Khá lên nhờ bó chổi dừa

19/04/2021 | 10:20 GMT+7

Hình thành và phát triển đến nay khoảng 20 năm, nghề bó chổi dừa ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A mang đến cuộc sống ổn định cho nhiều phụ nữ nông thôn trên địa bàn.

Mỗi thành viên của Tổ có thể làm ra từ 20-40 cây chổi/ngày.

Từ nghề truyền thống địa phương, vào năm 2014, các hội viên phụ nữ nơi đây đã tham gia thành lập Tổ liên kết bó chổi ấp Xẻo Cao. Với 10 thành viên ban đầu, đến nay tổ đã có 20 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn ấp. Theo nhiều thành viên, nghề này làm không khó, cũng chẳng nặng nhọc nên người trẻ, người già đều làm được; chỉ cần quen tay, thạo việc thì năng suất lao động lẫn thu nhập đều tăng.

Do vậy, người làm được hướng dẫn người chưa biết, ai rảnh thì làm, cứ thế thu hút chị em tham gia vào tổ ngày càng đông. Bà Mai Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ liên kết bó chổi ấp Xẻo Cao, chia sẻ: “Nghề này đã gắn bó với chị em chúng tôi gần 20 năm. Hồi đó, ai cũng nghèo, không việc làm ổn định nên rủ nhau làm chổi bán để xoay sở cuộc sống hàng ngày. Dần dần, chúng tôi gắn bó luôn với nghề bó chổi dừa cho đến hôm nay”.

Mỗi ngày, một người có thể làm từ 20-40 cây chổi, tổng thu nhập dao động từ 2-4 triệu đồng/tháng. Đối với lao động nông thôn thì mức thu nhập này cơ bản đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày. Chưa kể, để góp phần đảm bảo nguồn cung và giải quyết việc làm cho một số lao động nông thôn, Tổ còn cung ứng nguyên liệu cũng như thu gom sản phẩm cho khoảng 10 chị em ở địa bàn các ấp khác trong xã.

Bà Nguyễn Thị Hiền, thành viên Tổ liên kết bó chổi ấp Xẻo Cao, cho biết: “Lúc đầu, do thiếu vốn nên chúng tôi phải tự đi mua lá dừa về vót từng cọng, số lượng chổi làm ra cũng ít. Thời gian sau, tham gia sinh hoạt tổ phụ nữ ấp, mỗi người được vay 5-7 triệu đồng làm vốn. Từ từ làm ăn phát triển, số vốn vay ngày càng nâng lên, quy mô sản xuất của tổ phát triển hơn, bình quân mỗi ngày, tổ làm ra từ 200-300 cây chổi”.

“Trước đây, do không có việc làm ổn định nên hầu như các thành viên trong tổ đều là hộ nghèo, hộ khó khăn. Từ đồng vốn vay, các chị em mua nguyên liệu dự trữ nên có việc làm quanh năm, do đó thu nhập ngày càng cải thiện. Nhiều chị nhờ nghề này mà nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, các thành viên đều đã thoát nghèo và có đời sống kinh tế tương đối ổn định”, bà Mai Thị Thủy chia sẻ thêm.

Đến nay, không chỉ riêng phụ nữ trên địa bàn ấp có nhu cầu làm nghề này mà nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định cũng muốn tham gia tổ để có nguồn thu nhập thường xuyên, chăm lo cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, do chưa đảm bảo nguồn vốn thu mua nguyên liệu cung ứng và trữ hàng cho các thành viên nên quy mô hoạt động của tổ còn hạn chế.

Vào những tháng cuối năm luôn bận rộn, chổi làm không đủ giao; còn ở các tháng bình thường này, lượng hàng tiêu thụ hạn chế. Do đó, Tổ đang cần nguồn vốn lớn để nhập nguyên liệu lúc rẻ và dự trữ hàng vào thời điểm tiêu thụ chậm chờ khi hút hàng, giá chổi tăng sẽ xuất bán ra thị trường. Có như vậy thì nguồn thu nhập của các thành viên chắc chắn sẽ cao hơn.

Theo bà Huỳnh Ngọc Phỉ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Xuân, lâu nay, hoạt động của Tổ liên kết bó chổi ấp Xẻo Cao rất hiệu quả. Phần lớn các cô, các chị đều lớn tuổi, bận trông giữ cháu, không thể đi làm xa nhà. Nhờ nghề bó chổi mà các cô, các chị có thêm nguồn thu nhập, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Thời gian qua, Hội cũng thường xuyên quan tâm động viên tinh thần, tạo điều kiện các cô, các chị tiếp cận vốn vay để duy trì tốt hoạt động.

Để góp phần giúp tổ nâng cao quy mô sản xuất, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang kiến nghị các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn để các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay lớn hơn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, kết nối đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho tổ nhằm tạo việc làm ổn định hơn cho phụ nữ.

Lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả hoạt động

Trong chuyến thăm các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Tổ liên kết bó chổi ấp Xẻo Cao. Ông cho rằng đây là một trong những hình thức góp phần giải quyết tốt nhu cầu việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn, nhất là đối tượng phụ nữ vừa lo nội trợ, vừa chăm sóc con cháu; phụ nữ trung niên không còn trong độ tuổi lao động ở các công ty, xí nghiệp.

Qua đây, ông Trần Văn Huyến đề nghị hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh, ngành chức năng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Tổ tiếp cận tốt các chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>