Tạo niềm tin bằng chính chất lượng đào tạo

01/02/2017 | 19:48 GMT+7

Sau 6 năm thành lập, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã có nhiều bứt phá. Đầu năm mới, tiến sĩ Nguyễn Văn Phụng (ảnh), Hiệu trưởng nhà trường, có chia sẻ với Báo Hậu Giang. Ông Phụng nói: “Năm 2017, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, sát sao của Bộ Tư pháp, lãnh đạo tỉnh, trường được kỳ vọng sẽ vang xa hơn với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường…”.

Thưa ông, đâu là những kết quả nổi bật nhất của trường đạt được trong năm 2016 ?

- Đối với trường, nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị này, trường đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyển sinh, xúc tiến liên kết tuyển sinh tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để liên kết mở lớp. Tính đến thời điểm hiện tại, trường đã phối hợp mở liên kết được 6 lớp ở 4 tỉnh (Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang) với hơn 800 học viên, hơn 600 học viên học tại trường.

Trường còn phối hợp với các sở tư pháp tại các tỉnh ĐBSCL tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho đối tượng là hòa giải viên cơ sở, đối tượng là công chức tư pháp cấp huyện, tư pháp, hộ tịch cấp xã... Ngoài việc đã bồi dưỡng 1.170/2.220 là hòa giải viên cho tỉnh Hậu Giang, thì trường cũng vừa bế giảng 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng là hòa giải viên tại tỉnh Vĩnh Long với 520/6.400 học viên là hòa giải viên cơ sở. Dự kiến năm 2017 sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang và Bạc Liêu,… để tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, hòa giải viên chưa qua tập huấn.

Ông Lê Thành Long (đứng), Bộ trưởng Bộ Tư pháp, lãnh đạo Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đến thăm và làm việc với trường.

Phối hợp với Học viện tư pháp đào tạo: 1 lớp nghiệp vụ luật sư; 3 lớp nghiệp vụ công chứng với 251 người học, 1 lớp nghề luật sư với hơn 40 người học; với Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM đào tạo 8 lớp đại học luật với 250 người học; với Đại học Bình Dương 1 lớp thạc sĩ quản lý kinh tế với 32 người học… Với Học viện Báo chí tuyên truyền 1 lớp đại học kinh tế chính trị với 72 người học; Đại học Bạc Liêu 4 lớp nghiệp vụ sư phạm, 01 lớp kế toán trưởng với 150 người học; với Cục Công tác phía Nam 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyên ngành và kiến thức pháp luật kinh doanh trong lĩnh vực công chứng trên địa bàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 92 người học, tổ chức thi tuyển công chức thi hành án cho các tỉnh (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang) với hơn 400 thí sinh và một số lớp khác do các cơ quan khác tại trường. Tổng kết chung lại, trường đã và đang đào tạo, bồi dưỡng hơn 4.500 người học, nâng số các đơn vị liên kết lên 15 đơn vị phối hợp tổ chức các lớp với nhà trường (TTGDTX: Bến Tre, Thoại Sơn, Long Xuyên; Đại học: Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Dương, Kinh tế Luật; Học viện: Tư pháp, Báo chí tuyên truyền; Cục Công tác phía Nam, Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng; Sở Tư pháp: Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long,…).

Trường đã trao 15 suất học bổng khuyến khích học tập với số tiền 24 triệu đồng, hỗ trợ 15 xe đạp, cấp phát hơn 1.246 quyển tập cho học viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thực hiện vận động “Quỹ khuyến học” với số tiền trên 41 triệu đồng.

Trường đã thực hiện những cách làm nào để thu hút học viên thưa ông ?

- Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyển sinh chính là cách trường thu hút học viên. Ngoài làm việc trực tiếp với các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trong và ngoài tỉnh Hậu Giang, kết hợp cùng các đợt tư vấn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phát hành thông tin tuyển sinh, thu thập kết quả trúng tuyển đầu vào các trường THPT, liên hệ, tư vấn tuyển sinh tại nhà của học viên...

Trường luôn quan tâm đến đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, trường có 1 công chức lãnh đạo đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật học và nhận bằng tiến sĩ, 10 viên chức có trình độ thạc sĩ, 19 người có trình độ đại học…”.

Thưa ông, đâu là những định hướng phát triển của trường trong thời gian tới ?

- Trong điều kiện hướng tới quản trị như mô hình doanh nghiệp, đòi hỏi trường phải xác định được mục tiêu phát triển trường.

Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh thành ngôi trường đào tạo kiến thức pháp luật có uy tín, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Hậu Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long, cố gắng tuyển sinh và đào tạo trên 1.000 học viên trung cấp luật; 100% giáo viên của trường đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm theo quy định và hơn 40% công chức, viên chức có trình độ sau đại học; có ít nhất 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh. Đảm bảo giới thiệu việc làm cho 100% học viên sau khi tốt nghiệp ra trường, số tiền huy động cho “Quỹ khuyến học” đạt 500 triệu đồng; hoàn thành các hạng mục xây dựng Dự án Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính đối với các trung tâm...

Xin cảm ơn ông !

  CAO OANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>