Quan tâm đầu tư cho cuộc thi sáng tạo

19/04/2017 | 07:51 GMT+7

Năm nay, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ IV của tỉnh được tổ chức với quy mô, chất lượng, lẫn số lượng sản phẩm dự thi đều tăng. Qua đó cho thấy sự quan tâm đầu tư từ phía học sinh, nhà trường và các cấp lãnh đạo địa phương.

Cần có chính sách hỗ trợ, kích thích thêm tinh thần tham gia cuộc thi cho học sinh.

Đồng loạt triển khai thực hiện

Sau khi ban tổ chức (BTC) phát động Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ IV năm 2017 (cuộc thi), tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều khẩn trương thành lập BTC, ban giám khảo (BGK) cuộc thi riêng cho đơn vị mình. Theo đó, chỉ trong 1 tháng đầu năm, các đơn vị đã thành lập xong và ban hành văn kiện, thể lệ cuộc thi, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong BTC, BGK, ban thư ký. Bà Trần Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, cho biết: “Cuộc thi đưa vào tiêu chí thi đua năm học. Nếu đơn vị trường nào không có sản phẩm, không tổ chức phát động cuộc thi thì ban giám hiệu, tổng phụ trách, bí thư chi đoàn của trường đó sẽ không được xét khen cao”. 

Năm nay, nhờ sự phối hợp và tham mưu tốt của các thành phần, phòng, ban chuyên môn mà số trường tham gia ở các địa phương đều tăng. Cụ thể, 100% các trường trên địa bàn tỉnh đều triển khai và có sản phẩm tham gia. Số sản phẩm thống kê đến cuối tháng 3 đã tăng ít nhất 5 sản phẩm đối với mỗi huyện, thị xã, thành phố so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Phước Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, cho hay: “Sau khi phát động cuộc thi sâu rộng trong toàn hệ thống các cấp học trên địa bàn huyện, cuộc thi đã nhận được số sản phẩm tham gia dự thi tăng 17 sản phẩm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm nay, cuộc thi thu hút được 1 sản phẩm dự thi từ trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, nâng tổng số trường trên địa bàn huyện đạt 35/35 đơn vị”.

Mặt khác, công tác kiểm tra tiến độ thực hiện ở các huyện, thị xã, thành phố cũng được quan tâm sâu sát. Theo đó, các đơn vị đều thành lập đoàn kiểm tra và có kế hoạch khảo sát, theo dõi trong từng đợt cụ thể. Ngoài ra, các cuộc kiểm tra còn được lồng ghép và tổ chức thường xuyên trong các lần kiểm tra chuyên đề hoặc trong các kỳ họp giao ban, họp lệ của các hiệu trưởng trường. Ông Lê Thanh Với, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho rằng: “Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã trao đổi, góp ý trực tiếp với từng đơn vị, giải quyết khó khăn, đề xuất và động viên các đơn vị tiếp tục đầu tư thực hiện nhằm đạt kết quả cao trong cuộc thi”.

Chưa kể là để thực hiện tốt cuộc thi, nhiều địa phương đã dành một phần kinh phí lớn từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để đầu tư. Tiêu biểu là đơn vị huyện Châu Thành A với nguồn kinh phí gần 87 triệu đồng. Các đơn vị khác cũng dự trù ít nhất là 30 triệu đồng. Ngoài ra, các trường học cũng quan tâm hỗ trợ học sinh nghiên cứu, sáng tạo. “Chúng tôi còn hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng cho 1 sản phẩm đoạt giải cấp trường gia cố để tham dự cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Kinh phí gia cố được trường vận động từ mạnh thường quân hoặc quỹ khuyến học của nhà trường”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Him Lam, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A Lâm Ngọc Còn thông tin.

Không ít khó khăn

Thực tế, đối tượng tham gia cuộc thi chủ yếu là các em học sinh, trong khi các em phải học tập, thi cử và tham gia nhiều cuộc thi khác trong nhà trường và ngành giáo dục tổ chức. Vì thế đã gây không ít khó khăn cho học sinh trong việc chủ động thời gian tham gia cuộc thi. Nhất là thời gian diễn ra ngắn, các cấp học có trình độ khác nhau và địa bàn hoạt động ở vùng nông thôn sâu. Chưa kể là một số địa phương còn vướng kinh phí thực hiện, mặc dù đây là lần thứ 4 tổ chức. Theo BTC cuộc thi huyện Phụng Hiệp, do đơn vị có địa bàn hoạt động lớn, số trường học lại nhiều và đa phần là học sinh vùng sâu, vùng xa nên không đủ điều kiện nghiên cứu, phát triển ý tưởng thành sản phẩm, dẫn đến số lượng tham gia cuộc thi bị hạn chế.

Theo ông Tống Huy Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vị Thủy, Trưởng BTC cuộc thi huyện, thì kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm của huyện phải dự trù cho nhiều hoạt động khác, với tỷ lệ phân chia phần trăm nhất định. Do kinh phí hạn chế nên năm nay huyện chỉ chi cho cuộc thi được khoảng 30 triệu đồng. Còn Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Nguyễn Văn Ngẫu, Phó trưởng Ban Thường trực BTC cuộc thi tỉnh, nhận định: Kinh phí đầu tư rất quan trọng, vì cuộc thi tổ chức cấp huyện cần nhiều phần chi, đặc biệt chi cho việc trao giải. Bởi có kinh phí tổ chức, phát động, tổng kết thì các em học sinh mới thấy được tác dụng tích cực của cuộc thi mà phấn đấu tham gia. Hơn nữa, các phần thưởng còn là nguồn động viên, kích thích tinh thần cho các em học sinh.

Tuy nhiên, theo nhiều thành viên BTC cuộc thi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thì cuộc thi được tổ chức hàng năm và tạo nên hiệu quả sâu rộng, thu hút được nhiều sản phẩm chất lượng tham gia. Đây là những thành quả mà các em phải bỏ nhiều thời gian, công sức phát triển ý tưởng và đầu tư cho sản phẩm. Vì vậy, BTC cuộc thi cấp tỉnh cần yêu cầu BTC cuộc thi Trung ương đề nghị Chính phủ nên có chế độ ưu đãi, hay hỗ trợ cho những sản phẩm đoạt giải để tăng sức hút cho cuộc thi. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vị Thanh, cho rằng: “Các sản phẩm dự thi của các em khi đoạt giải Quốc gia nên được ưu tiên cộng thêm điểm vào các kỳ thi tốt nghiệp hay thi đại học”.

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, thành viên BTC cuộc thi tỉnh, cho hay: “Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh cũng đã có kiến nghị với cấp trên từ cuộc thi lần trước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Vì vậy năm nay, chúng tôi tiếp tục đề nghị, nêu lên khó khăn của địa phương để đổi mới, tạo sức hút và thành công hơn cho cuộc thi”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>