Trường trung cấp chật vật tìm hướng đi

22/05/2017 | 08:12 GMT+7

Hè về, cũng là lúc mùa tuyển sinh đến và điệp khúc cứ “hát mãi chưa thôi”: Trường trung cấp không kiếm được người học. Từ đây, bắt buộc các trường tìm hướng đi để đổi mới, nhưng có những điểm nghẽn quá lớn, chưa thể giải quyết rốt ráo.

Bài 1: Nút thắt chưa tháo nổi

Hoạt động cầm chừng, học sinh và phụ huynh ít quan tâm là cái khó chung với nhiều trường trung cấp. Từ chỗ ít người học, nên nhiều vấn đề bất cập khác kéo đến.

Tuyển sinh quá khó, nên không ít lớp học nghề ở phân hiệu 1, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh chưa đầy 10 học viên.

Khó thu hút người học

Em Võ Văn Hào, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trước giờ, em chưa từng nghĩ tới là mình sẽ theo học ở các trường trung cấp nghề”. Tâm lý chuộng bằng cấp, thích cho con em vào con đường đại học vẫn chưa bao giờ xưa cũ. Chị Nguyễn Thị Én, phụ huynh có con đang học lớp 12, ở thành phố Vị Thanh, thổ lộ: “Thời buổi này, thấy mấy đứa học đại học còn khó xin việc. Cho con mình học trung cấp biết rồi nó có xin việc được không?”.

Cũng có trường hợp học sinh vào học trung cấp xong, thấy nản lại nghỉ giữa chừng. Em Huỳnh Thị Thảo Duy, ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Năm rồi, sau khi tốt nghiệp THCS em cũng đăng ký vào học trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật, nhưng khi vào học thấy lớp chỉ có vài bạn, em thấy nản quá nên nghỉ luôn. Lúc đó, nộp hồ sơ vào học THPT thì cũng không kịp nữa, nên cả năm nay em nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình”. Thảo Duy không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều người rất bất ngờ khi biết thông tin lớp cắt gọt kim loại của trường kỹ thuật - công nghệ chỉ có 2 học viên. Lớp nào có được 10 học viên là mừng.

Có người nói nguyên nhân không kéo được người học nằm ở các trường. Như trường hợp Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh được thành lập từ năm 2009, hiện đang đào tạo 4 nghề và có số lượng học viên khiêm tốn: 160 em, nhưng quy mô có thể đào tạo đến 420 học viên, từ khi hoạt động đến nay, trường không có các xưởng thực hành. Vì vậy, học sinh của trường chủ yếu được học trên một số thiết bị thô sơ là chính.

Thiếu thiết bị nên không thu hút được học viên đã đành, còn trường dồi dào thiết bị thì sao? Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh (có 2 phân hiệu) trụ sở chính tại thành phố Vị Thanh được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 6,4ha, kinh phí hơn 69 tỉ đồng và trang thiết bị được đầu tư hơn 24 tỉ đồng. Riêng phân hiệu 1 của trường hiện đặt tại thị xã Ngã Bảy (Trường Trung cấp Nghề Ngã Bảy trước đây) cũng có tổng mức đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị trị giá lên đến hơn 34 tỉ đồng, nhưng cũng không thu hút nhiều người học. Cả 2 điểm của trường này có thể đào tạo trên 1.000 học viên, nhưng hiện tại chỉ có 332 người theo học. Ít người học, ít được chăm chút, phòng học và xưởng thực hành hoạt động chưa hết công năng, phải bỏ trống gây lãng phí. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho thuê lại phân hiệu 1 của trường, đó cũng là cách giúp ngân sách nhẹ lo.

Nhiều giáo viên xin nghỉ, chuyển công tác

Tuyển sinh không đạt đã buồn, nhưng đáng nói là một số nghề ở các trường trung cấp có khi không tuyển được người học nào. Điều này khiến giáo viên ở một số ngành nghề không có tiết giảng dạy, nên phải công tác ở các bộ phận hành chính của trường. Nhìn số máy tính ở xưởng điện tử - tin học, từng là thiết bị gắn bó với các bài thực tập của nghề kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, thầy Nguyễn Thiên Sanh, giáo viên của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, tâm sự: “Do không có người học, nên tôi cũng không thể giảng dạy. Gần 1 năm nay, tôi đã được chuyển sang công tác ở phòng đào tạo, rồi phòng tổ chức - hành chính. Nhớ lại, khoảng năm 2009, giáo viên nghề sửa chữa lắp ráp máy tính ai nấy cũng dạy dư giờ hết, lớp học đông đúc nữa. Mấy năm nay, thấy nghề mình dạy tuyển sinh không được cũng thấy lo, sợ là phải phân công thêm công việc khác, nhưng rồi điều chúng tôi lo lắng nhất cũng đã xảy ra”…

Không chỉ giáo viên dạy nghề của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, mà ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh một số nghề như: Kế toán hành chính sự nghiệp, quản lý đất đai… không tuyển được học viên hoặc số lượng học viên quá ít, giáo viên dạy nghề thời gian đứng lớp không nhiều cũng đã được phân công thêm các công việc hành chánh. Theo báo cáo (lúc chưa sáp nhập 2 trường), từ năm 2011 đến nay đã có đến 30 giáo viên, cán bộ quản lý của Trường Trung cấp nghề tỉnh và Trung cấp nghề Ngã Bảy nghỉ việc hoặc xin chuyển ngành.

Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, cho biết: “Mấy năm nay, năm nào cũng có nghề cũng chỉ tuyển sinh lác đác được vài chục hồ sơ. Ở các trường trung cấp, một số ngành nghề có khi không tuyển được người học, nên có năm phải ngừng tuyển sinh. Nghề hàn, thiết kế web, quản trị mạng… có năm nhà trường đưa vào kế hoạch tuyển sinh, nhưng cũng có năm không tuyển”.

Gian khổ cạnh tranh

Để cải thiện tình hình, các trường trung cấp phát phiếu khảo sát nguyện vọng, nắm bắt nhu cầu học sinh lớp 9, nhưng không được như kỳ vọng. Ông Nguyễn Thanh Thừa, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, tâm sự: “Khi hỏi các em có muốn học trung cấp nghề không, các em đều nói phải về hỏi lại gia đình, nếu cho thì mới đăng ký học. Tôi thấy học sinh tốt nghiệp THCS đa phần ở độ tuổi 15-16, nên mọi quyết định của các em đều nghe theo ý kiến phụ huynh”.

Điểm sàn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng khá thấp. Hàng loạt thay đổi trong xét tuyển vào đại học, đã khiến cánh cửa vào đại học rộng mở, do đó các trường trung cấp càng “đuối” hơn trong cuộc chạy đua giành thí sinh. Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, chia sẻ thêm: “Học trung cấp nghề, đồng nghĩa với việc các em sẽ phải lao động chân tay, sử dụng máy móc thiết bị trực tiếp sản xuất. Nhưng con em người dân bây giờ, thường sợ lao động trực tiếp mà chỉ thích làm quản lý thôi”.

Qua kết quả điều tra khảo sát diễn biến tình hình cung cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, nguồn lao động đang tìm việc có khoảng 4.553 lao động, trong số này trình độ trung cấp có 520 lao động cần tìm việc, nhưng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chỉ có 90 lao động.

Từ ngày 1-1-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên). Với việc chuyển đổi này, nhiều ý kiến cho rằng đó có thể là cơ hội mới để các trường nghề tìm thấy hướng đi hợp lý để tồn tại...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp. Những năm qua kết quả tuyển sinh ở các trường chưa đạt chỉ tiêu và kết quả trồi sụt khó dự báo. Ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, nếu năm học 2013-2014 đạt 97%, thì sang năm học 2016-2017 sụt xuống còn 76,1%. Trường Trung cấp Nghề tỉnh (nay là Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh) trong 6 năm học gần đây, năm tuyển sinh cao nhất đạt 71,5% (2011-2012), đến năm học 2016-2017 còn 34%. Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang năm học 2016-2017 chỉ tuyển sinh đạt 6,1% ở các ngành đào tạo hệ trung cấp. Riêng Trường Trung cấp Luật tỷ lệ khả quan hơn, năm học 2015-2016 tuyển sinh đạt 100% và năm học 2016-2017 đạt 80,5%.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Bài 2: Bài toán khó tìm lời giải ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>