Tạo sức lan tỏa phong trào học tập suốt đời

23/12/2020 | 21:21 GMT+7

Qua 5 năm triển khai và thực hiện các mô hình học tập, tinh thần hiếu học trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa rộng khắp trong Nhân dân. Qua đây, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

“Dòng học học tập” tiêu biểu của ông Nguyễn Văn Đẹt được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Xây dựng “Gia đình học tập”

Trong các mô hình học tập, việc xây dựng “Gia đình học tập” được xem là bước khởi đầu quan trọng nhất. Chính vì vậy, thời gian qua 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” với những kế hoạch cụ thể. Hàng năm, các địa phương đều rà soát số gia đình đăng ký thực hiện mô hình học tập, kết quả đáng phấn khởi khi số lượng và chất lượng này ngày càng tăng. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gia đình được công nhận “Gia đình học tập” tiêu biểu, như gia đình học tập của ông Nguyễn Công Danh, ấp 2 xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh; ông Nguyễn Thanh Bình, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy; ông Trần Văn Phương, xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ; ông Lê Văn Cường, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ…

Trong các gia đình được công nhận là “Gia đình học tập” tiêu biểu, phải kể đến câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Công Danh, nông dân ở ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Là nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng vợ chồng ông Danh đã vượt khó nuôi con cái ăn học thành tài mà còn chủ động học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Bốn người con của ông tất cả đều được học hành và có công ăn việc làm ổn định, trong đó đứa con gái lớn được nhận học bổng du học ở Australia, đã tốt nghiệp và có việc làm tại Australia; người con trai thứ hai tốt nghiệp ngành cử nhân nông nghiệp đang làm việc tại tỉnh Bình Dương; người con trai thứ ba đã tốt nghiệp 12 có việc làm ổn định; đứa con gái út đã tốt nghiệp đại học luật.

Ông Danh chia sẻ: “Từ khi đăng ký xây dựng gia đình học tập và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tôi mới nhận ra rằng chỉ có con đường học vấn mới giúp người nông dân vươn lên phát triển được. Cũng vì vậy mà trước đây dù còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn”. Từ khi được tham gia học tập, ông Danh đã mạnh dạn chuyển đổi 6 công đất trồng rẫy sang trồng các loại cây trồng cho kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường như mía, chanh không hạt… Bên cạnh đó, ông còn tận dụng các mương trống để nuôi cá. Hiện mỗi năm, mô hình kinh tế của gia đình ông cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/vụ.

Chăm lo việc học giúp đổi đời, xây dựng quê hương

Từ mỗi gia đình, đã góp phần trong việc xây dựng dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng phát triển vững chắc. Hơn 20 năm hoạt động, dòng họ Nguyễn ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, đã góp phần cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ông Nguyễn Văn Đẹt, đại diện “Dòng họ học tập” dòng họ Nguyễn, tâm sự: “Hàng năm, ban khuyến học dòng họ thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động, cùng với sự nhận thức của các bậc cha mẹ, nên 100% con cháu trong dòng họ đều được phổ cập hết cấp 2. Đến nay, trong dòng họ Nguyễn chúng tôi đã có 50 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Để kịp thời khích lệ động viên con, cháu phấn đấu học tập, chúng tôi còn xây dựng nguồn quỹ khuyến học. Đến nay, nguồn quỹ này đã có khoảng 40 triệu đồng”. Ngoài nỗ lực chăm lo cho con, cháu học tập các gia đình trong họ Nguyễn còn chủ động học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Các thành viên trong dòng họ, còn động viên giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tham gia các lớp ngắn hạn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…

Thời gian qua, các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, đã phát huy hiệu quả trong việc giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Qua đây, góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Ông Bùi Văn Liễm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, chia sẻ: “Kết quả đạt được nhờ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, còn có sự phối hợp của ủy ban MTTQ các cấp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt là nỗ lực của hội khuyến học và ngành giáo dục các cấp”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn còn một số khó khăn như: từng lúc từng nơi nhận thức về công tác này chưa thật sự sâu sắc; một bộ phận cư dân vì mưu sinh nên ít quan tâm đến chuyện học tập; kinh phí để triển khai Quyết định 281 tuy có được quy định trong các văn bản liên quan nhưng việc cấp phát không thống nhất đã tạo ra nhiều băn khoăn ở cơ sở. Ông Bùi Văn Liễm cho biết: “Những tồn tại này rất cần sự quan tâm giải quyết của cả hệ thống chính trị, bởi việc xây dựng xã hội học tập góp phần phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài đáp ứng các mục tiêu phát triển của tỉnh”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>