Lại nỗi lo không có học viên

30/07/2018 | 07:54 GMT+7

Hiện học sinh tốt nghiệp THCS đã chủ động đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào các trường THPT, nhưng ở các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) đang lo không có học viên.

Người học theo dõi thông tin tại Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh.

Sao lại “bỏ rơi” hệ giáo dục thường xuyên

Mấy ngày nay, các cán bộ, giáo viên phụ trách giảng dạy ở hệ giáo dục thường xuyên của các trung tâm hầu như đang rất lo cho kết quả tuyển sinh cho năm học 2018-2019 sắp tới. Đợi kết quả tuyển sinh THPT, xin danh sách những học sinh không vào được lớp 10 ở các trường THPT, để vận động các em này vào học ở hệ giáo dục thường xuyên… là những công việc đang được ráo riết thực hiện. Ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Đa phần, các trường THPT ở đây đều tổ chức xét tuyển đầu vào lớp 10. Mấy năm nay, dù có nắm được số lượng học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 từ các trường, nhưng không khi nào chúng tôi vận động hết được các em vào học ở hệ giáo dục thường xuyên. Do đa phần phụ huynh vẫn chưa hiểu, nếu không vào được các THPT các em cũng có thể học THPT hệ giáo dục thường xuyên tại trung tâm, nên nhất quyết con rớt là cho nghỉ năm sau cho thi lại”. Huyện Phụng Hiệp có 12 trường THCS, năm học vừa rồi có 1.975 học sinh THCS tốt nghiệp. Dự kiến, năm học 2018-2019 này trung tâm vận động khoảng 50 học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ giáo dục thường xuyên. Trong khi số lượng học sinh không vào các trường THPT trên địa bàn mỗi năm gấp nhiều con số đó.

Còn ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Long Mỹ, dù đã nắm được số lượng thí sinh không nộp hồ sơ vào các trường trên địa bàn, cũng như số lượng hồ sơ các trường THPT trên địa bàn loại ra, nhưng trung tâm cũng không dám chắc chắn sẽ tuyển được học viên đầu cấp lớp 10 này. Ông Đinh Trung Hiếu, Phó Giám đốc trung tâm, bộc bạch: “Do không có giáo viên giảng dạy ở hệ giáo dục thường xuyên, nên chúng tôi cũng gặp khó trong quá trình tuyển sinh. Chỉ có năm vừa rồi là tuyển được 23 em cho hai lớp 10 và 11 thôi, đa phần các em này là học sinh đã bỏ học hoặc đi làm rồi quay lại học, chứ học sinh vừa tốt nghiệp THPT mà vào trung tâm thì hầu như không có. Tình hình vậy, nên giờ chúng tôi cũng sợ không tuyển được số học sinh loại ra ở hai trường THPT. Mà tôi biết còn có hơn 300 học sinh không nộp hồ sơ vào các trường trên địa bàn. Hàng năm, dù cố gắng xuống tận nhà vận động giải thích cho phụ huynh và học sinh, nhưng tình hình cũng khó khăn lắm”. Kết thúc năm học vừa rồi, trên địa bàn huyện Long Mỹ có hơn 990 học sinh THCS tốt nghiệp. Được biết, hai trường trên địa bàn được giao chỉ tiêu lấy khoảng 602 học sinh, hiện còn khoảng 300 học sinh đã nộp hồ sơ vào các trường ngoài địa bàn hoặc đã theo gia đình đi làm, không tiếp tục học.

Các trường THPT không loại hồ sơ ?

Trăn trở trước thực trạng tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học ở hệ giáo dục thường xuyên không có, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Sợ lại giống năm học vừa rồi, khi hai trường trên địa bàn đã công bố kết quả lớp 10 cũng có mấy chục em bị loại, nhưng cuối cùng không biết sao các em cũng được phúc khảo và chia ra vào hết hai trường. Bởi vậy, sợ lại tuyển không có học viên, nên ngoài các em đã tốt nghiệp THCS, chúng tôi cũng tập trung vận động các em lưu ban, nghỉ học lâu vào học luôn. Ở đây, để thu hút người học khi tư vấn vận động, chúng tôi cũng giải thích học ở trung tâm các em còn có thể học nghề… nhưng cũng không thu hút được các em như trường công”. Năm học 2017-2018, ở Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Ngã Bảy chỉ vận động được 8 học sinh đầu cấp lớp 10.

Chủ yếu vận động học viên là các em không vào được lớp 10 ở các trường THPT loại ra, thời điểm hiện nay các cán bộ tuyển sinh của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh cũng chủ động vận động học viên. Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường nghề chúng tôi, cũng như các trung tâm GDNN - GDTX ai cũng lo vận động người học, mà đối tượng chính là các em đã tốt nghiệp THCS. Do học viên chính là các em đã tốt nghiệp lớp 9, nên mấy năm nay trường cùng một số trung tâm đã phối hợp cùng tìm người học và cùng đào tạo. Trung tâm sẽ dạy các em học văn hóa để có thể thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, còn chúng tôi dạy các em học nghề. Dù hiện nay, nhận thức của nhiều phụ huynh đã thay đổi khi cho con học nghề, chứ không khăng khăng bắt con vào đại học nữa, nhưng mỗi mùa tuyển sinh ở các trường THPT xong, chúng tôi cũng lo các trường tuyển hết mình không tìm được người học”.

Tìm mọi cách để thu hút người học được các trung tâm và trường nghề đặt mục tiêu lớn. Tuy nhiên, chính sách phân luồng còn những bất cập, thì vẫn còn nhiều khó khăn trong tuyển sinh của hệ này.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>