Củng cố để phát triển

28/02/2017 | 08:10 GMT+7

Nhiệm kỳ 2012-2017, chính nhờ việc củng cố tổ chức cơ sở đoàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đã góp phần giúp cho phong trào đoàn ở huyện Phụng Hiệp nâng cao về số lượng, chất lượng, ngày càng thu hút nhiều thanh niên tham gia sinh hoạt.

Với cách làm phù hợp, công tác đoàn ở Phụng Hiệp đã tập hợp được thanh niên tham gia vào các công trình, phần việc công cộng.

Sau Đại hội Đoàn huyện Phụng Hiệp lần thứ X (nhiệm kỳ 2012-2017), đơn vị đã có những đổi mới trong đoàn kết, tập hợp thanh niên; bộ máy cán bộ lãnh đạo đoàn từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, nhiều giải pháp tập hợp thanh niên được triển khai, góp phần thu hút tuổi trẻ tham gia vào Đoàn ngày một đông.

Anh Lê Minh Đương, Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp, cho biết: “Là huyện có dân số trên 190.000 người, trong đó thanh niên độ tuổi đoàn chiếm 42%. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là củng cố lại tổ chức cơ sở đoàn; tập trung chỉ đạo xây dựng các phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm để góp phần từng bước nâng cao đời sống cho đoàn viên, hội viên. Qua đó nhằm thu hút đông đảo thanh niên ở địa phương tham gia vào tổ chức đoàn. Kết quả đến nay, huyện Phụng Hiệp có 4.865 đoàn viên, tăng 633 đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ”.

Một trong những công tác trọng tâm mà Huyện đoàn Phụng Hiệp thực hiện thắng lợi thời gian qua là triển khai hiệu quả phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”, trong đó chú trọng đến việc xây dựng các mô hình tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, bằng những cách làm phù hợp, Huyện đoàn đã xây dựng được 36 tổ tiết kiệm vay vốn do thanh niên phụ trách, tổng dư nợ lên đến 29  tỉ đồng, góp phần cho hàng ngàn thanh niên vay phát triển kinh tế và 22 tổ hùn vốn xoay vòng với tổng vốn trên 240 triệu đồng.

Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Chi đoàn ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An. Ngoài vai trò là cán bộ đoàn năng nổ, anh Khoa còn được nhiều người biết đến là thanh niên sản xuất giỏi tại địa phương. Nhờ tham gia hoạt động tại chi đoàn nên anh đã tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Hiện tại, anh đang thành công với mô hình chăn nuôi thủy sản tổng hợp với vốn đầu tư trên 100 triệu đồng. Anh Khoa chia sẻ: “Trước kia, cuộc sống khó khăn nên tôi phải đi làm thuê rất nhiều nơi. Nhưng khi tham gia công tác đoàn ở địa phương, được sự quan tâm của các cấp bộ đoàn hỗ trợ cho vay vốn giúp tôi xây dựng được mô hình này. Nhờ chịu khó làm ăn nên cuộc sống gia đình tôi giờ khá hơn trước nhiều lắm”.

Không chỉ thành công với mô hình làm ăn của mình, nhận thấy đời sống của thanh niên trong ấp còn nhiều khó khăn, anh Khoa đã đề xuất với Xã đoàn Hòa An thành lập Câu lạc bộ Chăn nuôi ấp Hòa Phụng C với 16 thành viên. Thanh niên tham gia câu lạc bộ được trên hỗ trợ vốn vay, riêng anh thì hỗ trợ kỹ thuật, con giống và bao tiêu sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trong ấp.

Anh Trần Thanh Phới, Bí thư Xã đoàn Hòa An, cho biết: “Câu lạc bộ Chăn nuôi ấp Hòa Phụng C thời gian qua hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong câu lạc bộ được tiếp cận nguồn vốn vay từ các chương trình cũng như vốn vay xoay vòng trong câu lạc bộ nên có điều kiện đầu tư sản xuất, vì thế kinh tế nhiều gia đình thành viên được cải thiện. Có công ăn việc làm ổn định đã hạn chế được tình trạng thanh niên trong ấp ăn chơi lêu lổng, gây mất trật tự xóm ấp. Bên cạnh đó, khi các phong trào đoàn được triển khai, thanh niên ở ấp Hòa Phụng C hưởng ứng rất nhiệt tình, vì thế thời gian tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các ấp còn lại”.

Bên cạnh giúp vốn cho thanh niên vay sản xuất, thời gian qua, các cấp bộ đoàn ở Phụng Hiệp còn chú trọng đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên.

Thị trấn Kinh Cùng thời gian qua có khoảng 50% thanh niên đi làm ăn xa, trong khi số thanh niên ở lại quê hương cũng đang gặp khó trong tìm việc làm. Nắm được thực trạng đó, Thị đoàn Kinh Cùng đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn, giúp cho đoàn viên địa phương được tiếp cận với nghề, như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hạnh.

Cách đây 3 năm, được tham gia lớp dạy nghề, về anh Hạnh tổ chức mô hình chăn nuôi heo rừng. Từ 3 con heo giống ban đầu, hiện nay tổng đàn heo của gia đình lên đến 10 con, mỗi năm cho thu nhập gần 20 triệu đồng từ bán heo thịt. Anh Hạnh cho biết: “Công việc chính của gia đình hiện nay là làm ruộng, nghề nuôi heo chỉ là phụ nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những lúc sản xuất lúa không đạt hiệu quả cũng còn nguồn thu nhập từ nuôi heo, giúp cho cuộc sống gia đình hiện ổn định hơn trước”.

Nhiệm kỳ 2012-2017, toàn huyện xây dựng được 208 câu lạc bộ, tổ nhóm, 117 mô hình thanh niên phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ các mô hình cũng góp phần rất lớn trong việc tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức đoàn, thực hiện các công trình, phần việc trên giao. “Thời gian qua, khi phát triển đoàn viên mới, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng triển khai nhiều giải pháp để giúp lực lượng thanh niên cơ sở vừa lao động sản xuất vừa an tâm sinh hoạt đoàn. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tranh thủ mọi nguồn lực tiếp tục cho thanh niên tiếp cận với vốn vay để phát triển sản xuất; phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển đổi cây trồng để thanh niên xây dựng được những mô hình làm ăn mới. Riêng với những mô hình hiệu quả, chúng tôi sẽ triển khai cho tổ chức đoàn từ huyện đến cơ sở tiếp tục nhân rộng. Có như thế mới tập hợp được nhiều thanh niên tham gia vào sinh hoạt đoàn”, anh Đương khẳng định.

Bài, ảnh: THANH DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>