Khơi dậy đam mê tin học

13/06/2017 | 07:49 GMT+7

Từng được xem là môn phụ trong chương trình giảng dạy, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc đẩy mạnh công tác dạy và học cùng các hội thi ở bộ môn tin học là nền tảng khơi dậy niềm đam mê tin học.

Sản phẩm “Ứng dụng IOT trong mô hình tiết kiệm điện, nước của ngôi nhà thông minh” của Xuân và Nhẫn.

Em Huỳnh Kim Phụng, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tin học là môn mà em rất yêu thích. Vì ở môn này, em không chỉ được học trên máy tính, mà còn giúp em có thể tìm hiểu về nhiều điều thú vị của công nghệ thông tin”. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô, cùng sự tìm tòi khám phá của bản thân, trong Hội thi “Tin học trẻ” cấp tỉnh vừa qua, Kim Phụng đã đoạt giải nhất ở cấp tiểu học.

Cũng như Kim Phụng, với những kiến thức đa dạng, phong phú về công nghệ thông tin, cùng khả năng chịu khó vận dụng, tìm hiểu, nhiều học sinh đã cho ra những sản phẩm tin học ấn tượng và môn tin học đang ngày càng thú vị với các em.

Xuất phát từ ý tưởng dựa trên công nghệ thông tin, phải sáng tạo ra một sản phẩm có khả năng ứng dụng vào cuộc sống, đôi bạn Trần Mai Xuân, học sinh lớp 8A2 và Nguyễn Trung Nhẫn, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Lương Tâm, huyện Long Mỹ, đã cho ra sản phẩm “Ứng dụng IOT trong mô hình tiết kiệm điện, nước của ngôi nhà thông minh”. Em Nhẫn nói: “Tin học là môn mà chúng em vừa có thể học, mà còn có thể chơi. Đối với môn học nếu chịu khó tìm hiểu chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị”. Dù chỉ là một sản phẩm, nhưng các em đã nghiên cứu để tích hợp cùng lúc được 4 tính năng: Hệ thống báo chống trộm thông minh thông qua còi báo và báo qua điện thoại; điều khiển các thiết bị điện bằng điện thoại thông minh; xả nước tự động trong nhà vệ sinh; tưới cây tự động…

Nhằm tạo sân chơi để học sinh đam mê tin học được sáng tạo và thể hiện tài năng bản thân, hàng năm Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, đều phối hợp tổ chức Hội thi “Tin học trẻ”. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: “Hội thi “Tin học trẻ” được tổ chức hàng năm, không chỉ dành cho các thí sinh khá, giỏi mà chúng ta cũng nên tạo điều kiện cho cả những em có năng khiếu tham gia. Để có nguồn học sinh giỏi tin học, các trường nên chọn học sinh ngay từ lớp 6, 7 để đến lớp 8 thì bắt đầu cho các em thi đấu. Như vậy, sẽ đảm bảo các em có đầy đủ kiến thức để tham gia nghiên cứu, sáng tạo”.

Tuy nhiên, do cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy ở bộ môn tin học còn khá hạn chế. Vì vậy, đa phần tin học chỉ được dạy ở cấp THCS, THPT là chính, còn ở cấp tiểu học chỉ có một số trường được trang bị phòng máy tính mới có thể giảng dạy. Khó khăn là vậy, nhưng với các tính năng hiện đại cùng khả năng ứng dụng cao, tin học không chỉ là môn học mà nó còn là nơi để học sinh phát huy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo dựa trên công nghệ thông tin. Ông Trần Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý cơ sở vật chất - khảo thí và kiểm định, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nói: “Đối với bộ môn tin học, chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện để các em tham gia dự thi. Do cơ sở vật chất còn hạn chế, số lượng máy tính còn thiếu rất nhiều, nên dù biết vẫn còn nhiều học sinh muốn tham gia Hội thi “Tin học trẻ” này, nhưng chúng tôi không thể cho các em tham gia đại trà”. 

Lo lắng về cơ sở vật chất Hội thi “Tin học trẻ” năm tới

Ông Trần Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý cơ sở vật chất - khảo thí và kiểm định, Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Chúng tôi đang rất lo lắng với kinh phí đầu tư trang bị thêm máy tính mới cũng như bảo dưỡng, sửa chữa máy tính hiện rất hạn chế. Nếu vài năm nữa số lượng máy tính ở Trường THCS Hoàng Diệu (thành phố Vị Thanh), nơi hàng năm được mượn để tổ chức Hội thi “Tin học trẻ” bị hư hao hết, thì chúng tôi biết phải tổ chức cho các em thi tin học trẻ ở đâu?”.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>