Khổ như ở các điểm phụ

03/01/2017 | 07:42 GMT+7

Chất lượng dạy và học luôn ở mức thấp, học sinh không có điều kiện tiếp cận trang thiết bị học tập, tỷ lệ huy động học sinh đạt thấp, giáo viên gặp khó trong triển khai bài giảng... đó là thực trạng mà các trường điểm phụ ở nông thôn hiện nay gặp phải.

Điểm phụ của Trường Mẫu giáo Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ. Ảnh: Cao Oanh

Trong 133 trường điểm phụ ở huyện Phụng Hiệp, có đến 13% số trường tỷ lệ huy động học sinh không đạt theo quy định.

Có lớp chỉ được 7 học sinh

Điểm phụ Trường Tiểu học Hiệp Hưng 2, nằm trên tuyến Tỉnh lộ 927, đoạn qua ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, chỉ có 2 phòng học (1 cho cấp mẫu giáo, 1 lớp dành bố trí cho học sinh lớp 1 buổi sáng và lớp 2 buổi chiều). Tuy nhiên, 2 lớp tiểu học này, sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ từ 9 đến 10 học sinh. Học sinh huy động không đạt là một chuyện, nhưng điều đáng nói là điểm trường này cách Trường Tiểu học Cây Dương 2 và Trường Tiểu học Hòa An 2 chưa đầy 2km. Thầy Văn Thành Hai, giáo viên Trường Tiểu học Hiệp Hưng 2, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Lớp ít học sinh nên trong quá trình dạy gặp rất nhiều khó khăn, lớp chỉ có mấy em nên kêu tới kêu lui làm cho lớp học thiếu hẳn đi sự sinh động. Với các môn hoạt động như là thể dục, đây là môn vui chơi vừa hoạt động, nhưng do ít học sinh nên không thể chia nhóm được”.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp hiện nay có 201 điểm trường, trong đó có 133 điểm phụ, thì có đến 18 điểm tỷ lệ huy động học sinh không đạt (chủ yếu là khối tiểu học). Sĩ số ở mỗi lớp học này chỉ từ 7-12 học sinh. Trong khi quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với cấp bậc tiểu học, mỗi lớp sĩ số học sinh phải đạt từ 30-35 em.

Là giáo viên trên 25 năm đứng lớp, trong đó gần phân nửa thời gian phụ trách ở các điểm phụ, điều làm cô Trần Thị Nhị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, buồn nhất không phải vì mỗi ngày phải vượt gần 5km để đến lớp, mà vì cơ sở vật chất thiếu thốn, khiến cho chất lượng học của các em học sinh ở điểm phụ không thể theo kịp so với các em ở điểm chính. Cô Nhị Hồng chia sẻ: “Ở điểm phụ so với điểm chính, là trang thiết bị thiếu thốn rất nhiều, nên việc giảng dạy cũng có phần hạn chế. Mặc dù giáo viên đã rất cố gắng, nhưng quá trình tiếp thu của các em so với điểm chính cũng có phần hạn chế hơn. Khó khăn là vậy, nhưng nếu huy động các em ra điểm chính để học, với nhiều lý do như đường xa, khó khăn đi lại, các em sẽ bỏ học”.

Nhiều khó khăn, vì phải đầu tư dàn trải

Việc một địa phương có nhiều điểm phụ đã gây khó khăn rất lớn trong việc xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất ở mỗi đầu năm học. Theo thống kê, hàng năm việc đầu tư kinh phí sửa chữa các điểm phụ luôn chiếm gần 30% tổng kinh đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất hàng năm. Như năm học 2016 này, toàn huyện huy động hơn 15 tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp sửa chữa trường lớp, thì con số rót về các điểm phụ chiếm gần 4 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Với một huyện có đến 201 điểm học (trong đó 133 điểm phụ) gây không ít khó khăn trong quá trình đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất. Do nhiều điểm phụ nên thời gian qua huyện phải chia ra để đầu tư, nhưng cách làm dàn trải như thế cũng không hiệu quả, bởi xây dựng, nâng cấp xong vài năm sau lại phải tiếp tục đầu tư. Mặt khác, các điểm phụ nhiều nên trang thiết bị phục vụ cũng không đảm bảo, dẫn đến chất lượng dạy và học ở những điểm này cũng có phần hạn chế so với các điểm chính”.

Ngành giáo dục huyện Phụng Hiệp đặt ra mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện có 44/68 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, với thực trạng các trường còn nhiều điểm phụ và tỷ lệ huy động học sinh không đạt như hiện nay, sẽ gây khó khăn rất lớn cho mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay, để đảm bảo theo chỉ tiêu chung của tỉnh đề ra đến năm 2020 Phụng Hiệp phải có 80% số trường đạt chuẩn, ngành giáo dục Phụng Hiệp cần nguồn vốn đầu tư gần 210 tỉ đồng để cải thiện cơ sở vật chất trường lớp... Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng trường lớp, huyện sẽ quy hoạch lại hệ thống trường lớp, xóa bớt nhưng điểm phụ không hợp lý để dồn sức đầu tư cho những điểm chính hay những điểm cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo tốt cho các em đến trường, không vì khó khăn mà để các em bỏ học…

Nhiều điểm phụ, nên khó cho việc xây trường chuẩn

Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, nói: “Do là địa bàn rộng, việc đi lại của người dân nông thôn rất khó khăn, vì thế trước đây nhiều điểm học phụ ra đời, để giải quyết cho trẻ em ở các vùng sâu được đến trường. Giờ đây, khi bắt tay xây dựng trường đạt chuẩn, những điểm phụ này lại gây không ít khó khăn cho huyện. Quy định của trường chuẩn quốc gia thì 1 điểm chính thì có không quá 2 điểm phụ, nhưng ở huyện Phụng Hiệp hiện nay có những trường có 5-6 điểm phụ là không đúng theo quy định. Những điểm phụ hiện nay đa phần đã xuống cấp, cùng với trang thiết bị thiếu thốn, nên rất khó cho việc nâng chất lượng dạy và học”.

 

THANH TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>