Truyền đam mê đọc sách trong trường học

18/04/2017 | 09:00 GMT+7

Khi công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển, việc gìn giữ văn hóa đọc trong trường học là điều phải làm.

Đọc sách không chỉ giúp trang bị kiến thức học tập, mà còn cung cấp những kỹ năng sống cho học sinh.

Em Lâm Thị Thúy Duy, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Em rất thích đọc sách. Qua mỗi quyển sách, em được học hỏi rất nhiều, giúp em có thêm vốn từ để viết văn hay hơn. Đọc sách còn giúp em vun đắp được tình yêu với thiên nhiên và mọi người xung quanh, thông qua mỗi quyển sách là những câu chuyện đầy ý nghĩa”.

Để tạo thói quen và rèn luyện ý thức đọc sách cho học sinh, một số trường đã xây dựng góc thư viện ở mỗi lớp hay tổ chức các ngày hội đọc sách… Gương mặt rạng rỡ, ánh mắt đầy thích thú khi phát hiện ra điều thú vị qua quyển sách vừa đọc được, em Nguyễn Minh Minh Thư, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Khi đọc được một quyển sách hay hoặc một câu chuyện nào đó ý nghĩa, em cảm thấy rất vui. Đối với lứa tuổi học sinh chúng em, ngoài đọc sách viết về các câu truyện cổ tích, em còn tìm đọc thêm các quyển sách viết về Bác, sách biển đảo và sách viết về đất nước, con người Việt Nam”.

Để thu hút học sinh tham gia đọc sách, thư viện ở các trường hiện nay được trang bị rất nhiều loại sách báo như: Báo Nhi đồng, sách tham khảo học tập, truyện tranh thiếu nhi... nhiều học sinh chia sẻ, đọc sách là điều rất cần thiết, qua đây không chỉ giúp các em cung cấp tri thức để phục vụ cho việc học tập, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các em tự tin mang vốn kiến thức mình học hỏi để tham gia các hội thi.

Đối với giáo viên, đọc sách luôn là việc làm thường xuyên. Cô Lê Chúc Linh, giáo viên môn vật lý, Trường THCS Lê Hồng Phong, thị xã Ngã Bảy, nói: “Đối với giáo viên chúng tôi, đọc sách là việc làm không thể thiếu để tự trang bị thêm kiến thức phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, để phục vụ cho chuyên môn giảng dạy, cô Linh cũng thường xuyên đọc thêm các quyển sách lý giải hiện tượng tự nhiên, để đưa vào bài giảng thu hút học sinh”.

Internet phát triển nhanh, việc tiếp cận với công nghệ thông tin cũng trở nên dễ dàng hơn, việc đọc sách đã không còn thu hút học sinh như trước kia, nên “truyền lửa” đọc sách trong nhà trường là điều quan trọng. Là giáo viên dạy môn ngữ văn, cô Lê Thị Bích Trân, Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, vẫn luôn cố gắng khơi gợi giúp hứng thú đọc sách trong học sinh thông qua tiết dạy của mình. Cô Trân cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng giới thiệu đến học sinh các loại sách tham khảo, các quyển sách hay gần gũi với lứa tuổi học trò hoặc những quyển sách có nhiều câu chuyện mang đầy tính triết lý”.

Có thể thấy, đọc sách, tìm kiếm thông tin qua mạng internet đã trở nên phổ biến. Đây cũng là một trong những lý do làm cho việc đọc sách truyền thống ít được mọi người quan tâm. Với mục tiêu vun bồi văn hóa đọc trong nhà trường, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo phòng giáo dục huyện, thị, thành phố tổ chức hội thi cán bộ, giáo viên thư viên giỏi và tuyên truyền giới thiệu sách giỏi. Qua đây, đã tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh được giao lưu, học hỏi và biết thêm nhiều quyển sách hay và bổ ích. Cũng từ hội thi này, đã chọn ra được nhiều giáo viên và học sinh để tham gia Ngày sách Việt Nam hàng năm…

“Đọc sách là nhu cầu rất cần thiết đối với mỗi người, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Sách không chỉ giúp các em nhận thức, hiểu biết về kho tàng tri thức của nhân loại mà còn hình thành cho các em những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học là giai đoạn đang hình thành thói quen nhân cách, việc đọc sách lại càng có một ý nghĩa rất quan trọng”, ông Trần Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Quản lý cơ sở vật chất - Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>