Tập trung giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục

10/12/2020 | 17:43 GMT+7

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, tạo mọi điều kiện để giáo viên, học sinh gắn lý thuyết được học với thực hành, đang là giải pháp đột phá để ngành giáo dục và đào tạo huyện Châu Thành A nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học 2020-2021.

Giờ học âm nhạc với sản phẩm “Tích hợp công nghệ đồ dùng học tập - guitar đa năng” hấp dẫn của thầy Nguyên, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam.

Ý tưởng xuất phát từ tiết dạy

Yêu âm nhạc và muốn học sinh có mọi điều kiện tốt nhất để học tập bộ môn này, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên dạy âm nhạc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam đã nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm “Tích hợp công nghệ đồ dùng học tập - guitar đa năng”. Thầy Nguyên chia sẻ: “Dạy âm nhạc quan trọng là phải có nhạc cụ để giảng dạy, học sinh cũng dễ dàng thực hành. Tuy nhiên với cây đàn organ đang sử dụng tại trường thì luôn gặp khó khăn khi giáo viên phải mang đi các lớp vì nó khá nặng nề, hay mỗi khi cúp điện là đàn sử dụng không hiệu quả, vì không có loa rất nhỏ tiếng. Nhạc cụ không phát huy hiệu quả, học sinh thường thiếu tập trung, không hứng thú lắm trong giờ học”. Xuất phát từ khó khăn đó, thầy Nguyên đã tự học chơi đàn guitar và sáng tạo để biến cây đàn guitar trở thành một nhạc cụ đa năng: nhẹ, gọn, sử dụng tiện lợi, âm thanh loa tốt, kết nối được mạng, không bị ảnh hưởng do cúp điện hay cồng kềnh khó di chuyển... Thầy Nguyên cho biết: “Quan trọng là mình đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tạo được một nhạc cụ đa năng. Với cây đàn này đã tạo được sự tò mò và hấp dẫn với học sinh khi được học thêm một nhạc cụ mới. Học sinh hứng thú, tập trung học và theo dõi bài học là tôi mừng”.

Hào hứng khi được nghe thầy đàn guitar và hát live ngay tại lớp, em Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 6A2 của trường, bộc bạch: “Ngoài đàn organ thường được học, giờ em còn được biết đàn guitar. Cây đàn của thầy rất sáng tạo, làm chúng em tò mò. Cây đàn guitar âm thanh rất hay mà còn lên mạng, chọn bài hát được nữa. Làm sao thầy làm được? Đây là động lực để em quyết tâm học giỏi để tương lai cũng có thể tạo được sản phẩm hữu ích như thầy”. Tuy lần đầu tiên tập tành nghiên cứu khoa học nhưng với tính hữu ích, tiện lợi của sản phẩm “Tích hợp công nghệ đồ dùng học tập - guitar đa năng”, thầy Nguyên đã xuất sắc mang về giải ba trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần thứ XII năm 2020.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế là tạo sản phẩm phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy, nhiều năm học qua, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam đã mày mò nghiên cứu và sáng tạo được nhiều sản phẩm, dự án rất hữu ích. Có những sản phẩm đã mang về vinh dự cho nhà trường và ngành giáo dục và đào tạo tỉnh khi được xướng tên tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, tin học trẻ… cấp quốc gia, khu vực. Ông Lư Xuân Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, cho biết: “Nhờ nghiên cứu khoa học mà đội ngũ giáo viên nhà trường năng động, sáng tạo và tâm huyết hơn với nghề. Chúng tôi luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cả về vật chất và tinh thần để giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Hoạt động thời gian qua đã phục vụ tốt cho mục tiêu dạy tốt, học tốt”.

Nền tảng nâng chất lượng dạy và học

Mang về giải nhì Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXVI - 2020, em Lê Uyên Nhi, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Võ Thị Sáu, chia sẻ: “Lúc đầu, em nghĩ nghiên cứu khoa học rất khó. Đề tài phải cái gì to lớn lắm. Phải học giỏi mới nghiên cứu khoa học được. Thực tế nhờ nghiên cứu khoa học mà em học tốt hơn nhiều. Em không học lý thuyết suông mà gắn lý thuyết với thực hành. Nhờ thực hành em biết được chỗ nào kiến thức mình còn yếu để bổ sung. Từ đó chủ động nhiều trong học tập”. Với ý tưởng hỗ trợ người già, nhất là với người già sống neo đơn, gặp khó khăn trong đi lại, em Nhi đã cùng bạn mình và thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Minh Tường sáng tạo ra sản phẩm “Ghế thông minh cho người già”, với nhiều chức năng hỗ trợ trong sinh hoạt và theo dõi sức khỏe.

Nếu như cách đây 5 năm, nói đến phong trào nghiên cứu khoa học ở huyện Châu Thành A, nhiều học sinh, giáo viên còn thấy khá bỡ ngỡ, ngại làm thì nay đã trở nên hoạt động thường xuyên và rất chuyên nghiệp. Bởi, các sản phẩm, dự án sáng tạo đều được xuất phát từ chính ý tưởng nhu cầu thực tế dạy và học, với khả năng ứng dụng vào cuộc sống cao. Cô Đỗ Kim Xuyến, giáo viên hóa học Trường THPT Châu Thành A, cho biết: “Ngoài tự đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức của mình, giáo viên chúng tôi đã tìm được giải pháp khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng học sinh tìm tòi tri thức và triển khai dự án gắn liền với thực tế cuộc sống”. Đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, chất lượng dạy và học của Trường THPT Châu Thành A ngày càng nâng cao. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh khá giỏi toàn trường đạt trên 60%, 100% học sinh tốt nghiệp THPT năm 2020…

Không khí học tập sôi nổi, chất lượng giáo dục từng bước được nâng tầm, nhiều giáo viên, học sinh đã khẳng định được chất lượng giáo dục của huyện khi vận dụng tốt lý thuyết được học vào trong thực tiễn. Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, nhấn mạnh: “Đội ngũ thầy, cô giáo đã rất chủ động trong việc nghiên cứu, sáng tạo thiết bị, đồ dùng dạy học. Vừa bổ sung thêm đồ dùng dạy - học còn đang thiếu ở các trường, vừa là cơ hội để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, cũng khơi gợi sự tò mò, tạo động lực để học sinh học tập thầy cô nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường là giải pháp đột phá mà chúng tôi thực hiện. Hoạt động đã và đang giúp nâng chất lượng dạy và học rõ rệt khi gắn lý thuyết được học với thực hành”.

Bài, ảnh: THẢO TRÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích