Thiết bị hỗ trợ người bệnh sau tai biến

25/10/2018 | 08:57 GMT+7

Em Nguyễn Hồng Phúc, học sinh lớp 9A4, Trường THCS thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, đã nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị hỗ trợ người bị bệnh sau tai biến. Thiết bị tuy được làm bằng những vật tận dụng từ đồ chơi cũ trong nhà nhưng cũng đã đem lại hiệu quả tích cực với người bị bệnh sau tai biến.

Nguyễn Hồng Phúc trình

bày các chức năng của thiết bị.

Một số người bệnh tập luyện với thiết bị nhận thấy có cải thiện chức năng tay và chân sau khi sử dụng.

 

Chia sẻ với tôi về ý tưởng, Hồng Phúc nhớ lại: Mấy năm trước, từ những lần đưa bà đi khám bệnh ở Bệnh viện Y học Dân tộc Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, em thấy nhiều người bị bệnh tai biến đi lại khó khăn. Mỗi lần đi khám bệnh là phải cần hai người trợ giúp nhưng cũng rất mệt. Gần nhà em cũng có nhiều ông, bà trong xóm bị tai biến sinh hoạt khó với 1 tay, 1 chân bị yếu chức năng. Vì vậy, em nghĩ phải có cách nào hỗ trợ các ông bà để việc sinh hoạt thuận tiện hơn. Em bắt đầu tìm hiểu thử trên các trang mạng. Qua đây, em mới nhận thấy chỉ có tập luyện để người bệnh dần phục hồi chức năng mới có thể đỡ hơn. Từ đó, em vẽ mô hình máy tập và nhờ thầy giáo hỗ trợ mình, cuối cùng đã tạo ra sản phẩm đáp ứng các mục tiêu đã đề ra.

 

Hồng Phúc chia sẻ thêm, qua các thông tin em tìm hiểu được, bệnh tai biến không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn xảy ra ở cả những người trẻ. Tai biến mạch máu não ở người trẻ thường nặng hơn, để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân bị nhẹ, chỉ yếu liệt một nửa cơ thể và bệnh nhân còn trẻ thì khả năng phục hồi cao khoảng 60% so với ban đầu. Thiết bị của em có thể hỗ trợ người bệnh tự chủ trong chăm sóc bản thân, tự tập luyện nên giảm bớt một phần gánh nặng cho người thân chăm sóc.

Cấu tạo của thiết bị được thiết kế cũng khá đơn giản, gồm 1 chiếc ghế dựa có thể tận dụng từ trong gia đình, 1 bánh xe tháo rời từ chiếc xe đồ chơi của trẻ con, vài thanh sắt vụn, con quay, ròng rọc. Nguyên tắc hoạt động, vận hành của thiết bị được nhiều chức năng cho người bệnh tập luyện. Tính năng đầu tiên là tính tay quay với 1 thiết bị quay giống như 1 bàn đạp của xe đạp. Tay quay được quay theo vòng tròn, có tác dụng để tập các động tác vận động nhẹ nhàng, giúp người bệnh có thể nhanh chóng cầm, nắm các vật. Tập luyện với tay quay giúp người bệnh mau bình phục chức năng tay, co duỗi cơ khớp tay, khủy tay, bả vai. Tay quay hoạt động có thể tăng giảm tốc độ vòng quay nhanh hay chậm khi điều chỉnh vặn núm giảm phanh. Ngoài ra, tay quay còn được thiết kế nâng lên, hạ xuống cho phù hợp với tư thế ngồi, chiều cao của người tập.

Tính năng tiếp theo là tập tay với ròng rọc: thiết bị ròng rọc được gắn với 1 sợi dây cân đối 2 bên, giúp người bệnh tập kéo tay. 2 tay người bệnh cầm 2 bên, kéo ròng rọc ngang tầm với khuôn mặt, có tác dụng tập cho khuỷu tay, bả vai phục hồi, bớt mỏi.

Tính năng cuối cùng của thiết bị là đạp xe quay vòng tròn. Phần tính năng này được thiết kế từ bánh xe đạp của chiếc xe đồ chơi của các bé mẫu giáo. Xe được đạp quay theo vòng tròn, có tác dụng quay để tập các động tác vận động nhẹ nhàng cho đôi chân. Cử động nhiều sẽ giúp bình phục chức năng cơ khớp chân, co duỗi cơ khớp chân, đầu gối, người bệnh có thể nhanh chóng có thể đi lại dễ dàng hơn.

Thầy Phạm Văn Sơn, giáo viên hướng dẫn Hồng Phúc, nhấn mạnh: “Thiết bị là một giải pháp điều trị tốt bài tập vật lý trị liệu nhằm cải thiện được tình trạng của bệnh. Tôi thấy ý tưởng của em Phúc có ý nghĩa rất nhân văn nên hỗ trợ em chỉnh sửa bản vẽ thiết bị một số kỹ thuật cơ bản. Hơn nữa, thiết bị cũng dễ làm, có thể tận dụng những vật liệu có sẵn, dễ tháo lắp, thay thế, gọn nhẹ; giá thành thấp, dễ mua trên thị trường. Người bệnh nếu kiên trì tập với thiết bị này mỗi ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần 10 đến 15 phút sẽ được hỗ trợ sức khỏe đáng kể”.

Theo lời kể của thầy và Hồng Phúc, tôi liên lạc bà Hai Phượng, 60 tuổi, ở khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Bà đã từng thử nghiệm với thiết bị được khoảng 2 tháng. Bà cũng chia sẻ rằng tập thử với thiết bị thấy có khả quan, dễ tập. Khoảng tháng nay, chức năng tay của bà cũng khá hơn khoảng gần 20% so với trước. Hiện tại, bà đang ở tỉnh Bến Tre lấy thêm thuốc uống và khi trở về sẽ tiếp tục tập luyện vật lý trị liệu với thiết bị để dần phục hồi cho tay, chân của mình.

Thiết bị này chỉ có giá thành hơn 1 triệu đồng nhưng có 3 chức năng mang hiệu quả tích cực cho người bệnh. Chính vì vậy, thiết bị đã được nhiều cấp, ngành đánh giá cao và trao giải. Thiết bị đã đoạt được giải 3 Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh năm 2017. Ngoài ra, thiết bị còn được trao giải khuyến khích Hội thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật do ngành giáo dục tổ chức trong năm học 2017-2018. Tiếp nối những kết quả này, Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ thêm: Năm nay, em đang tìm thêm ý tưởng mới cho sản phẩm để tham dự các cuộc thi và tiếp tục góp sức giúp cho các cuộc thi sáng tạo, cho xã hội có thêm sản phẩm hữu ích ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>