Gương sáng cựu chiến binh

29/02/2016 | 07:17 GMT+7

Thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh (CCB) gương mẫu, hơn 1.400 hội viên CCB huyện Châu Thành A phần lớn đi đầu trong các phong trào thi đua của hội và địa phương. Đặc biệt, nhiều CCB dù trở lại cuộc sống đời thường, vết thương còn âm ỉ đau nhức, nhưng cũng cố gắng vươn lên xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

CCB Nguyễn Văn É (áo trắng) chịu khó chăm sóc vườn xoài của mình.

Điển hình như ông Nguyễn Văn É, ở  ấp 1B, xã Tân Hòa, trước đây là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, bị thương ở lưng và chân, tỷ lệ thương tật 4/4. Kết thúc chiến tranh, ông trở về quê lập nghiệp, buổi đầu rất gian nan bởi không vốn luyến, ruộng đất, vết thương thỉnh thoảng lại đau nhức. Nhưng với tinh thần của người lính Cụ Hồ không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, ông É đã tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế.

“Chiến tranh thì gian khổ, nguy hiểm, đến hòa bình thì tại sao không dám làm ăn? Bây giờ tôi sống chấp hành tốt pháp luật nên trong cuộc sống phải quyết tâm làm ăn cho tương lai con cháu sau này. Mình chăm chỉ làm cho con cháu thấy đó mà noi gương theo”, ông É quyết chí như thế.

Thế là suốt ngày ông É cặm cụi với ruộng vườn. Nhờ vậy, chẳng lâu sau ông dành dụm đủ tiền mua trên 20 công đất, trong đó có 10 công vườn trồng xoài cát Hòa Lộc. Nhờ chịu khó chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật mà mỗi năm cho thu hoạch từ 100-500 triệu đồng.

Số phận như muốn trêu đùa với ông khi vợ ông mắc bệnh nặng, toàn thân nổi vẩy nến, ngứa ngáy, chữa trị rất tốn kém. Thế nhưng, ông không chùn bước, tận tâm với vườn xoài. Vườn cây cũng không phụ lòng người, thường cho mùa vụ bội thu, nhờ vậy ông có tiền chữa bệnh cho vợ (trên 600 triệu đồng) và lo cho 8 đứa cháu ăn học. Nếu một người khác ở vào hoàn cảnh của ông có thể lâm nợ hoặc buông xuôi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhưng ông thì không. Tấm gương của ông được chính quyền địa phương khen ngợi, là gương sáng cho nhiều hộ dân noi theo.

Ở thị trấn Bảy Ngàn, không ai xa lạ với CCB Huỳnh Công Lành, bị  thương mất một chân khi tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trở về quê khởi nghiệp từ con số không, nhưng với sự trợ giúp của Nhà nước, ông đem sức lực còn lại của mình hành nghề cưa xẻ gỗ và ăn nên làm ra từ đó. Hiện mỗi tháng trừ chi phí ông còn lời từ 5-7 triệu đồng. Ông Lành bộc bạch: “Hồi đó tôi là thương binh về không có nghề nghiệp, được Nhà nước ưu đãi cho phép hành nghề bến đò chèo. Sau đó phải đấu thầu đưa đò, tôi phải chuyển qua nghề muối nấm rơm; khi thị trường khó khăn, lãi ít, tôi mở trại cưa xẻ gỗ đến nay ngót 17 năm”.

Toàn huyện Châu Thành A có hơn 1.400 hội viên CCB, thì có gần 340 mô hình CCB sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều ngành nghề khác nhau. Điểm đặc biệt ở các CCB là ý chí vươn lên làm giàu, không lùi bước trước khó khăn. Song song đó, hội CCB các cấp luôn tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, như thành lập các tổ hùn vốn xoay vòng, thành lập tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội... Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành A Võ Văn Cho cho biết: “Để  nâng cao đời sống của CCB và ngày càng có nhiều CCB sản xuất kinh doanh giỏi hơn nữa, chúng tôi luôn động viên CCB phát huy tinh thần người lính vượt khó vươn lên. Song song đó là tạo điều kiện cho CCB tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để các CCB khác học hỏi”.

Với ý chí và lòng quyết tâm chiến thắng đói nghèo, vươn lên làm giàu, Hội CCB huyện Châu Thành A càng làm sáng thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…

Bài, ảnh: KIM VIẾNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>