Học sinh sáng tạo

26/12/2016 | 08:14 GMT+7

Với mong muốn biến ý tưởng thành những sản phẩm có ích cho mọi người, học sinh của huyện Châu Thành đã cho ra đời nhiều mô hình ứng dụng cao, có chi phí thấp.

Từ mô hình gắn liền với đời sống

Lấy ý tưởng từ cổng rào an ninh tại ấp mình, nhóm học sinh Trần Thành Trung và Nguyễn Huỳnh Thảo Nhi, lớp 9A1, Trường THCS Đông Phước A, đã thực hiện mô hình “Nhà chống trộm”. Mô hình đã được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ III năm 2016 đánh giá cao (đạt giải 3 cấp tỉnh) nhờ khả năng ứng dụng thực tế trong việc giúp các hộ gia đình bảo quản tài sản của mình. Chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình, em Trần Thành Trung cho biết: “Em xem trên tivi, đọc báo thấy tình hình an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp, các vụ trộm cắp ngày càng xảy ra tinh vi hơn. Thiết bị trống trộm ngoài thị trường đã có nhưng chi phí đắt, nên em mới nghĩ tại sao mình không nghiên cứu để làm máy chống trộm, vừa rẻ, vừa có tính hiệu quả cao, có máy chống trộm thì mỗi khi ra ngoài, gia đình sẽ an tâm hơn”. Sử dụng phương tiện này, khi người dân ra ngoài, chỉ cần mở công tắc điện nếu có kẻ trộm đột nhập, sẽ có tín hiệu đèn sáng, còi sẽ phát ra âm thanh báo hiệu, đồng thời cửa ở cổng nhà sẽ đóng lại.

Em Trung bên mô hình “Nhà chống trộm”.

Để thực hiện mô hình này, 2 em học sinh phải mất thời gian gần 1 tháng, trong đó, việc thử đi thử lại các mạch điện, kết nối các mao mạch lại với nhau để cho ra dòng điện là phần thực nghiệm khó khăn nhất. Nhờ có sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Nguyễn Thiện Tâm, giáo viên dạy tin học của trường, mô hình đã hoàn thiện với tính khả thi cao. Em Trung chia sẻ: “Nhờ thầy cô hỗ trợ hết mình mà sản phẩm của em đã hoàn thiện. Với mô hình này em chỉ tốn khoảng 300.000 đồng. Nếu ứng dụng thực tế tại nhà, sử dụng nguồn điện 220v sẽ càng giảm chi phí hơn”. Thầy Nguyễn Trường Hận, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Đông Phước A, nói: “Tôi thấy mô hình này khá hay và hiệu quả mà giá thành khá thấp. Mô hình có cấu tạo đơn giản dễ sử dụng nên tôi nghĩ có thể ứng dụng được cho một ấp nếu có cổng rào an ninh”.

Đến hướng về biển, đảo thiêng liêng

Còn mô hình “Tàu mơ ước Trường Sa” của em Phan Cẩm Nga (7 tuổi), học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 4, chỉ với những chai nhựa đã qua sử dụng mà em đã khéo léo cắt gọt, kết hợp chúng với nhau cho ra một con tàu rất giống tàu chiến của hải quân, có ra đa dẫn đường, đèn chiếu sáng gần xa, máy phát tín hiệu, súng, pháo… được thiết kế đẹp mắt. Ông Phan Chí Tâm, cha em Cẩm Nga, cho biết: “Khi mới bắt tay vào làm, bé Nga đâu có nói là sẽ làm gì, tôi chỉ thấy con nó tìm gom các chai nhựa cũ của mẹ rồi ngồi cắt cắt gọt gọt, hỏi ra mới nói là muốn làm một chiếc tàu để dự thi. Thấy con thích và cặm cụi làm nên tôi cũng ngồi “đồng hành” cùng con”.

Em Nga bên mô hình “Tàu mơ ước Trường Sa”.

Ông Tâm từng là bộ đội hải quân công tác tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nên từ ý tưởng sơ khai, cha đã giúp em Nga sáng tạo ra mô hình “Tàu mơ ước Trường Sa” chỉ với mốp và những chai nhựa, pin, motor được kết nối với chân vịt đưa ra ngoài và 1 bánh lái… Mô hình này được em thiết kế để có thể điều khiển từ xa với khoảng cách hơn 50m. Nga chia sẻ: “Đây là mô hình để em vừa học, vừa chơi, vừa cảm nhận về những khó khăn, gian khổ mà các chú lính hải quân đã kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Con tàu của em có thể chạy trên sông. Mỗi buổi chiều em và cha cùng thực hiện mô hình, em thấy rất vui và hạnh phúc”.

Mô hình này đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ III năm 2016. Ông Đỗ Thanh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Đây là mô hình lần đầu tiên trường có học sinh đạt giải cấp tỉnh. Từ mô hình đã giúp các em học sinh của trường rèn thêm kỹ năng sống, giúp các em hiểu hơn về biển đảo quê hương và ý thức hơn trách nhiệm của mình phải học tốt để sau này góp phần xây dựng đất nước”.  Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình, sản phẩm đạt giải được các em học sinh huyện Châu Thành sáng tạo ra với mong muốn làm cho cuộc sống đẹp hơn như mô hình “Bẫy ruồi vàng giúp nhà nông”, mô hình “Máy phát cỏ”…

Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Ông Phạm Công Danh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, cho biết: “Năm 2016 là một năm ngành giáo dục huyện gặt hái được nhiều thành công. Đặc biệt là việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh. Bằng những kiến thức đã được học cùng với sự đam mê nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh trong huyện đã làm ra những sản phẩm hữu ích cho con người với chi phí thấp, dễ thực hiện. Hoạt động đã tạo động lực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>