Trường xây xong, không có nước sạch sử dụng

Trách nhiệm của ai ?

05/12/2016 | 05:30 GMT+7

Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, cơ sở rất khang trang, nhưng ngặt nỗi cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (trụ sở mới tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy) không có nước sạch sử dụng, vậy ai chịu trách nhiệm về chuyện này?

Dù nước giếng được bơm qua bể lọc, nhưng vẫn không hết mặn, chát.

Ngứa ngáy, viêm da do dùng nước nhiễm mặn

Trở lại giảng dạy sau điều trị viêm da do sử dụng nước giếng khoan tại trường, ông Nguyễn Thanh Thừa, Trưởng phòng Đào tạo của trường, chia sẻ: “Sở dĩ, tôi bị viêm da nhiều hơn các thầy, cô giáo khác là do tôi ở lại trường, sử dụng nguồn nước cho mọi sinh hoạt cá nhân, tiếp xúc nhiều nên việc viêm da là không tránh khỏi. Tôi biết nguồn nước của trường đang sử dụng bị mặn, mỗi lần rửa tay tôi thấy rất rít, tuy đã sử dụng nước lọc để vệ sinh lại nhưng tôi vẫn bị viêm da”.

Đến trường, sẽ không mấy ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh mỗi giáo viên, nhân viên đi vào trường mang theo mình một chai nước lọc sử dụng lại sau khi sử dụng nước tại trường để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Cao Hoàng Kha, chuyên viên Phòng Tổ chức, hành chính, cho biết: “Mọi sinh hoạt của nhà trường bây giờ đều sử dụng nước giếng khoan. Trong khi nước giếng khoan hiện tại có vị mặn, chát đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của học viên, giảng viên nhà trường. Ngay cả bản thân tôi cũng đang rất khó chịu vì sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh này. Chúng tôi mong sớm có nguồn nước sạch sử dụng để đảm bảo sức khỏe, cho học viên và giảng viên, nhân viên nhà trường yên tâm giảng dạy và học tập”.

Cũng theo ông Kha, học viên của trường khi sử dụng nguồn nước này bị viêm da rất nhiều, có em phải xin nhà trường nghỉ phép để điều trị. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, nước giếng khoan đang làm rỉ sét, ố vàng một số thiết bị trong nhà vệ sinh…

Dự án không còn kinh phí để lo chuyện nước sạch

Khi đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao trường mới đi vào hoạt động chừng 2 tháng mà xảy ra tình trạng nguồn nước bị ảnh hưởng như trên, ông Lê Văn Phi, Hiệu trưởng của trường, cho biết: “Thiết kế ban đầu của trường là sử dụng nước giếng khoan, không biết trong quá trình thiết kế, đơn vị đầu tư có khảo sát, nghiên cứu hiện trạng nguồn nước giếng khoan hay không, để đến khi bàn giao công trình cho nhà trường để đưa vào hoạt động, nguồn nước rất khó sử dụng. Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này về Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang xem xét đầu tư bổ sung công trình cấp, thoát nước phục vụ cho sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy theo quy định”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu muốn có nước sạch, sẽ phải đấu nối từ Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, do khoảng cách đấu nối đường ống nước từ Trường Chính trị tỉnh đến Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật khá xa (khoảng 1.000m) và kinh phí cho việc này là hơn 691,8 triệu đồng, nên giải pháp ban đầu Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ cho nhà trường là xây dựng bể lọc. Tuy nhiên, sau khi có bể lọc sử dụng, giáo viên, học sinh của trường cho biết nó không có tác dụng, nước không được sạch, vẫn mặn, phèn như thường.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo của sở cho biết, sở đã biết về hiện trạng nguồn nước hiện nay của trường và nhận được tờ trình đề xuất lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy của trường. Tuy nhiên, công trình do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang quản lý nên đang chờ ý kiến của tỉnh về hướng giải quyết.

Trường thì có cái lý lẽ riêng của trường, nhưng tựu trung là đang bức xúc, còn chủ đầu tư dự án cũng bày tỏ ý kiến riêng. Ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Do các hạng mục công trình của trường không có thiết kế ký túc xá nên việc sử dụng nước giếng khoan như thiết kế ban đầu, để học viên, giáo viên trường vệ sinh chân tay tôi nghĩ không có gì ảnh hưởng. Các hộ dân ở khu vực quanh đây họ vẫn nấu nướng và mua bán bằng nguồn nước này mà có thấy ảnh hưởng gì đâu. Còn chuyện đấu nối công trình cấp, thoát nước phục vụ cho sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy (công trình phát sinh), nhà trường phải bỏ tiền ra, chứ kinh phí cho dự án đã hết, không có phần bổ sung này”. 

Vậy trường hay chủ đầu tư lo kinh phí gần 700 triệu đồng này để đấu nối nước sạch và lấy tiền từ nguồn nào, khi kinh phí từ dự án không còn và trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời vẫn phải chờ…

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>