Người gieo chữ nơi vùng quê nghèo

06/02/2019 | 06:51 GMT+7

Vượt qua những con đường sình lầy, ổ voi, ổ gà, rồi qua mấy chuyến đò ngang mới đến được trường... đó là hành trình mà nhiều thầy, cô giáo từ ở nơi xa đã phải trải qua, khi chọn về gắn bó với giáo dục Hậu Giang từ những ngày còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Khắc phục gian khó, các thầy, cô đã đưa nhiều thế hệ học sinh đến bến bờ tương lai và nỗ lực gặt hái nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, góp phần đưa giáo dục Hậu Giang ngày càng phát triển.

Nhà giáo ưu tú Lê Hồng Ngự, luôn nỗ lực hết mình để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường.

Nặng gánh đưa đò

Trong cái nắng sớm của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tìm về huyện Châu Thành A để gặp cô Lê Hồng Ngự, quê ở tỉnh Đồng Tháp, giáo viên Trường THPT Châu Thành A. Cuối năm, tranh thủ ngày nghỉ, đang loay hoay trang trí nhà để đón tết, nghe tiếng gọi của chúng tôi, cô Ngự liền niềm nở ra mời khách. Bên tách trà nóng đãi khách, khi nghe chúng tôi ngỏ lời hỏi vì sao chọn về công tác ở địa phương? Cô Ngự bồi hồi nhớ lại: “Hồi ấy, vào năm 1985 tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường, tôi đi dạy ở quê được 4 năm. Vì để yên tâm chăm sóc gia đình, khi lấy chồng về Cần Thơ, tôi đã nghỉ dạy 10 năm. Sau đó, đọc báo thấy thiếu giáo viên rất nhiều, tôi mới bắt đầu đi xin dạy trở lại. Do nghỉ quá lâu, nên khi xin dạy lại nhiều trường rất ngại khi nhận tôi vào. Đến năm 1998, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cần Thơ mới giới thiệu cho tôi về Trường THPT Châu Thành A này dạy”.

Cô còn nhớ như in những ngày đầu đầy vất vả, khi trở lại với nghề sau 10 năm không đứng lớp. Khi đó, cô đã phải trải qua 3 ngày liền giảng bài cho hiệu trưởng coi trước khi được phân công dạy. Với quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội, khi được nhận vào dạy dù đường đến trường rất khó khăn nhưng cô luôn cố gắng vượt qua. Thời đó, để kịp giờ giảng dạy tiết đầu, mỗi ngày từ Cần Thơ cô phải dậy từ 2 giờ sáng đạp xe vào Rạch Gòi và đi đò để đến trường. Cô kể: “Đường đến trường trước đây lầy lội lắm, muốn dạy tiết sáng hôm sau, nhằm bữa phải đi từ chiều hôm trước vào ở nhà công vụ rồi. Tuy vất vả, nhưng lúc đó học trò gần gũi lắm đi học có trái chanh, trái ớt cũng hái mang vào cho cô, bởi vậy, tôi mới quyết tâm gắn bó với trường, lớp nơi đây đến ngày nay”. 

Vượt qua khó khăn, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn là giáo viên dạy ngữ văn, hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Ngự đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện cô là Tổ trưởng Tổ văn của trường, đội tuyển học sinh giỏi do cô hướng dẫn cũng đạt giải cấp quốc gia. Bên cạnh đó, cô còn tích cực tham gia các phong trào do ngành, huyện, tỉnh phát động và đạt các giải thưởng như: ở cấp tỉnh cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giảng viên dạy lý luận chính trị giỏi, thi dạy tích hợp liên môn đạt giải cấp quốc gia, thi tìm hiểu mối quan hệ Việt Nam - Lào đạt giải cấp Trung ương… Với những thành tích trên, 15 năm liền cô được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Đặc biệt, cô còn được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong năm 2018…

Bên cạnh công tác chuyên môn, khi được đảm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của trường, cô còn xây dựng nhiều mô hình thiết thực để giúp đỡ cho học sinh nghèo. Cô Ngự trải lòng: “Khi chọn gắn bó với cái nghề “gõ đầu trẻ”, thì tôi đã xác định mình phải cống hiến hết mình vì những thế hệ tương lai. Với tôi “Văn học là nhân học”, dạy văn là tôi đang dạy các em cách làm người. Vì vậy, tôi luôn dạy cho các em cách cảm thông, sẻ chia và đúc kết kinh nghiệm sống sau mỗi bài giảng của mình. Ngay lúc này, niềm vui và hạnh phúc nhất của tôi, là nhìn thấy những gì mình bỏ ra được đền đáp lại bằng kết quả là nhiều thế hệ học trò đã trở thành người có ích cho xã hội và có những đóng góp tích cực lại cho quê hương”.

Ngoài dạy kiến thức, thầy Nguyễn Đình Ngọ luôn truyền cảm hứng cho học sinh sau mỗi tiết học.

Vì sự nghiệp trồng người

Chia tay cô Ngự, chúng tôi về thành phố Vị Thanh để gặp thầy Nguyễn Đình Ngọ, quê ở Nghệ An, hiện là giáo viên Trường THCS Nguyễn Viết Xuân. Tiếp chúng tôi trong căn nhà công vụ nhỏ của trường dành cho cán bộ, giáo viên ở xa đến công tác, nhìn xa xa ra dãy những phòng học đã được xây dựng khang trang, thầy Ngọ tâm sự: “Tôi đã đi nhiều nơi, rồi quyết định chọn Hậu Giang là điểm dừng chân của cuộc đời mình. Lúc đó, tỉnh mới được chia tách, trường lại nằm xa thành phố, cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng học thì tạm bợ, nên điều kiện còn khó khăn lắm”. Là trường nằm ở vùng nông thôn sâu, những ngày đầu thành lập, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân chỉ có được một dãy phòng kiên cố, sân trường cũng còn đầy sình đất. Thời đó, vì đa số giáo viên của trường đều ở xa, nên mọi người được chia ra ở các phòng công vụ để thuận tiện cho công tác.

Không đường, không điện, lại không có chợ búa, nên điều kiện sinh sống của thầy Ngọ và nhiều giáo viên khác ở xa đến cũng chật vật hơn. Nhưng có lẽ sống trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn thầy Ngọ lại thấy yêu mến và muốn gắn bó hơn với những em học trò của vùng quê nghèo này. Thầy Ngọ bộc bạch: “Ở xa đến khó khăn đủ thứ hết, bởi vậy khi có nhà công vụ của trường cũng giúp tôi yên tâm hơn trong công tác. Hiện nay, ngoài kiến thức tôi còn truyền hứng thú để các em chủ động hơn trong học tập. Công tác lâu, gắn bó với trường lớp, với học trò và đồng nghiệp, tôi mới thấy quý lắm cái tình thầy trò, tình bạn bè và đồng nghiệp dành cho nhau”. Hơn 12 năm gắn bó ở trường với vai trò là giáo viên dạy ngữ văn, hiện thầy Ngọ còn là Tổ trưởng Tổ xã hội và phụ trách công tác đoàn của trường.

Bên cạnh đó, thầy cũng tích cực tham gia các cuộc thi cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia với những thành tích đáng tự hào như: ở cấp tỉnh đạt giải thiết kế bài giảng E-learing dư địa chí, chủ đề tích hợp; Cấp quốc gia đạt giải dự thi viết bài tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ Vị Thanh... Theo đó, thầy còn được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh và được bằng khen UBND tỉnh. Song song đó, thầy Ngọ cũng hướng dẫn học sinh tham gia làm đồ dùng, viết bài trang viết tâm hồn và nghiên cứu khoa học đạt giải cấp tỉnh.

Ai đó đã từng nói nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Rồi những lời giảng đầy nhiệt huyết, cùng sự quan tâm ân cần của thầy Ngọ sẽ dìu dắt bao thế hệ học trò trưởng thành. Thầy không chỉ dạy từng chữ, mà còn dạy các em cả cách làm người.

Như nhà thơ Xuân Định từng có những vần thơ rất xúc động: “Bao lữ khách đi về trên bến vắng/ Người sang sông ai nhớ bên sông đời/ Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ/ Vẫn âm thầm như bụi phấn rơi rơi…”, để nói về sự hy sinh thầm lặng, nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người. Rồi năm tháng vẫn sẽ đằng đẵng trôi, người thầy, người cô sẽ mãi lặng lẽ âm thầm đưa những con đò tri thức nối tiếp nhau cập bến, bỏ lại sau lưng tất cả nhọc nhằn và mỉm cười khi nhìn thấy lớp lớp đàn trẻ thơ tung cánh bay đến tương lai.

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>