Hiệu quả từ phong trào “hai giỏi”

26/02/2019 | 08:07 GMT+7

Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” (hay còn gọi là phong trào thi đua “Hai giỏi”), thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng.

Cô Huỳnh Cẩm Thúy (thứ 4, từ phải sang), Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận An, trong giờ sinh hoạt tổ chuyên môn.

Điển hình như cô Đinh Thị Kim Đôi, ở Trường Mẫu giáo Phú Hữu A, huyện Châu Thành. Cô là một giáo viên mầm non nhiệt tâm với nghề. Công tác tại trường 22 năm, dù công việc nhà trường, công việc gia đình bận rộn muôn bề nhưng cô vẫn đảm đương và hoàn thành rất tốt cả hai nhiệm vụ. Ở trường, cô nhiệt tình với công việc, luôn đưa ra nhiều sáng kiến hay góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ cho trường. Thành quả là năm 2017, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Ở nhà, cô là người vợ, người mẹ hiền, luôn quan tâm chăm sóc cho chồng và hai con. Cô Đôi tâm sự: “May mắn của tôi là có được người chồng hiểu và quan tâm đến công việc của vợ, những ngày đi sớm về muộn của nghề giữ trẻ nhưng chồng tôi không một lời trách móc than phiền. Ngược lại anh còn động viên tiếp thêm nghị lực để tôi gắn bó với nghề đã chọn. Đối với tôi hạnh phúc nhất là thấy gia đình được vui vẻ, các con ngoan hiền, học tốt. Đó chính là động lực là niềm tin giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường”. 22 năm công tác, cô Đôi nhận được 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 7 bằng khen của UBND tỉnh, 5 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, bồi dưỡng gần 10 trẻ đạt giải cấp tỉnh…

Đang sắp xếp lại những tờ giấy khen của con trai đạt giải qua các hội thi, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: “Dù công việc trường rất bận rộn nhưng tôi luôn dành thời gian để cùng con trai học tập. Học cùng con mới biết con còn thiếu hụt kiến thức gì để hỗ trợ”. Năm 2007, cô Anh về công tác tại Trường THCS Thuận Hưng với vai trò là giáo viên môn sinh học và công nghệ. Sau 1 năm, cô được giao đảm nhiệm thêm vai trò Tổng phụ trách đội của trường. Và dù ở vai trò nào cô cũng luôn hoàn tốt nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp tích cực trong công tác đội năm học 2014-2015, cô đã xuất sắc được tuyên dương là giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi cấp khu vực và được công nhận giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.

Hay cô Huỳnh Cẩm Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận An, thị xã Long Mỹ, luôn miệt mài chăm lo cho các thế hệ học trò. Xác định giáo dục mũi nhọn là cách để tạo nên thương hiệu cho trường, cô luôn chủ động nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp để tuyển chọn học sinh giỏi đúng thực chất. 25 năm giảng dạy, trong từng năm học, qua tay cô bồi dưỡng, đều có học sinh đạt giải cao trong các hội thi cấp thị xã, tỉnh. Tính riêng năm học 2014-2015, năm học 2015-2016, trường có 6 học sinh giỏi cấp tỉnh Cuộc thi “Giải toán qua Internet”, 6 học sinh được chọn tham gia Cuộc thi “Giải toán qua Internet” cấp quốc gia. Cô Thúy đã được giảng dạy tại 5 trường tiểu học, dù điều kiện giảng dạy nhiều khó khăn, dạy điểm phụ, điểm đồng bào dân tộc, nhưng ở đâu cô cũng luôn không ngừng sáng kiến, cải tiến phương pháp dạy học phù hợp với cách thức giáo dục hiện nay. Hay cô Trần Thị Mộng Nghị, giáo viên Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh cũng là một trong những tấm gương thực hiện tốt phong trào “hai giỏi” của ngành. Cô Nghị chia sẻ: “Với tôi “việc trường, việc nhà”, việc nào cũng quan trọng như nhau. Để thực hiện tốt 2 vai thì cần có sự bố trí kế hoạch, chia sẻ thời gian hợp lý cho cả hai. Đặc biệt, việc nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo với ông bà cha mẹ… là một việc làm rất cần nhiều tâm huyết và thời gian”.

Đây chỉ mới là 4 tấm gương trong số hàng ngàn tấm gương nữ nhà giáo trong tỉnh đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp “trồng người”. Tính đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo có 10.250 cán hộ, giáo viên, công nhân viên. Trong đó, tỷ lệ nữ chiếm hơn 49%. Hậu Giang đã có 40 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, 72 nhà giáo có trình độ thạc sĩ. Số nhà giáo nữ có trình độ đạt chuẩn là 100%, tỷ lệ đảng viên nữ trong ngành chiếm gần 48%, tỷ lệ nữ giáo viên được bổ nhiệm làm công tác quản lý tăng lên hàng năm. Dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, nữ nhà giáo cũng luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, năng động, sáng tạo, để vượt qua những khó khăn, thử thách để chăm lo hạnh phúc gia đình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông Võ Quốc Thoại, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, cho biết: “Qua phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, nhiều nữ nhà giáo đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu cao trách nhiệm của mình đối với gia đình và học sinh, không chỉ làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ tổ chức cuộc sống gia đình theo tiêu chí: ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc mà còn làm người thầy mẫu mực”.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” đã động viên, khuyến khích nữ nhà giáo tích cực đổi mới, trau dồi kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều chị em phấn đấu học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>