã vận động người dân dành một khu vực riêng biệt xa nhà để đổ vỏ ốc. Để hạn chế mùi hôi trong quá trình chứa vỏ, hội đã hỗ trợ cho người dân mua vôi bột về khử mùi, đến mùa khô thì tiến hành đốt lấy tro bón cho cây trồng, từ đó không còn tình trạng vỏ ốc bị tuôn xuống các dòng kênh nữa”.

Bài, ảnh: NGUYÊN HÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>