Rèn năng lực giao tiếp cho học sinh

30/01/2020 | 09:20 GMT+7

Dự án thực hiện “Mô hình rèn luyện năng lực giao tiếp cho học sinh THCS thông qua phương pháp trò chơi vận động Team Building”, được kỳ vọng sẽ tăng cường kỹ năng sống, qua đó giảm tình trạng bạo lực học đường nếu được áp dụng vào thực tiễn.

Hai em học sinh Trường THCS Hoàng Diệu tìm hiểu thêm thông tin nghiên cứu khoa học trên mạng.

Dự án do hai em học sinh Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh là Lê Ngọc Kim Anh và em Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9A1, cùng giáo viên hướng dẫn của mình thực hiện.

7 lần đổi tên dự án mới hoàn chỉnh

Em Lê Ngọc Kim Anh chia sẻ: “Ban đầu chúng em dự định làm đề tài bạo lực học đường trong trường học. Tuy nhiên, bắt tay vào làm chúng em thấy đề tài quá rộng, làm sẽ không được sâu nên chúng em chia nhỏ phạm vi hơn để đề tài nghiên cứu mang hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thu thập thông tin, dữ liệu từ thực tế, chúng em xác định nguyên nhân chính của bạo lực học đường là do các bạn thiếu kỹ năng sống, khả năng giao tiếp kém… nên sau 7 lần chọn lựa tên đề tài, cuối cùng nhóm đã chọn thực hiện “Mô hình rèn luyện năng lực giao tiếp cho học sinh THCS thông qua phương pháp trò chơi vận động Team Building”.

Điểm hấp dẫn của dự án là các em học sinh đã nghiên cứu, tổng hợp được bộ tài liệu tổ chức các hoạt động rèn năng lực giao tiếp thông qua trò chơi vận động Team Building, với hơn 60 trò chơi hấp dẫn. Các trò chơi dân gian được các em tìm hiểu rất kỹ nguồn gốc và luật chơi để các bạn tham khảo. Mỗi trò chơi vận động được các em kết nối với 1 câu chuyện lịch sử ý nghĩa như: “Xe tăng ra trận” gắn với sự kiện lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã huy động 398 xe tăng, thiết giáp tiến vào chiến đấu, dẫn đầu đội hình năm cánh quân giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 4 Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập. Còn “Kiệu người” gắn với câu chuyện về thân thế, cuộc đời của vua Đinh Bộ Lĩnh. Đây là trò chơi khi nhỏ, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng chơi đùa, “thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử...” (trích trong Đại Việt sử ký toàn thư). Trò chơi “Tàu không số”… Chơi mà học, học mà chơi này vừa giúp các bạn học sinh vận động, giải phóng năng lượng cơ thể, tạo không khí vui chơi thoải mái, hòa đồng, bạn bè cũng gần gũi, dễ giao tiếp với nhau hơn. Mỗi trò chơi cung cấp một lượng kiến thức nhất định cho mọi người.

Em Nguyễn Anh Thư bộc bạch: “Sở dĩ chúng em chọn phát triển kỹ năng giao tiếp với các trò chơi vận động Team Building vì đây là phương pháp rèn luyện kỹ năng theo chúng em là toàn diện và hữu ích. Hoạt động Team Building có thể giống như các trò chơi nhưng không đơn giản chỉ chơi cho vui, nó yêu cầu chúng em có đạo cụ, được tổ chức có mục đích và luật chơi rõ ràng, yêu cầu tất cả thành viên tham gia chơi phải phối hợp tuyệt đối với nhau để giải quyết trò chơi này”.

Hết lòng vì niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Điểm khó khi thực hiện dự án này đối với hai em học sinh là phân tích số liệu minh chứng. Đây là dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, nó rất trừu tượng, nặng về lý thuyết. Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên hướng dẫn nhóm thực hiện dự án, chia sẻ: “Các em học sinh nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khác như hệ thống nhúng, lĩnh vực hóa sinh, môi trường... đều có sản phẩm cụ thể để minh chứng cho hiệu quả của quá trình nghiên cứu. Còn dự án của các em trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, muốn thuyết phục được mọi người về tính hiệu quả của dự án phải tìm và phân tích số liệu, khảo sát thực tế, xử lý số liệu minh chứng cụ thể rõ ràng. Nói rất dễ nhưng làm khó vô cùng. Bởi phân tích số liệu dành cho học sinh cấp THPT, các em mới chỉ học THCS nên đây cũng là rào cản khó với các em”.

Tuy nhiên bằng niềm đam mê, chịu khó học hỏi và óc sáng tạo, em Kim Anh và Anh Thư đã vượt qua mọi trở ngại và thực hiện dự án với nhiều tính năng hiệu quả để nâng cao năng lực giao tiếp cho các em học sinh. Em Kim Anh thổ lộ: “Chúng em có riêng cho mình một quyển sổ tay để ghi chép lại quá trình nghiên cứu khoa học, có lúc ý tưởng lóe lên là lại đem sổ ra ghi lại, ghi mọi lúc, mọi nơi nhờ vậy mà chúng em có thêm nhiều kiến thức thực tế trong quá trình nghiên cứu dự án này”. Với những tính năng hiệu quả và phạm vi ứng dụng thực tế cao dự án “Mô hình rèn luyện năng lực giao tiếp cho học sinh THCS thông qua phương pháp trò chơi vận động Team Building” đã xuất sắc đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu, cho biết: “Nhà trường đã chọn dự án của hai em học sinh làm mô hình sinh hoạt ngoại khóa hữu ích để học sinh trường cùng thực hiện trong năm học này. Đây cũng là dự án nhà trường tâm đắc vì tập trung vào việc rèn luyện đạo đức, rèn kỹ năng sống cho học sinh. Hoạt động sẽ góp phần giúp các em học sinh trường năng động, ham học và sống gần gũi, hòa đồng với nhau hơn”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích