“Người khuyết tật hãy tự tin có thể làm được mọi việc như người lành lặn”

13/09/2016 | 11:24 GMT+7

Đây là một phần chia sẻ của Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Đình Liêu (ảnh) với Báo Hậu Giang trong chuyến công tác tại Hậu Giang vừa qua. Ông Nguyễn Đình Liêu chia sẻ: “Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng kết quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua rất khả quan, thể hiện sự cố gắng và nỗ lực tích cực của tỉnh”.

Thưa ông, ấn tượng nhất của ông trong công tác chăm lo người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo tỉnh Hậu Giang vừa qua là gì ?

- Tôi đánh giá cao sự chuyển biến lớn trong cách làm và nhận thức của tỉnh, cũng như các địa phương của Hậu Giang, đặc biệt là việc quan tâm cung cấp các dịch vụ y tế cho người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Các tổ chức hội cấp huyện luôn chủ động nắm bắt tình hình, trách nhiệm cao với công việc, tất cả đều hoạt động với phương châm vì cộng đồng. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thông qua việc vận động nguồn xã hội hóa hiệu quả.

Tới đây, Trung ương Hội sẽ tập trung những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông ?

- Hiện tại, Trung ương Hội đang tiến hành thực hiện chương trình “Hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế giảm nghèo”, nhằm giúp những người dân cần giúp đỡ có cuộc sống tinh thần tốt hơn. Sau đó tiến hành hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là đối tượng cần bảo trợ ở xã nông thôn mới. Song song đó là chương trình “Giảm nghèo bền vững”; cung cấp bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ để học sinh là người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo có được một góc học tập được tốt hơn,…

Những khó khăn mà Hội Bảo trợ người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Hậu Giang nói riêng và các hội ở các tỉnh, thành phố nói chung khác còn gặp phải là gì, thưa ông ?

- Do đa số cán bộ công tác trong Hội đều là người cao tuổi nên hạn chế về sức khỏe. Việc vận động xã hội hóa và thu hút nguồn lực ủng hộ hạn chế. Những người làm công tác bảo trợ ở một số nơi vẫn chưa nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của những người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Bởi vậy, cần chú trọng hơn nữa trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là phải giúp cho họ tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Làm được điều đó, đời sống của những người kém may mắn sẽ tốt hơn.

lÔng có những chia sẻ gì để những người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo có niềm tin và vững vàng trong cuộc sống ?

- Người khuyết tật hãy tự tin là mình có thể làm được như người lành lặn. Ngoài việc chăm lo, chúng ta nên tạo cho họ có lòng tin vào bản thân bằng việc biểu dương họ qua những hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, cộng đồng. Từ đó, tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người khuyết tật, trẻ mồ côi tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình và xã hội lại có quá nhiều rào cản. Mỗi người hãy xóa bỏ đi hàng rào ngăn cách ấy bằng việc cư xử thân thiện, quan tâm và lắng nghe họ nhiều hơn. Tôi tin, với sự chung tay của cả cộng đồng, thời gian tới, cuộc sống người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo sẽ có những chuyển biến tích cực.

Xin cảm ơn ông !

GIA KHÁNH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>