Kỳ vọng đầu năm

03/02/2017 | 08:07 GMT+7

Nhìn lại một năm vừa qua, cho thấy ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã có nhiều khởi sắc.

Chất lượng dạy và học của Trường THCS Phan Văn Trị ngày càng được nâng cao.

Đáng chú ý, chất lượng dạy và học được nâng lên, cơ sở vật chất tại các trường học đã không ngừng được nâng cấp, xây mới tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên giảng dạy, học sinh học tập.

Vượt trội về chất lượng

Được đánh giá là đơn vị có sự bứt phá mạnh, năm 2016 Trường THCS Phan Văn Trị đã có những cách làm hiệu quả để xây dựng thương hiệu của mình. Ông Trần Thanh Giang, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Mùa xuân này đến với nhà trường sẽ vui hơn và rộn ràng hơn. Vì năm học qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của thầy cô giáo, học sinh đã mang về nhiều kết quả cao trong các hội thi cho nhà trường. Đây là một nền tảng vững chắc để trường nâng cao hơn chất lượng dạy và học trong thời gian tới”. Năm học 2015-2016, học sinh và giáo viên trường đã mang về 98 giải thưởng cấp thành phố, cấp tỉnh và quốc gia. Đặc biệt có 1 giải khuyến khích và 2 giải nhì cấp quốc gia. Các hội thi giáo viên, học sinh giỏi cũng có nhiều giải cao so với những năm trước. Mới đây trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp THCS thành phố Vị Thanh năm học 2016-2017 trường đạt 27 giải, được xếp thứ 2 sau Trường THCS Lê Quí Đôn. Để đạt được kết quả phấn khởi đó, không thể không kể đến sự quyết tâm của thầy, trò và tập thể nhà trường.

Ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Năm nay một số trường tốp dưới của thành phố đã vươn lên đạt nhiều thứ hạng cao trong các hội thi như THCS Phan Văn Trị, THCS Châu Văn Liêm. Thành công của các trường là công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi của trường được chuẩn bị khá dài hơi và được quan tâm đặc biệt. Giáo viên bộ môn đã nắm nguồn học sinh và lên kế hoạch bồi dưỡng nhằm giúp các em phát huy sở trường của mình. Các trường cũng quan tâm đầu tư cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các buổi ôn tập”.

Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề đã tạo nên sự thành công việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Sự quan tâm, khéo léo, khơi gợi sự đam mê của học sinh đã giúp các em phát huy tốt năng lực, sở trường. Xuất sắc khi đạt giải nhì cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2016 với bài viết tình huống về phòng, chống tham nhũng “Chuột đã béo lắm rồi!”, em Đặng Thị Anh Thư, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô, chắc em sẽ không thể có được kết quả như ngày nay. Chính thầy cô là người đã khơi gợi, giúp em phát triển ý tưởng của mình”. Cô Huỳnh Thị Diễm Hương, giáo viên dạy ngữ văn, người hướng dẫn em thực hiện bài viết, nói: “Tôi thấy điểm được ở tình huống này là khả năng phân tích và nhìn nhận vấn đề của em Thư khá tốt. Từ bài viết của em tôi gợi ý tên tiêu đề cho em”.

Đam mê nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều mô hình, dự án, giải pháp khoa học trong học sinh là điểm ấn tượng của giáo dục Hậu Giang năm 2016. Từ sự đam mê nghiên cứu khoa học của mình, các em đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho cuộc sống.

Đảm bảo các điều kiện giáo dục

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 170/339 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ trên 50,1%). Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục cũng được tỉnh thực hiện khá hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; có 8/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ năm 2016, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, 76/76 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1.

Không chỉ vậy, năm học vừa qua, nhiều dự án, cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo cũng được ngành thực hiện tích cực, có hiệu quả như Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), mô hình Bàn tay nặn bột… Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Xuân 1 (huyện Châu Thành A), cho biết: “Nhờ thực hiện mô hình SEQAP mà chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng được nâng cao. Không chỉ được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, học sinh được hỗ trợ ăn trưa và khen thưởng từ các nguồn quỹ của chương trình. Một trong những lợi ích lớn nhất chương trình mang lại là cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn các mô-đun. Từ đó, nhiều phương pháp dạy hay được áp dụng, tạo sự hứng thú cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trường”.

Với rất nhiều nỗ lực, giáo dục Hậu Giang đang tích cực thực hiện thêm nhiều mô hình hay, dự án hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học từng ngày. Những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua sẽ là bước đệm để ngành phấn đấu, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa trong năm mới Đinh Dậu 2017.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết bên cạnh sự vượt trội về giáo dục mũi nhọn, năm học 2015-2016 vừa qua, ngành giáo dục tỉnh nhà còn khởi sắc ở khá nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, việc tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được quan tâm, chú trọng hơn ở nhiều địa phương.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>