Mô hình phụ huynh mang cơm trưa đến lớp cho trẻ

​​​​​​​Chung tay để trẻ phát triển

14/02/2017 | 07:49 GMT+7

Khắc phục khó khăn về việc thiếu bếp ăn tại các điểm trường và nhằm giúp trẻ được học 2 buổi/ngày, một số trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đã kết hợp với phụ huynh thực hiện mô hình Phụ huynh mang cơm trưa đến lớp cho trẻ.

Các bé ở Trường Mẫu giáo Phú Tân (huyện Châu Thành) được ăn trưa tại trường nhờ mô hình Phụ huynh mang cơm trưa đến lớp cho trẻ.

Đến điểm phụ của Trường Mẫu giáo Bông Sen, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, vào đầu giờ học, sẽ thấy không khí nô nức của cô, trò và cả phụ huynh nơi đây, khi chuẩn bị cho một ngày học mới. Tay dẫn con, tay cầm theo phần cơm trưa đã chuẩn bị sẵn, chị Hồng, phụ huynh có con đang học tại đây, vui vẻ nói: “Tôi thấy mô hình để phụ huynh mang cơm đến lớp này rất hay. Vì ở đây là khu vực nông thôn, bà con ban ngày chủ yếu đi làm ruộng rẫy hết nên cũng ít có thời gian để đưa rước mấy đứa nhỏ như hồi đó, cứ sáng đưa, trưa hì hụi rước, với lại ở đây lại không có điều kiện ăn bán trú như ở chợ ngoài kia đâu, nên sáng chịu khó dậy sớm nấu cơm rồi khi đưa bé vào lớp, tôi gửi cô giáo cho bé ăn. Chiều đi làm về ghé rước bé về luôn”. Theo chị Hồng, từ khi con chị đi học và được ăn cơm trưa tại lớp bé tăng cân hơn trước. Bên cạnh đó, được học 2 buổi/ngày ở lớp, bé cũng chăm ngoan và học được nhiều kiến thức hơn.

Năm học 2016-2017, Trường Mẫu giáo Bông Sen có 418 trẻ, với 1 điểm chính, 2 điểm phụ gồm 12 nhóm lớp. Trong đó, có 1 điểm phụ ở khu vực 3, phường Lái Hiếu đang thực hiện cho trẻ ăn theo mô hình Phụ huynh mang cơm trưa đến lớp và hiện có 22 trẻ đang theo học. Bà Lê Thị Thu Hồng, Hiệu trưởng của trường, chia sẻ: “Do điểm phụ này không thể tự trang bị được bếp ăn, lại cách xa điểm chính nên chúng tôi không thể mang cơm đến như điểm phụ còn lại được. Lúc đầu, khi vận động phụ huynh mang cơm đến lớp cho trẻ ăn trưa cũng khó lắm. Tại trước giờ, phụ huynh ở đây quen sáng đưa trẻ đến lớp rồi trưa đón về nhà cho các cháu ăn cơm, đến đầu giờ chiều đưa trẻ trở lại học. Tuy nhiên, mô hình này cũng có cái khó là cơm cho các cháu do mang đến lớp từ sáng nên không còn nóng như lúc vừa nấu nữa”.

Mặc dù khó khăn là thế, nhưng với những hiệu quả tích cực mang lại khi trẻ được chăm sóc, giáo dục tại lớp đến nay, 100% phụ huynh ở điểm phụ khu vực 3, phường Lái Hiếu đều tham gia mô hình mang cơm trưa đến lớp cho trẻ. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày của trường hiện đạt hơn 99%. Đây quả là cách làm hay cần được nhân rộng ở những trường còn nhiều khó khăn.

Cũng là giải pháp khắc phục khó khăn về việc thiếu cơ sở vật chất, nhất là các bếp ăn tại điểm phụ, giữa năm học 2015-2016, Trường Mẫu giáo Phú Tân, huyện Châu Thành, cũng đã thực hiện mô hình Phụ huynh mang cơm trưa đến lớp cho trẻ. Bà Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Tuy ở đây là khu vực nông thôn, nhưng từ khi phát động và thực hiện mô hình, phụ huynh ủng hộ lắm. Do trường cũng còn khó khăn về cơ sở vật chất nhất là chưa trang bị được bếp ăn, nên việc thực hiện mô hình là trong những giải pháp để đảm bảo hầu hết trẻ đều được đến lớp và học 2 buổi/ngày. Qua đây, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm và tâm lý để trẻ sẵn sàng khi vào lớp 1”.

Hiện Trường Mẫu giáo Phú Tân có 1 điểm chính và 4 điểm phụ, với tổng số 380 trẻ đang theo học, trong đó có 152 trẻ 5 tuổi. Do đa phần các điểm phụ nằm trong khu vực nông thôn, còn nhiều khó khăn nên để tạo điều kiện cho các bé, nhất là trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, nhà trường luôn cố gắng vận động phụ huynh để tổ chức cho trẻ được ăn bán trú...

Sau quá trình thực hiện thí điểm ở một vài điểm trường, hiện mô hình Phụ huynh mang cơm trưa đến lớp cho trẻ đã được chỉ đạo nhân rộng đối với các điểm trường trên địa bàn huyện Châu Thành.

Bà Trần Thị Thùy Linh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, cho biết: “Mô hình nhằm tạo điều kiện thuận lợi để trẻ được ở trường và học 2 buổi/ngày, chủ yếu thực hiện ở các điểm phụ nằm cách xa điểm chính. Do đa phần các trường trên địa bàn huyện thường có nhiều điểm phụ, theo quy định hiện nay việc tổ chức cho trẻ học 2 buổi/ngày là rất cần thiết, nhưng các điểm phụ lại không có điều kiện để trang bị bếp ăn nên phòng đã chỉ đạo nhân rộng mô hình đối với những điểm trường không tổ chức nấu ăn được. Ngoài ra, do phần lớn phụ huynh ở các điểm phụ chủ yếu sống ở vùng nông thôn còn khó khăn về điều kiện kinh tế, nếu phụ huynh buổi trưa đến đón các cháu rồi đầu giờ chiều lại đưa đến lớp thì mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện mô hình rất được phụ huynh ủng hộ”.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>