Bài toán nâng cao chất lượng hoạt động hội, đoàn thể

Bài 2: Còn nhiều hạn chế

21/07/2016 | 08:26 GMT+7

Bên cạnh những mặt làm được, tổ chức và hoạt động của hội, đoàn thể ở một số nơi trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục.

Cần sớm nâng cao hiệu quả hoạt động để xây dựng đoàn thể vững mạnh.

Chậm đổi mới

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.640 chi đoàn, chi hội hoạt động, với hơn 295.740 đoàn viên, hội viên. Công tác xây dựng tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên được quan tâm, củng cố, duy trì sinh hoạt theo quy định. 5 năm qua, các đoàn thể đã phát triển hơn 211.490 đoàn viên, hội viên, nâng tỷ lệ hộ gia đình có người tham gia các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 70,7%.

Bên cạnh những mặt làm được thì mỗi hội, đoàn thể có những hạn chế nhất định, chung nhất là phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa sát cơ sở, có nhiều hoạt động mang tính hình thức. Trách nhiệm trong xây dựng, phát triển tổ chức, quản lý, giáo dục đoàn viên, hội viên có nơi buông lỏng nên chất lượng tổ chức, hoạt động chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân khác dẫn đến chất lượng hội viên yếu là do đặc thù của từng tổ chức đoàn, hội có tiêu chuẩn kết nạp đoàn viên, hội viên khác nhau nên dẫn đến chất lượng hoạt động không đồng đều.

Nếu hội cựu chiến binh (CCB) có yêu cầu đối với các đối tượng được xét vào Hội khá cao thì điều kiện để trở thành hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam là phụ nữ Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có nguyện vọng trở thành hội viên... Vì vậy, hội viên phụ nữ thường đông đảo và rộng khắp, nhưng ở vài nơi, chất lượng hội viên không đạt như mong muốn.

Thực tế, ở một số đơn vị khi tổ chức sinh hoạt, chị em thường tập trung vào vấn đề hùn vốn, ít quan tâm đến các nội dung khác. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, khi tổ chức sinh hoạt định kỳ, chị em hội viên thường tham gia đầy đủ để hùn vốn. Tuy nhiên, hoạt động thu hút hội viên phụ nữ ở những gia đình có kinh tế ổn định lại rất khó bởi các chị không có nhu cầu vay nên không tham gia hội”.

Hiện nay, ngoài các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết thành lập theo sự chỉ đạo của hội LHPN các huyện, thị, thành phố thì có một số CLB khác do hội viên lựa chọn nội dung tham gia, thành lập ban chủ nhiệm và tự điều hành. Và thực tế các CLB tự nguyện ấy chỉ hoạt động sôi nổi thời gian đầu. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Mới đầu, CLB gia đình hạnh phúc thành lập hội viên sinh hoạt đầy đủ, đều đặn lắm, nhưng đến nay do nhu cầu một số hội viên đi làm ăn xa nên hội họp không được như trước”.

Chưa tạo đột phá

Trò chuyện với nhiều bạn trẻ tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh họ đều cho biết, muốn thanh niên đến với Đoàn thì chính tổ chức đoàn phải có sự hấp dẫn. Bạn Nguyễn Mai Ngân, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi làm công nhân cho công ty may nên không có thời gian tham gia tổ chức đoàn, hội. Với lại, tôi thấy vào Đoàn cũng đâu có làm được gì đâu nên cũng không muốn tham gia!”.

Riêng với hoạt động công đoàn các cấp, theo bà Lê Thị Thanh Lam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nhìn nhận, một số công đoàn cơ sở chậm cụ thể hóa và triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Chất lượng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản luật, cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động và công đoàn. Hoạt động công đoàn cơ sở chưa phát huy triệt để vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Một số công đoàn cơ sở ngoài nhà nước chưa phản ánh hết thực trạng về tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, còn để xảy ra tình trạng lãng công.

Ngoài ra, ở một số cơ sở, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hội, đoàn thể còn nhiều bất cập, thiếu ổn định; trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ này còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả.

Có thể thấy, hội, đoàn thể đều có những hạn chế nhất định cần có giải pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động để phù hợp với chức năng, mục đích của từng tổ chức, xây dựng hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Bài 3: Giải pháp nâng cao

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>