Tín hiệu vui từ Đề án ngoại ngữ quốc gia

09/03/2021 | 07:58 GMT+7

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau thời gian thực hiện đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Giờ học tiếng Anh hấp dẫn với thiết bị học tập hiện đại tại Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh.   

Tạo cơ hội để học sinh phát triển

Với ước mơ học trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, em Huỳnh Thiện, lớp 12TA, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Em rất thích học tiếng Anh, nhờ môn học này mà em có thể đọc và tham khảo được nhiều tài liệu học tập hữu ích từ các trang báo nước ngoài. Kiến thức được mở rộng, không bị giới hạn bởi ngôn ngữ nên em tự tin với ước mơ và nghề nghiệp tương lai mình đã chọn”. Với nền tảng học tiếng Anh khá vững, em Thiện đã 2 lần là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi môn tiếng Anh quốc gia, năm học 2019-2020 em đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh.

Là trường có đội ngũ giáo viên giảng dạy rất tốt môn tiếng Anh, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư hiện đại, Trường THPT chuyên Vị Thanh là trường duy nhất của tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thí điểm dạy học bằng tiếng Anh cho các môn khoa học tự nhiên và môn toán từ năm học 2013-2014. Cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên dạy toán của trường, cho biết: “Việc thiết kế bài giảng, tạo sự mới lạ theo từng bài học phù hợp đã giúp học sinh yêu thích hơn với cả 2 môn học. Điểm khó là giáo viên chúng tôi cần phải chuẩn bị và đầu tư nhiều cho bài giảng, nhưng nhờ vậy mà năng lực và khả năng chuyên môn của chúng tôi được nâng lên rất nhiều”.

Ông Trang Kim Danh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết: “Nhờ thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, chất lượng dạy và học của bộ môn tiếng Anh ở trường không ngừng được nâng lên”. Tính đến thời điểm này, trường có 9 giáo viên đạt chuẩn C1, 1 đạt chuẩn B2 theo khung năng lực 6 bậc châu Âu.

Đối với các cấp học còn lại thì sao ?

Thú vị nhất là khi tham gia giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường Mầm non Ánh Dương, thành phố Vị Thanh. Trẻ tự tin, ngồi học chăm chú khi nghe cô hướng dẫn cách phát âm, cách chào cô giáo, đọc to số đếm từ 1 đến 10… Bà Phạm Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Bắt đầu từ năm học 2017-2018, nhà trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh chọn thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ từ 4-5 tuổi tại trường. Qua quá trình quan sát, những trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh sớm có sự tự tin, năng động và thích thú với các hoạt động mà giáo viên giảng dạy. Giáo viên đã tùy theo năng lực tiếp thu của từng học sinh mà có phương pháp dạy học phù hợp, tạo tâm lý thoải mái để trẻ làm quen với tiếng Anh. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ không bỡ ngỡ khi vào chương trình học cấp tiểu học”.

Nâng tầm chất lượng giáo dục

Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thành tựu đạt được của ngành giáo dục và đào tạo thành phố là sau thời gian thực hiện đề án ngoại ngữ 2020, chúng tôi tự hào khi 100% giáo viên dạy tiếng Anh của ngành đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu. Có được đội ngũ giáo viên vững vàng về năng lực chuyên môn, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, nhiều mô hình, câu lạc bộ học tốt tiếng Anh đã được thành lập… đã tạo nhiều bước tiến vượt bậc trong kết quả dạy và học của ngành”.

Cụ thể, cấp tiểu học có 25/25 giáo viên đạt chuẩn, cấp THCS có 26/26 giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu. Đây là kết quả sau hơn 12 năm ngành giáo dục và đào tạo thành phố Vị Thanh thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. 

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo sân chơi hấp dẫn, thú vị cho học sinh khối tiểu học, năm học 2020-2021, lần đầu tiên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A đã tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Bà Mai Thị Bích Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rạch Gòi B, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Hội thi không chỉ là sân chơi mà còn là cơ hội để các giáo viên bộ môn nhìn nhận lại phương pháp giảng dạy của mình, nhất là việc rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp và nghe, nói bằng tiếng Anh. Sau hội thi, tôi thấy học sinh tự tin và hào hứng hơn với việc rèn 2 kỹ năng nghe nói rất nhiều”.

Xây dựng mô hình và cả câu lạc bộ để học sinh tự tin, không ngại với một ngôn ngữ mới, thầy Phùng Huy Định, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Tiểu học Trường Long Tây 1, huyện Châu Thành A, thổ lộ: “Từ trước đến nay, giáo viên chỉ tập trung vào việc rèn cấu trúc ngữ pháp cho học sinh, cách viết câu nhưng tôi thấy quan trọng vẫn là khả năng vận dụng và giao tiếp. Học sinh có tự tin nói được, nghe được thì mới cảm thấy môn tiếng Anh không khó. Vì thế việc sử dụng tranh ảnh, giờ học ứng dụng công nghệ thông tin, cho học sinh đóng kịch hay hùng biện bằng tiếng Anh với 1 chủ đề phù hợp theo tháng… là cách để tôi thu hút học sinh tập trung đầu tư cho môn học”.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ, đầu tư trang thiết bị dạy học là 2 giải pháp trọng tâm được ngành tập trung thực hiện trong thời gian qua. Sở đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nâng cao chuẩn cho giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác phần mềm dạy học tiếng Anh… Đến thời điểm này, giáo viên đã đạt chuẩn theo quy định, học sinh tự tin với môn tiếng Anh. Việc tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2018-2025 không chỉ là nền tảng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục môn tiếng Anh của tỉnh mà còn đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Cấp THCS có tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn cao

 

So với thời điểm tỉnh bắt tay vào thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020 thì tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu đã tăng lên rất nhiều. Với tỷ lệ chiếm đến 88,74%, giáo viên cấp THCS đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu cao nhất, kế đến là cấp THPT với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 82,2%, cấp tiểu học tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 48,7%. Cách đây hơn 10 năm, vào năm 2011, qua khảo sát toàn tỉnh chỉ có 3 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ngoại ngữ…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>