“Hiến kế” gỡ khó cho giáo dục

30/05/2019 | 06:18 GMT+7

Giáo dục đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là việc xây dựng hoàn thiện đề án sắp xếp mạng lưới trường lớp, gom các điểm trường, giảm các điểm phụ; thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; ngân sách chi cho giáo dục chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế... Trước những thực trạng trên, cần có những đề xuất, cách làm sát thực tế để gỡ khó cho giáo dục của vùng.

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, kiến nghị cần có cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục về vấn đề tinh giản biên chế.

Giảm tối thiểu 10% biên chế là chuyện khó ?

Để tìm giải pháp cho vùng, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội nghị đã có những ý kiến sát đáng về thực trạng thiếu thốn trăm bề của giáo dục ĐBSCL.

Một trong những khó khăn của ĐBSCL hiện nay là giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các bậc học. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, cho biết: “Giáo dục thành phố Cần Thơ đang gặp khó vì mất cân đối trong việc bố trí giáo viên giữa các trường. Có trường thừa giáo viên môn học này nhưng lại phải hợp đồng giáo viên để dạy các môn khác còn thiếu. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục diện tích hẹp gặp khó trong việc cải tạo, đầu tư nâng cấp dẫn đến thực trạng vẫn còn bố trí sỉ số học sinh vượt quá số lượng tối đa quy định…”. Bà đề xuất, việc sắp xếp, điều chuyển giáo viên dạy trái môn hoặc khác cấp trong tình trạng thừa thiếu cục bộ là không thể thực hiện được nên cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ cơ chế tiếp tục tăng quyền tự chủ cho các đơn vị trường học, cơ quan quản lý giáo dục các cấp trong việc tuyển dụng thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng, đánh giá phân loại và trả lương giáo viên. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa ngành giáo dục và đào tạo và các ngành có liên quan, về quản lý, đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Việc sắp xếp tinh giảm giáo viên không làm theo cơ học mà theo đặc thù của từng cấp học, chủ yếu tinh giảm ở bộ phận gián tiếp…

Theo số liệu thống kê từ 13 tỉnh ĐBSCL hiện còn thiếu đến 11.637 giáo viên mầm non, 2.583 giáo viên tiểu học, 2.157 giáo viên THCS, 401 giáo viên THPT. Tuy nhiên, toàn vùng cũng thừa 1.686 giáo viên tiểu học, 1.073 giáo viên THCS, 3.579 giáo viên THPT. Các đơn vị như Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng... là những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất. Chỉ tính bậc mầm non, Trà Vinh thiếu 1.421 giáo viên, An Giang thiếu 1.228 giáo viên, Sóc Trăng thiếu 1.292 giáo viên và Hậu Giang thiếu 651 giáo viên…

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, kiến nghị: “Cần nghiên cứu và có cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục về vấn đề tinh giản biên chế, vì hiện nay số học sinh và số lớp hàng năm đều tăng, số biên chế giáo viên giảm sẽ khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của ngành (tinh giản biên chế đúng lộ trình (từ năm 2015-2021) giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015). Trung ương cần xem lại việc bổ sung biên chế cho ngành giáo dục và đào tạo hoặc hợp đồng giáo viên để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Có chế độ chính sách hỗ trợ cho những viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy…”.

Đầu tư theo hướng đặc thù của từng địa phương

Do địa hình sông nước, kênh rạch, đi lại không thuận lợi nên ĐBSCL còn là khu vực có số điểm trường nhiều nhất cả nước, gần 6.000 điểm trường và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cấp THPT. Bài toán sắp xếp, gom trường lớp đang đặt ra cấp thiết với khu vực này để nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị: “Cần có một cơ chế chính sách đặc thù, chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, hình thành trường nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và địa bàn, lồng ghép các nguồn vốn như xây dựng nông thôn mới, nên chăng cần có mức sàn (số học sinh tối thiểu trên một lớp học) để việc sắp xếp trường lớp hiệu quả hơn”.

Ngoài ra, thực trạng thiếu phòng lớp dẫn đến việc huy động học sinh khó khăn, việc tổ chức học 2 buổi/ngày, tổ chức ăn bán trú cho học sinh, cơ chế chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế… cũng là vấn đề nan giải. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp là 11,1% trong khi toàn quốc là 25,5%, mẫu giáo huy động ra lớp chỉ đạt 76,7% trong khi toàn quốc là 90,8%, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày là 92% thấp nhất so với các vùng và thấp hơn tỷ lệ bình quân toàn quốc 6,7%, số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 63,45% (cả nước đạt trên 80%), chưa có tỉnh nào trong khu vực đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ 3. Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Hiện tại, Bạc Liêu huy động trẻ nhà trẻ chỉ đạt 9,6%, trẻ mẫu giáo ra lớp hơn 75%, vì vậy cần phân bổ chi tiêu phù hợp cho vùng miền, phải có chính sách tài chính rõ ràng đầu tư cơ sở vật chất để dồn ghép các điểm trường phụ. Điều chỉnh việc phân bổ ngân sách chi cho các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT một cách hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của địa phương”.

Trước yêu cầu đổi mới, chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục ĐBSCL cần những giải pháp mạnh mẽ để “vượt trũng”. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Mặc dù vẫn là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo so với mặt bằng chung của cả nước nhưng so với 5 năm trước giáo dục và đào tạo ĐBSCL đã có bước tiến đáng ghi nhận. Những năm qua, chất lượng giáo dục khu vực ĐBSCL đã được nâng lên”. Ông đề nghị các địa phương sau khi xây dựng xong đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên cần có Nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện đề án”. Bộ trưởng lưu ý, tránh tình trạng giao khoán cho ngành giáo dục và quá trình thực hiện phải có lộ trình, bước đi, tăng cường giám sát. Làm rõ trách nhiệm, đâu là của bộ, ngành, đâu là của địa phương. Các địa phương tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục, đặc biệt chi đầu tư phát triển trường, lớp, thiết bị, tăng cho mầm non, cố gắng tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, chống tái mù chữ, nâng tỷ lệ người biết chữ, phổ cập, ổn định phổ cập. Mục tiêu lớn nhất là hoàn thành sự nghiệp “lấp trũng” cho giáo dục ĐBSCL”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>