Học sinh trung học sáng tạo nhiều dự án mang tính ứng dụng cao

04/01/2017 | 08:42 GMT+7

Điểm đột phá trong Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 lần này là nhiều dự án mang tính ứng dụng thực tế cao. Ai cũng kỳ vọng, nếu các dự án đầu tư hơn sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích, có lợi cho cuộc sống của con người.

Nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A, bên dự án “Đập ngăn mặn thông minh”.

Giám khảo và đại biểu tham gia buổi xét duyệt 42/106 dự án vòng chung kết cuộc thi đều khá bất ngờ trước sự sáng tạo của các em học sinh.

Bất ngờ với khả năng sáng tạo

Điểm nhấn đầu tiên có thể nói tới là dự án “Đập ngăn mặn thông minh” do nhóm 2 học sinh đến từ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A) thực hiện. Với dự án này các em sẽ hỗ trợ các gia đình một hệ thống ngăn mặn thông minh nhờ các cảm biến để đo độ mặn. Em Huỳnh Hoàng Khánh, nhóm trưởng dự án, chia sẻ: “Dự án được chúng em thực hiện vào đầu mùa hè năm học vừa rồi. Bắt tay vào thực hiện, cũng có nhiều khó khăn nhưng từ những cái khó, chúng em càng cảm thấy hấp dẫn. Với những lần thí nghiệm trên mẫu thử, rồi ngoài ruộng của các bác nông dân, có những lần thất bại, rồi thành công đã giúp tụi em vững tin hơn. Tất cả luôn là niềm đam mê, là động lực để chúng em hoàn thành dự án này”.

Dự án này được nhóm học sinh thực hiện trong thời gian 4 tháng, tuy cũng còn một số điểm cần phải bổ sung để dự án có thể hoàn thiện hơn, nhưng đây là một công trình được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao về tính sáng tạo, sự tìm tòi nghiên cứu và mang tính thời sự cao, khi vừa qua tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn do xâm nhập mặn gây ra. Với việc trình bày đầy tự tin, lưu loát, phản biện nhanh những câu hỏi từ Ban giám khảo và nhất là khả năng ứng dụng của dự án, nhóm học sinh đã xuất sắc mang về giải nhất trong cuộc thi.

Sự sáng tạo của các em học sinh đã thể hiện rất rõ khi cho ra đời những dự án mang tính khả thi cao như dự án “Xe hỗ trợ canh tác lúa đa năng chạy bằng động cơ điện điều khiển từ xa”, dự án “Chiếc giường thông minh”, “Ống thủy đo sạt lở đất”, “Robot lau nhà”, “Thiết bị báo rò rỉ khí gas”, “Thùng rác tự động mini dành cho người khuyết tật”… Trong đó, hấp dẫn nhất là dự án “Xe hỗ trợ canh tác lúa đa năng chạy bằng động cơ điện điều khiển từ xa” của học sinh Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Với dự án này sẽ giúp người nông dân giảm bớt tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người do quá trình phun xịt thuốc trừ sâu gây ra, tiện ích trong trồng lúa. Em Lê Văn Duy, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Vị Thủy, chia sẻ: “Nhà em cũng làm ruộng nên em hiểu được ảnh hưởng của thuốc trừ sâu với con người là như thế nào, nhất là với các chú đi xịt thuốc mướn. Lúc đầu, em gặp nhiều khó khăn do chưa chọn được mô hình lắp ráp phù hợp, lý thuyết thực hiện nhiều hạn chế... nhưng được sự hỗ trợ của nhà trường và các thầy cô hướng dẫn, em đã hoàn thành mô hình trên ý tưởng lắp đặt điều khiển từ xa như những chiếc xe đồ chơi nhỏ của các em bé. Nhưng hiệu quả mang lại làm em cũng bất ngờ”. Thầy Lưu Hoàng Thức, giáo viên hướng dẫn cho em, tâm sự: “Tôi chỉ hỗ trợ em phần lý thuyết, các thiết kế thực hành là do tư duy sáng tạo của các em. Quả thật, ý tưởng sáng tạo của em làm tôi rất bất ngờ khi chọn áp dụng theo mô hình điều khiển từ xa. Với dự án này mỗi lần thực hiện, sẽ giảm rất nhiều nhân công mà chi phí khá thấp”.

Tăng số lượng, nâng chất lượng

Điểm ấn tượng của cuộc thi năm nay là ngoài nâng cao về chất lượng, cuộc thi còn tăng nhiều về số lượng dự án tham gia. Cụ thể như, nếu so với năm 2015-2016, thì cuộc thi năm nay tăng hơn 25 dự án, so với năm đầu tiên thực hiện cuộc thi năm học 2013-2014 là hơn 50 dự án. Theo đó, số lượng phòng giáo dục và đào tạo, trường, học sinh tham gia cũng tăng hơn. Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chúng tôi thật sự bất ngờ khi chất lượng của các dự án tham gia năm nay khá tốt. Các sản phẩm dự thi đều gắn liền với nhu cầu tất yếu cuộc sống của con người. Đặc biệt là có dự án hỗ trợ người khiếm thị, dự án chống sạt lở, báo động khí gas… Có nhiều dự án áp dụng tốt trong y khoa như “Chiếc giường thông minh giúp báo hiệu nhiệt độ tăng trên cơ thể người bệnh”… Ngoài ra, các em học sinh có nhiều dự án quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, ý thức khi tham gia giao thông”.

Tự tin trình bày dự án, phản biện dự án lưu loát, chủ động đưa ra vấn đề với Ban giám khảo của các em học sinh đã làm nên sự hấp dẫn cho cuộc thi. Nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo, nghiên về lĩnh vực quản lý môi trường, kỹ thuật điện và cơ khí, khoa học xã hội và hành vi… đã cho thấy học sinh rất quan tâm đến đời sống lao động, sản xuất ở địa phương và thể hiện khả năng tìm tòi, say mê nghiên cứu của học sinh. 

Kỳ vọng vào cuộc thi cấp quốc gia sắp tới

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho hay: “Đây là một hoạt động thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông, đào tạo những học sinh có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Đảm bảo theo phương châm “Học đi đôi với hành. Từ những hiệu quả trên, tôi hy vọng sẽ tạo nên một luồng gió mới cho cuộc thi cấp quốc gia sắp đến”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích