Nền tảng nâng chất lượng dạy và học ngoại ngữ

06/11/2018 | 08:26 GMT+7

Thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt là đề án 2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai và mang lại hiệu quả nhất định.

 Học sinh Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, tự tin giao tiếp trong giờ học tiếng Anh.

Giờ học trở nên hấp dẫn

Không còn là hình ảnh thầy đọc từ vựng, trò ngồi dưới chép, điều chúng tôi thấy hấp dẫn trong tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Vị Thắng 2, huyện Vị Thủy, chính là sự giao tiếp qua lại giữa thầy và trò, học sinh với bạn của mình. Em Huỳnh Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 5A, chia sẻ: “Trong tuần, chúng em mong nhất là giờ học tiếng Anh. Giờ học rất hay và thú vị. Em được thầy cho xem nhiều hình ảnh, tranh vẽ với các vật thật rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Em thấy thú vị khi được giao tiếp bằng tiếng Anh với các bạn”.

Trường Tiểu học Vị Thắng 2 là trường còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất cũng còn hạn chế, tuy nhiên nhà trường xác định dạy và học tốt môn tiếng Anh sẽ rất có lợi cho học sinh nên nhiều năm học qua giáo viên trường luôn nỗ lực để học sinh được tiếp cận và đam mê với môn học này. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Nhờ dạy tốt môn tiếng Anh nên nhà trường thu hút được nhiều học sinh giỏi đến học tại trường. Điểm mạnh của trường là giáo viên luôn chủ động tìm tòi, đưa tranh ảnh minh họa, trò chơi để thu hút học sinh. Giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết với nghề là nền tảng để trường đẩy mạnh chất lượng môn học tiếng Anh”.

Và thật là ấn tượng khi tham gia tiết học toán của thầy và trò Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, giờ học thú vị khi giáo viên bộ môn này sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và giảng bài cho học sinh. Các phép tính lượng giác, cách đo chiều dài khối trụ… được cô trò trao đổi rất hấp dẫn. Dừng bài giảng ít phút, cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên dạy toán của trường, bộc bạch: “Dạy toán kết hợp sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh lúc đầu học sinh cũng còn khá bỡ ngỡ. Nhưng lợi thế là học sinh của trường đầu vào khá tốt nên bắt nhịp học rất nhanh. Nhiều em còn rất hào hứng và thích thú với cách học hiện đại này”. Em Giang Gia Kiệt, học sinh lớp 10VL, Trường THPT chuyên Vị Thanh, bộc bạch: “Học toán kết hợp sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong giờ học đã giúp em ý thức hơn việc tự học và tạo thói quen tìm tài liệu học tập các môn khoa học tự nhiên từ sách nước ngoài. Em thấy học tốt tiếng Anh rất có lợi cho mình trong tương lai”.

Năng lực giáo viên nâng lên rõ rệt

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Xác định vai trò của đội ngũ giáo viên trong triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 là rất quan trọng nên ngành luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ. Nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn đã được Sở phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nâng cao chuẩn cho giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác phần mềm dạy học tiếng Anh…”. So với thời điểm tỉnh bắt tay vào thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 thì tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu tăng lên rất nhiều. Cụ thể, năm 2011 qua khảo sát chỉ có 3 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ngoại ngữ thì đến nay số giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học đạt chuẩn ngoại ngữ là 83/185 (chiếm tỷ lệ 44,9%), số giáo viên tiếng Anh cấp THCS đạt chuẩn là 146/195 (chiếm tỷ lệ 74,9%), số giáo viên tiếng Anh cấp THPT đạt chuẩn là 93/116 (chiếm tỷ lệ 80,2%).

Là trường có đội ngũ giáo viên giảng dạy rất tốt môn tiếng Anh, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh là trường duy nhất của tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thí điểm dạy học bằng tiếng Anh cho môn toán và các môn khoa học tự nhiên từ năm học 2013-2014. Theo đó, mỗi giáo viên bộ môn này sẽ thực hiện ít nhất 2 tiết dạy/1 năm học. Ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết: “Để thực hiện có chất lượng việc dạy thí điểm này, ban đầu nhà trường chọn các giáo viên có đam mê và năng lực tốt môn tiếng Anh để thực hiện. Sau 1 năm, trường bắt đầu thực hiện tất cả giáo viên ở bộ môn toán và khoa học tự nhiên. Điểm khó ban đầu là việc soạn giáo án và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của giáo viên với học sinh. Tuy nhiên, lợi thế của trường là lực lượng giáo viên trẻ, tâm huyết và có trình độ khá tốt tiếng Anh nên cái khó trở thành động lực để giáo viên nâng cao trình độ của mình”. Trường THPT chuyên Vị Thanh có tổng số 11 giáo viên dạy tiếng Anh. Trong đó có 7 giáo viên có trình độ C1, 4 giáo viên có trình độ B2. Hiện các giáo viên trình độ B2 đang tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn để sớm đạt trình độ C1 chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu.

Thầy Trần Đình Chiến, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Được tạo điều kiện học tập và thi đạt chuẩn ngoại ngữ B2 vào năm 2017 là cơ hội để tôi nâng cao năng lực chuyên môn. Các kỹ năng giảng dạy nghe, nói, đọc, viết được ôn luyện lại. Nhờ đó mà tôi đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học hấp dẫn, thu hút học sinh hơn trước. Phát huy hiệu quả câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường”.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thì trang thiết bị dạy học và học liệu tối thiểu cũng được quan tâm đầu tư. Từ năm 2011-2017 đã trang bị được 20 phòng lab, 53 bảng tương tác cho các trường từ tiểu học đến THPT. Hậu Giang đã phủ kín việc dạy học tiếng Anh chương trình 7 năm và hiện đang từng bước triển khai chương trình 10 năm ở các đơn vị. Nhiều trường cũng đã triển khai cho học sinh lớp 1 làm quen với tiếng Anh.

Thực tế hiện nay, học sinh rất cần có nhiều cơ hội để sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên thường xuyên. Vì thế, việc tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2018-2025 không chỉ là nền tảng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục môn tiếng Anh của tỉnh mà còn đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Giúp học sinh thay đổi nhận thức, có ý thức chủ động tự học, tự trau dồi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết

Đó là mục tiêu Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2018-2025 hướng đến. Đối với giáo dục mầm non: đến năm 2020, hoàn thành việc ban hành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non trên phạm vi toàn tỉnh. Đối với giáo dục phổ thông: hoàn thành việc ban hành chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2; đến năm 2025, phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm. Riêng đối với giáo dục thường xuyên phấn đấu sẽ hoàn thành xây dựng các chương trình dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục thường xuyên đến năm 2025 đáp ứng cơ bản nhu cầu đa dạng của xã hội... phấn đấu 100% giáo viên dạy ngoại ngữ các cấp học phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngôn ngữ theo quy định; trên 50% trường phổ thông được trang bị phòng dạy học ngoại ngữ, trang thiết bị và học liệu ngoại ngữ tối thiểu…

 

    Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>