Sẵn sàng cho năm học mới

09/08/2017 | 07:34 GMT+7

Hoàn thiện cơ sở vật chất, tập trung vận động học sinh ra lớp, rà soát lại số giáo viên thiếu để kịp thời bổ sung... là những việc làm cụ thể đang được các trường ráo riết thực hiện để sẵn sàng cho năm học mới 2017-2018.

Bàn, ghế của Trường THCS Vị Bình, huyện Vị Thủy, đang được gấp rút sửa chữa để kịp phục vụ năm học mới.

Những ngày này, có dịp về các trường trên địa bàn tỉnh mới thấy hết được không khí khẩn trương để chuẩn bị cho năm học mới. Cũng như các trường khác, nhiều ngày nay, các cô giáo của Trường Mẫu giáo Vị Bình, huyện Vị Thủy, đã tích cực dọn vệ sinh, chuẩn bị phòng lớp, bàn ghế… để sẵn sàng cho ngày đón trẻ. Cô Phạm Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Ngoài điểm chính nhà trường còn các điểm lẻ nữa, nên khoảng tháng 7 chúng tôi đã bắt đầu thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới. Do ở đây là vùng nông thôn, nên số trẻ từ 0-2 tuổi thường khó huy động, vì vậy nhà trường cũng cố gắng tập trung để huy động đủ chỉ tiêu được giao”. Dự kiến năm học 2017-2018 này, Trường Mẫu giáo Vị Bình sẽ có khoảng 260 học sinh theo học ở 1 điểm chính và 4 điểm phụ của trường. Để đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy cho năm học mới, nhà trường cũng đã rà soát số lượng giáo viên thiếu để báo về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Còn ở Trường THCS Vị Bình, huyện Vị Thủy, với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường cũng đang khẩn trương sửa sang các phòng, lớp để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày bắt đầu năm học mới. Thầy Nguyễn Văn Nuôi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Dự kiến năm học mới này, nhà trường sẽ có 315 học sinh theo học. Hiện tại, nhà trường đã sửa chữa bàn ghế, nhà vệ sinh… từ nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương”. Hiện tại, Trường THCS Vị Bình có 10 phòng với 5 phòng học, 1 phòng ban giám hiệu, 1 phòng kho, 1 phòng thiết bị thư viện, 1 phòng để ôn học sinh giỏi, 1 phòng máy vi tính (trong đó, có 7 phòng tiền chế và 3 phòng bán kiên cố). Được biết, mỗi năm để hỗ trợ các trường sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, UBND huyện Vị Thủy hỗ trợ mỗi đầu lớp trên địa bàn huyện là 1 triệu đồng.

Còn đối với cô trò của Trường Mẫu giáo Hương Sen, huyện Phụng Hiệp, thì năm học mới này còn là cả một niềm vui. Vì sắp tới, trường sẽ được đầu tư xây dựng thêm các phòng chức năng, nhà công vụ… để phục vụ nhu cầu giảng dạy cho giáo viên và học sinh, cũng như hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Về cơ sở vật chất ở điểm chính hiện còn thiếu một số phòng lớp, nhưng vừa rồi trường cũng đã được khảo sát để đầu tư xây dựng thêm. Hiện tại, nhà trường đang tăng cường huy động để 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn phải được đến trường”. Năm học 2017-2018, dự kiến trường sẽ có 300 học sinh theo học.

Nằm ở địa bàn xã còn nhiều khó khăn, nhưng năm học mới này, thầy và trò Trường Tiểu học Hòa An 1, huyện Phụng Hiệp, đã có được một niềm vui trọn vẹn hơn, khi ngôi trường ngày nào giờ đã được đầu tư xây dựng khá khang trang. Thầy Sầm Triệu, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Với cơ sở vật chất mới của trường không chỉ thầy cô chúng tôi, mà phụ huynh, học sinh ở đây ai cũng mừng hết. Mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới nhà trường cơ bản đã hoàn thiện. Hiện nay, chúng tôi đang rà soát lại số lượng giáo viên, cũng như vận động phụ huynh để đưa trẻ đến lớp theo đúng thời gian nhập học”. Cùng với việc bảo quản cơ sở vật chất mới gồm 10 phòng, hiện nhà trường cũng đã tích cực sửa chữa lại 7 phòng cũ để sẵn sàng cho năm học mới.

Bên cạnh công tác chuẩn bị về sơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho các trường thì công tác chuẩn bị nhân sự cho năm học mới cũng được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Có thể thấy, đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được các trường cơ bản hoàn tất, sẵn sàng để chào đón năm học mới với nhiều nhiệm vụ đột phá, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ngày nay.

Tạo mọi điều kiện để học sinh được đến trường, không để tình trạng các em phải mặc áo mưa, đội nón lá ngồi học

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Chuẩn bị cho năm học mới với kế hoạch đã được thống nhất của UBND tỉnh, trong điều hành phải chu đáo, chặt chẽ. Phải làm sao để các cháu, các em tới độ tuổi đều được đi học, trừ những trường hợp cá biệt, nhưng không để vì lý do nghèo, không có tiền đóng tiền trường mà không được đến trường…; các trường lớp sau này khi xây dựng phải đổ trần, lợp ngói, tường trong, ngoài phải dán gạch lên hơn 1m, cửa hướng đến làm bằng inox, nhôm… để đảm bảo cơ sở vật chất khi xây dựng xong có thể sử dụng lâu dài; các hạng mục như: phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ, nhà vệ sinh là phải đảm bảo đầy đủ ở các trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng là những đơn vị tham mưu chiến lược phải tính toán sao cho hợp lý để sử dụng tốt các nguồn vốn được đầu tư; Sở Giáo dục và Đào tạo nên bàn bạc với các địa phương để gom các điểm trường ở gần lại nhằm đảm bảo cho việc dạy và học; ngành giáo dục và đào tạo cùng các địa phương và các sở, ban, ngành phải khảo sát, kiểm tra lại mạng lưới trường lớp…”.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>