Nỗi lo đầu năm học mới

24/08/2018 | 08:09 GMT+7

Tăng sĩ số lớp, thiếu giáo viên... là những nỗi lo hiện hữu của ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang trong năm học mới này.

Lớp học ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có ít nhất 53 học sinh.

Lớp học quá tải

Sĩ số lớp lên đến 53 học sinh, là trường hợp tăng đột biến của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh. Ông Phạm Duy Minh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Các lớp tại điểm chính đều hơn 50 học sinh. Khối lớp 5 có lớp lên đến 56 em. Những ngày đầu tựu trường, chúng tôi chịu khá nhiều áp lực từ phía phụ huynh các em. Việc thiếu phòng học, sĩ số đông là do nguyên nhân khách quan. Năm học này nhà trường gom học sinh khối lớp 1 và lớp 5 ở điểm Vị Hưng về học tại điểm chính để học sinh có thêm điều kiện học tập tốt. Dần dần chúng tôi sẽ xóa điểm Vị Hưng theo lộ trình. Nhà trường đang chờ khối phòng học, phòng chức năng sớm xây xong để giảm áp lực học sinh”.

Do không đủ diện tích phòng để bố trí thêm bàn ghế nên rất nhiều dãy bàn phải bố trí 3 em ngồi chung một bàn. Cô Danh Thị Huỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4, chia sẻ: “Năm học này, lớp tôi chủ nhiệm lên đến 53 em. Lớp đông nên có đến 4 bàn học phải bố trí 3 em ngồi 1 bàn. Những ngày đầu năm giáo viên chúng tôi khá vất vả trong việc ổn định nề nếp học tập cho các em”. Để tạo điều kiện phòng lớp cho học sinh học tập, trường đã bố trí sử dụng tất cả các phòng làm việc, phòng âm nhạc, nghệ thuật… để học sinh học tập. Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có hơn 1.080 học sinh với 27 lớp. 

Việc quá tải học sinh ở các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học không phải chuyện mới. Tuy nhiên, sĩ số học sinh tại các lớp học quá đông khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Bà Nguyễn Bích Trâm, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Họa Mi, huyện Vị Thủy, nói: “Học trường trung tâm, lớp học của cháu tôi đông quá. Lớp đông như vậy, các cô sẽ bị nhiều áp lực hơn. Nội việc ổn định để trẻ ngồi yên nghe lời cô dạy cũng khó”. Một số phụ huynh có con học ở các Trường Mầm non Hoa Trà Mi, Trường Mầm non Sen Hồng, Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Vị Thanh); Trường Mẫu giáo Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp); Trường Mầm non Họa Mi (huyện Vị Thủy)… cũng lo lắng về sĩ số lớp học của con mình trong năm học mới.

Nỗi lo thiếu giáo viên

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm học này, huyện Phụng Hiệp dự kiến thiếu 464 giáo viên. Trong đó, cấp học mầm non, mẫu giáo thiếu 287 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 124 giáo viên, cấp THCS thiếu 52 giáo viên. Khó khăn nhất hiện nay của huyện là thiếu nhiều giáo viên cấp học mầm non nhưng lại khó tuyển đủ. Rất khan hiếm nguồn, mà lương hợp đồng thấp giáo viên không mặn mà với nghề giữ trẻ…”.

Là trường ở địa bàn trung tâm, với chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ tốt, nhiều năm học qua Trường Mẫu giáo Cây Dương đều phải ở trong tình trạng quá tải học sinh do phụ huynh đều muốn con em học ở trường chất lượng nhất. Bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cây Dương, chia sẻ: “Năm học 2018-2019, trường sẽ đón khoảng 405 trẻ với 13 nhóm, lớp, với số lượng trẻ khá đông, nhà trường cần ít nhất 26 giáo viên. Chúng tôi chỉ mới tuyển đủ 22 giáo viên, vẫn thiếu 4 giáo viên. Nhà trường đã xin chủ trương hợp đồng 4 giáo viên. Trường cũng đang thiếu 4 nhân viên cấp dưỡng”.

Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có 68 trường. Trong đó, mẫu giáo 17 trường, tiểu học 38 trường, THCS 12 trường và 1 trường tiểu học ghép THCS. Với tổng số 1.928 biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của huyện cũng tăng hơn năm rồi khá nhiều. Cấp mầm non, mẫu giáo là 7.630 trẻ; cấp tiểu học là 16.700 học sinh và cấp THCS là 10.252 học sinh. Năm học 2018-2019 này, dự kiến 68 trường trên địa bàn sẽ có 1.139 lớp, trong đó mầm non, mẫu giáo là 238 lớp; tiểu học là 657 lớp và THCS là 244 lớp. Với số lượng này, có 5 trường trên địa bàn rơi vào nguy cơ thiếu phòng lớp học, giáo viên và quá tải học sinh là Trường Mẫu giáo Cây Dương, Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, Trường Mẫu giáo Long Thạnh, Trường Tiểu học Tân Long, Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng và Trường THCS Tân Long.

Không chỉ riêng huyện Phụng Hiệp, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn đều trong tình trạng thiếu giáo viên. Huyện Châu Thành A thiếu khoảng 217 giáo viên, nhân viên, huyện Vị Thủy cũng thiếu khoảng 200 giáo viên đầu năm học mới… 

Giải pháp nào ?

Bà Nguyễn Hoa Lài, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Bên cạnh việc luân chuyển, bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, ngành giáo dục huyện nhận hồ sơ xin việc của các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi đang tranh thủ tìm nguồn nhưng sẽ khó hợp đồng đủ giáo viên đang thiếu hiện nay”.

Các trường học trung tâm ở các huyện, thị, thành phố đang quá tải, việc thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và THCS đang là bài toán nan giải của ngành giáo dục và đào tạo.

Ông Nguyễn Minh Trực, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi đã lưu ý từng trường chỉ nhận trẻ trong địa bàn, trẻ ngoài địa bàn giới thiệu đến các trường gần nhất. Lớp đông, trẻ sẽ khó tiếp thu, giáo viên phải vất vả trong giảng dạy, chúng tôi nhìn mà thấy xót nhưng học sinh trong địa bàn đến học thì trường không thể từ chối được, không nhận học sinh phải học ở đâu?”.

Các trường học vì tạo điều kiện để học sinh đến trường đã phải chấp nhận sĩ số học sinh mỗi lớp học vượt nhiều so với quy định. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu tuyển vào các lớp đầu cấp năm học 2018-2019 đều tăng. Để hạn chế tình trạng quá tải đối với các khối lớp học đầu cấp, nhất là khối lớp 1, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo lên kế hoạch tuyển sinh, nắm chắc nguồn tuyển sinh và có dự báo tình hình cụ thể, đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh.

Nhằm tránh tiêu cực trong tuyển sinh, các huyện, thị, thành phố thực hiện theo “4 rõ”: rõ chỉ tiêu tuyển sinh, rõ tuyến tuyển sinh, rõ thời gian tuyển sinh và rõ phương thức tuyển sinh.

Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu, nhưng tình trạng lớp học quá tải, cơ sở vật chất, nhân lực ở một số địa phương vẫn còn nhiều thiếu thốn, khi vấn đề này chưa có lời giải thỏa đáng, thì chất lượng giáo dục vẫn chưa được như mong muốn!

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh dự kiến sẽ huy động trẻ, học sinh cấp học mầm non đến THPT hơn 156.910 học sinh. Cấp học mầm non là 30.400 trẻ, cấp tiểu học là 65.000 học sinh, cấp THCS sẽ huy động hơn 44.140 học sinh, THPT huy động 17.280 học sinh... Toàn ngành giáo dục hiện có hơn 10.370 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với 340 trường học từ mầm non đến THPT.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>