Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: Còn khó nhiều

28/03/2017 | 07:47 GMT+7

Thiếu... mọi thứ là thực trạng đang tồn tại ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh.

Một giờ học ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A.

Học… “chay”

Cũng thực hiện chương trình giảng dạy như THPT, nhưng các trung tâm GDNN-GDTX hầu như chỉ dạy lý thuyết suông cho học sinh. Để đảm bảo phục vụ nhu cầu dạy và học ở hệ bổ túc văn hóa, trước đây, các trung tâm GDTX cũng đã được đầu tư trang thiết bị thực hành, nhưng do cấp quá lâu nên các thiết bị đã bị hư, không còn sử dụng được. Vì vậy, đa phần học viên ở các trung tâm hiện nay đều phải học “chay”. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, nói: “Do không có thiết bị thực hành, giáo viên ở đây chỉ tập trung chọn học sinh giỏi các môn văn hóa là chính. Muốn tham gia thi học sinh giỏi thực hành, trung tâm đã liên hệ với các trường THPT để mượn, nhưng do các trường thiết bị hư hỏng nhiều, số còn lại thì ít quá, chỉ đủ để học sinh trường họ thực hành, nên chúng tôi không mượn được”.

Ở các trung tâm, chọn được nguồn học sinh giỏi rất khó. Để thi học sinh giỏi thường các em phải có học lực từ khá trở lên, nhưng ở hệ giáo dục thường xuyên học sinh khá nhiều khi đếm không hết đầu ngón tay. Do thiếu thiết bị thực hành nên các phong trào thi học sinh giỏi thực hành vật lý - hóa học - sinh học đã không là sân chơi dành cho các học viên ở đây, mặc dù các em cũng muốn đi thi cử.

Tuy nhiên, không dừng lại trước khó khăn, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa cũng được thầy cô đặc biệt quan tâm nhất là môn toán, nhờ đó hàng năm, một số trung tâm trên địa bàn tỉnh đều có học sinh giỏi toán cấp tỉnh, cấp quốc gia, điển hình là ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A. Để khắc phục khó khăn về việc thiếu trang thiết bị giảng dạy, nên giáo viên ở các trung tâm cũng tích cực làm nhiều đồ dùng dạy học nhằm thu hút học viên.

Sau sáp nhập, vẫn còn lo

Khi thực hiện theo quyết định sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ, trung tâm đã được bổ sung thêm chức năng GDTX. Tuy nhiên, đến nay trung tâm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi đi vào hoạt động. Ông Đinh Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Chúng tôi sẽ thực hiện được 2 chức năng là vừa dạy nghề, vừa dạy bổ túc văn hóa, nhưng đến nay, trung tâm vẫn chưa có giáo viên nào để phụ trách dạy văn hóa. Để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới và thực hiện chức năng dạy bổ túc văn hóa, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện để xin bổ sung thêm giáo viên cơ hữu ở các môn toán, vật lý, hóa học trước”.

Ngoài việc không có giáo viên dạy bổ túc văn hóa, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ còn thiếu cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy. Chuẩn bị cho năm học 2017-2018, trung tâm đã tiến hành xuống các địa phương để rà soát số liệu học viên ở các ấp, xã để kịp thời có kế hoạch vận động các em ra lớp cho năm học tới. Do thiếu cơ sở vật chất, nên khi vận động được học sinh ra lớp, trung tâm sẽ mượn một số phòng học của trường THCS gần đó để dạy.

Ngoài thiếu thiết bị dạy bổ túc văn hóa hiện nay, ở các trung tâm GDNN-GDTX cũng đang gặp khó trong việc đào tạo nghề. Khi sáp nhập giữa trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX, các trung tâm đa phần đều đã có thiết bị dạy nghề, nhưng lại lạc hậu vì được cấp quá lâu. “Chúng tôi có trang thiết bị nghề, nhưng không còn phù hợp nữa. Như nghề may, các công ty xí nghiệp hiện họ may bằng máy điện tử, trong khi đó mình lại dạy bằng máy cơ nên khi học viên ra nghề xin vào làm phải mất thời gian khá lâu để làm quen với máy may ở nơi họ làm” ông Trí chia sẻ thêm.

Ông Phan Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ, cho biết: “Dù có 2 chức năng, nhưng hiện chúng tôi chỉ thực hiện dạy bổ túc văn hóa cho học viên. Riêng ở phần dạy nghề do không có thiết bị và giáo viên cũng chỉ có 3 người nên cũng chưa thực hiện giảng dạy được”. Cũng theo ông Tấn, trung tâm cũng đề ra hướng khắc phục, để thực hiện được đầy đủ của các chức năng, trung tâm sẽ thuê thiết bị dạy nghề bên ngoài để phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và đã đăng ký 4 nghề sẽ tuyển sinh sắp tới: trồng cây có múi, nề (xây dựng), chăn nuôi thú y và điện.

Lúc chưa thực hiện quyết định sáp nhập, trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm dạy nghề tại các huyện: Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành A, Châu Thành và 7 trung tâm GDTX ở các huyện, thị, thành phố (Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Châu Thành A và Châu Thành). Khi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT hướng dẫn sáp nhập Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm GDTX, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm GDNN-GDTX, đến nay, tỉnh đã có 6 trung tâm GDNN-GDTX ở huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành và 2 trung tâm GDTX: Trung tâm GDTX tỉnh và Trung tâm GDTX thị xã Ngã Bảy (đang chờ quyết định sáp nhập).

“Muốn cho học viên tham gia thi học sinh giỏi thực hành, trung tâm cũng đã liên hệ với các trường THPT để mượn, nhưng nhiều lý do nên không mượn được”, ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, nói.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>