Nâng chất lượng giáo dục

29/10/2018 | 08:16 GMT+7

Với hiệu quả thiết thực trong dạy và học, mô hình “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, đã vinh dự vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen là mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua năm học 2017-2018.

Học sinh chủ động tìm hiểu và khám phá bài học hiệu quả.

Học sinh chủ động học tập

Đang cùng các bạn chuẩn bị cho phần thuyết trình cách làm giá từ đậu xanh của mình, em Lê Thị Cẩm Duyên, học sinh lớp 9A2 của trường, bộc bạch: “Em rất thích được học tập tại trường. Tại đây, em được thầy cô hướng dẫn, truyền thụ kiến thức rất hay và thực tế. Em được chỉ cách làm giá đỗ như thế nào, cách định hướng và chọn nơi để làm một chuồng gà (chọn diện tích, cách làm chuồng, hướng gió, cách chăm sóc gia cầm...). Em thấy vừa học vừa vận dụng lý thuyết vào trong thực tế thì giờ học rất hấp dẫn”.

Lớp học không còn bị gò bó khi thầy đứng trên bục giảng, trò ngồi cặm cụi chép bài mà ở Trường THCS Hoàng Diệu điều dễ bắt gặp là không khí học tập sôi động và tích cực khi từng nhóm học sinh ngồi tụm lại với nhau để thảo luận về một vấn đề thầy giáo đề ra. Ông Trịnh Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Với mục tiêu dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ làm người hướng dẫn, gợi mở đặt vấn đề để học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá nên nhà trường đã tiến hành thực hiện mô hình “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tập trung vào thực hiện theo chủ đề “Giáo dục kết nối”. Mô hình này được manh nha từ năm học 2014-2015 nhưng phải đến năm học 2015-2016 nhà trường mới tập trung triển khai thực hiện. Theo đó cũng đề ra quy chế hoạt động và nội quy, cũng nhưng hình thức nội dung thực hiện cụ thể”.

Với việc tập trung vào 2 hoạt động cụ thể là: hoạt động trải nghiệm sáng tạo và liên kết hoạt động chuyên môn. Trong đó, định kỳ 2 tuần 1 lần các em học sinh sẽ được nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại trường. Đây là nội dung hấp dẫn và sinh động nhất của mô hình, khi mỗi lần sinh hoạt các em sẽ được chọn một chủ đề thích hợp như: “Bệnh vô cảm của giới trẻ hiện nay”, “khách trọ trong gia đình”, “bàn tay mẹ”, “Tình thầy, trò”... Mỗi lần sinh hoạt sẽ được nhà trường thay đổi hình thức như: khi xem phim, khi làm tọa đàm, khi thì tổ chức thi kể chuyện, khi lại làm clip... để tạo tính hấp dẫn, mới lạ, thu hút học sinh. Em Lê Ngọc Kim Anh, học lớp 8A1, bộc bạch: “Em đã tự tin khi trình bày, thuyết trình vấn đề tại lớp học hoặc khi được giữ vai trò MC của nhà trường. Từ mô hình này, em cũng không còn rụt rè mỗi khi giao tiếp với thầy cô hay các bạn. Chủ động học tập, tìm tòi những cách làm sáng tạo đang khơi gợi cho em niềm đam mê nghiên cứu khoa học”. Riêng hoạt động liên kết hoạt động chuyên môn thì đây là hoạt động thường xuyên giúp đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên rõ nét.

Giáo viên đổi mới phương pháp dạy

Lợi thế của Trường THCS Hoàng Diệu là năm học 2015-2016 nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 2 trường THCS thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên vừa được bồi dưỡng theo phương pháp dạy học hiện đại, học sinh cũng được tiếp cận với phương pháp học tập chủ động, tích cực hơn. Theo đó, thay vì mỗi năm, mỗi tổ bộ môn chỉ làm khoảng 3 chuyên đề cho một năm học thì từ khi thực hiện mô hình, mỗi giáo viên bộ môn đã thực hiện được ít nhất từ 1-2 chuyên đề. Cô Quách Thị Bình, giáo viên dạy môn hóa học của trường, chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thực hiện ít nhất là 2 chuyên đề, vừa dạy kết hợp với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, để học sinh tự tìm hiểu, chủ động lĩnh hội kiến thức, từ những gì đã học các em phát triển thành những ý tưởng có lợi cho mọi người”.

Từ những hiệu quả mang lại, năm học 2018-2019 nhà trường sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình tập trung vào chủ đề “Giáo dục và phản biện xã hội”. Ông Trịnh Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mô hình “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của trường đã thể hiện rất hiệu quả chủ đề giáo dục kết nối. Bởi, hoạt động đã giúp kết nối giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, giáo viên với phụ huynh và nhà trường với xã hội. Giáo viên có chủ động đổi mới thì học sinh sẽ ham học, tích cực và chủ động lĩnh hội tri thức hướng tới tương lai hơn”.

Tập trung vào chủ đề “Giáo dục kết nối”, năm học 2017-2018 là một năm mang lại kết quả rực rỡ của nhà trường khi năng lực học tập của học sinh được thể hiện rất rõ. Tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt hơn 65%, tăng hơn 3% so với năm học trước, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm gần 3% học sinh yếu, không có học sinh kém. Không chỉ giỏi trong học tập mà việc tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể của nhà trường các em cũng năng nổ và hoạt động tốt. Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên dạy công nghệ, chủ nhiệm mô hình “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của trường, cho biết: “Chúng tôi thấy mừng vì khoảng cách giữa học sinh và giáo viên đã rút ngắn đáng kể. Các em ham học, giáo viên nhiệt tình, gần gũi, hỗ trợ học sinh hết mình”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>