Mạch ngầm phát triển nhân cách

19/05/2017 | 07:58 GMT+7

Bốn mùa trôi qua, Cuộc thi “Trái tim tri ân” đã là chất xúc tác mạnh giúp các em thêm gắn bó, yêu gia đình, thầy cô, bạn bè.

Từ “Trái tim tri ân” đã giúp các em học sinh gắn bó và gần gũi với nhau hơn.

Xin lỗi chân thành người nuôi dưỡng

“Trái tim tri ân” luôn được học sinh mong mỏi, đợi chờ. Em Trần Thị Ngà, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Tri ân cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng, thầy cô thể hiện qua “Lời xin lỗi”, đây là một chủ đề rất hay và rất đúng với tâm trạng của em lúc này. Bởi em cũng đang còn thiếu dì em, người nhận em về nuôi dưỡng một lời xin lỗi, một lời cảm ơn chân thành, vì đã có lúc em chưa hiểu dì, suy nghĩ sai và có những hành động chưa đúng. Từ cuộc thi, em gửi đến dì lời xin lỗi chân thành của đứa con nhỏ bé chưa hiểu chuyện”. Đến với cuộc thi năm nay, em Ngà đã làm ban giám khảo phải xúc động với bài viết “Tri ân người nuôi dưỡng”. Bài viết là câu chuyện của chính em - đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi được dì nhận về chăm sóc. Dì đã chăm lo cho em mọi thứ từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc học hành. Có lúc nhà quá nghèo, em muốn xin dì nghỉ học để đỡ tốn tiền, dì không cho. Rồi khi những đứa trẻ khác đều có mẹ để gọi thì dì, người nuôi em từ tấm bé lại không cho em gọi tiếng mẹ. Em cay cú, cáu gắt và luôn khó chịu vì hành động ấy của dì.

Ngà bộc bạch: “Khi đó, em nghĩ dì không thương, nên không cho gọi mẹ, trong khi em nghĩ dì chính là mẹ ruột của mình”. Rồi câu chuyện cổ tích đã xuất hiện, cha mẹ em sau một thời gian đã trở về tìm lại em, em vui mừng vì được gọi tiếng mẹ, em thích cuộc sống giàu sang của cha mẹ. Vậy là em ra đi mà không biết cảm ơn dì lấy một lời. Thế nhưng, khi ở trong ngôi nhà rộng nhưng thiếu tình thương, em nhớ lắm ánh mắt dì nhìn em ngày nào. Đôi mắt ươn ướt quay nhanh đi che giấu những giọt nước mắt lăn dài. Em nhớ vòng tay ấm áp của dì ôm em mỗi khi em bệnh. Em thấy mình có lỗi. Em Ngà kết thúc bài viết bằng hình ảnh em cùng bác tài xế trở về thăm lại người dì nghèo khổ, nhìn dì bị bệnh nằm co ro trên chiếc giường tre không một người chăm sóc, rồi tiếng nấc nghẹn ngào với tiếng gọi mẹ, cùng lời xin lỗi như xé lòng ban giám khảo.

Cuộc thi đầy tính nhân văn

Từ những câu chuyện, những tình cảm có thật của các em học sinh về gia đình, thầy cô, bạn bè, các em có dịp nhìn lại bản thân mình, có dịp suy nghĩ lại để có cơ hội sửa sai, sống có trách nhiệm và đúng hơn với mọi người. Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Pháp chế - Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ: “Từ lần thứ II cuộc thi được tổ chức (năm 2015), ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kết quả cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và các em học sinh. Từng bức thư, từng câu chuyện ngắn, từng đoạn video clip khi được thể hiện đã lấy không ít những giọt nước mắt từ ban giám khảo”.

Đến mùa giải lần thứ IV năm 2017, cuộc thi đã gây nhiều ấn tượng với đoạn video clip ngắn do em Nguyễn Thị Bích Trâm, học sinh lớp 7A7, Trường THCS thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A thực hiện. Với đoạn clip “Con xin lỗi cha mẹ”. Em Bích Trâm đã khắc họa thật cảm động về tình cảm gia đình. Tuy cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng cha mẹ vẫn luôn yêu thương lo cho con cái ăn học. Bích Trâm chia sẻ: “Sở dĩ em làm đoạn video clip này là muốn gửi lời xin lỗi chân thành của em với cha mẹ. Em đã không ngoan, không chịu cố gắng học tập để làm cha mẹ lo lắng, buồn rầu”. Trâm kể lại, học kỳ I năm học này, em không được loại giỏi như năm học trước. Nguyên nhân vì gần đến ngày thi, nhà em có chuyện buồn. Ông ngoại em vừa mới mất, cha mẹ em không có nhiều thời gian chăm lo việc học cho em. Khi đó em cũng rất buồn nên buông lỏng việc học hành, chỉ mê chơi cùng các bạn cho đỡ nhớ ông. Kết quả học kỳ I em chỉ xếp hạng trung bình. Biết được tin, em thấy cha buồn, mẹ khóc. Em muốn chạy đến xin lỗi mẹ nhưng không dám. Nhờ cuộc thi em đã mạnh dạn thể hiện cảm xúc của mình và tự hứa sẽ cố gắng học tập để không làm cha mẹ lo lắng.

Dấu ấn của cuộc thi không chỉ để lại bằng những dòng cảm xúc chân thật về tình cảm gia đình, ông bà, cha mẹ, mà là cơ hội để học sinh thể hiện phong cách viết văn và cách tạo lập các đoạn video clip sinh động, hấp dẫn người xem. Em Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Trịnh Văn Thì, thị xã Long Mỹ, nói: “Cuộc thi là cơ hội để em thể hiện niềm đam mê của mình với công nghệ thông tin. Em đã biết cách cắt ghép các hình ảnh để tạo một video clip bắt mắt. Đây thật sự là một sân chơi đầy ý nghĩa và hữu ích”. 

“Trái tim tri ân” đã mở ra một chân trời mới đối với các em học sinh. Qua đó, giúp các em cảm nhận, thể hiện tình cảm của mình một cách chân tình, mộc mạc mà tràn đầy ý nghĩa. Cảm nhận và tri ân các bậc sinh thành cũng là một cách giáo dục tốt nhân cách sống cho học sinh trong xã hội hiện nay.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>