Đưa tri thức sáng tạo vào ứng dụng thực tiễn

03/01/2019 | 08:24 GMT+7

Đã 6 năm được tổ chức, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học (cuộc thi) đã trở thành sân chơi trí tuệ hấp dẫn, khơi nguồn những đam mê sáng tạo trong học sinh, biến các ý tưởng trên lý thuyết thành ứng dụng thực tiễn.

Dự án “Thiết bị hỗ trợ thuyết trình bằng cử chỉ” của em Nguyễn Ngọc Anh Thư, học sinh lớp 8A1, Trường THPT Cây Dương.

Tăng số lượng dự án

Nếu như năm đầu tiên khi mới tổ chức cuộc thi (năm học 2013-2014) chỉ có 57 dự án thì đến năm học này, cuộc thi thu hút đến 157 dự án đăng ký dự thi, tăng gấp 3 lần so với năm đầu tiên. Trong những năm đầu tổ chức cuộc thi, mọi người chỉ biết đến những sản phẩm sáng tạo của học sinh bậc THPT và nghĩ chỉ có học sinh lứa tuổi này mới có đầy đủ khả năng và óc sáng tạo để cho ra đời nhiều dự án hấp dẫn thì cuộc thi năm nay là sự bứt phá ngoạn mục của các em học sinh cấp THCS. Bởi, vào vòng chung khảo có 97/157 dự án tiếp tục tham gia cuộc thi thì có đến 43 dự án của các em học sinh cấp THCS, chiếm tỷ lệ 44,3%.

Là một trong những dự án được đánh giá cao vì tính ứng dụng, dự án “Thiết bị hỗ trợ thuyết trình bằng cử chỉ” của em Nguyễn Ngọc Anh Thư, học sinh lớp 8A1, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã tạo được sự hấp dẫn với người xem. Em Thư bộc bạch: “Em thấy các giáo viên, các bạn học sinh trong thuyết trình các bài giảng hay hội thi thường gặp khó khăn trong việc trình chiếu các file word hay tranh ảnh. Mỗi lần thi phải cần một người ngồi phía dưới chỉnh máy tính hộ nên em đã cài đặt phần mềm hỗ trợ thuyết trình bằng cử chỉ. Em thấy vui khi phần mềm của em giúp ích được cho mọi người”.   

Hay dự án “Hệ thống điều chỉnh mực nước chống ngập cho vườn cây ăn quả” của em Nguyễn Trung Hiếu học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy; dự án “Nghiên cứu pha chế nước lau kính lành tính, an toàn” của em  Lê Công Tiến, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Đông Phú, huyện Châu Thành,… Không chỉ phong phú đề tài mà chất lượng các dự án dự thi năm nay được đánh giá khá tốt. Các dự án thuộc các lĩnh vực như: kỹ thuật cơ khí, khoa học xã hội và hành vi, hệ thống nhúng, kỹ thuật môi trường, năng lực vật lý có số lượng dự án tham gia nhiều.

Chất lượng dự án được nâng tầm

Hấp dẫn, ấn tượng là dự án “Cây gậy thông minh dành cho người già và người khiếm thị” của em Lưu Nguyễn Ý Vy, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Em Vy chia sẻ: “Lý do em sáng tạo dự án này vì em thấy ông nội em lớn tuổi sức khỏe ngày càng yếu, việc đi lại rất khó khăn, chỉ một chút bất cẩn là dễ dàng bị té ngã nên em nghĩ mình nên làm một chiếc gậy thông minh cho ông”. Từ ý tưởng em Vy đã phát triển thêm những tính năng như nhận diện vật cản, phát tín hiệu cho người thân khi bị té ngã… Thấy gậy cũng là vật tiện ích cho người khiếm thị nên em đã phát triển thêm ứng dụng dành cho họ. Em còn cài đặt thêm phần mềm gửi tin nhắn vào điện thoại cho người thân trong việc tìm kiếm người khiếm thị ở vị trí xa, gậy còn là một chiếc máy đo nhịp tim, đo huyết áp…

Dự án “Cây gậy thông minh dành cho người già và người khiếm thị” của em Lưu Nguyễn Ý Vy, học sinh Trường THCS Lương Nghĩa.

Hay dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh. Dự án được thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi cho việc ấp trứng, nhận biết khi trứng nở vào ban đêm bằng thiết bị điều khiển từ xa. Em Mai Trí Công, học sinh lớp 10VL, Trường THPT chuyên Vị Thanh, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi. Em thấy nghiên cứu khoa học không khó, từ những điều rất gần gũi trong cuộc sống, chúng em phát triển đề tài theo hướng tiện ích cho mọi người”.

Điểm ấn tượng trong cuộc thi khoa học kỹ thuật năm nay là ngoài việc tổ chức một sân chơi bổ ích để cho học sinh thi tài cùng nhau mà Ban tổ chức cuộc thi còn bố trí thêm 1 ngày để các giáo viên hướng dẫn, học sinh được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm từ những dự án với nhau. Các em học sinh đứng trực bên dự án của mình để người xem đến tìm hiểu, trả lời những thắc mắc và chia sẻ quy trình thực hiện dự án với mọi người. Thầy Hứa Thanh Long, giáo viên Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Tổ chức giao lưu là một hoạt động thiết thực sẽ tiếp thêm ngọn lửa, khơi nguồn những đam mê sáng tạo trong học sinh. Chứng tỏ nghiên cứu khoa học là một hoạt động không của riêng ai mà là sự sẻ chia niềm đam mê, tìm và tạo sự hấp dẫn từ những dự án rất gần gũi với cuộc sống”.         

 Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Điểm ấn tượng của cuộc thi năm nay là các dự án thể hiện được tính mới, sáng tạo. Đặc biệt là có nhiều dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…  Từ mỗi dự án, mỗi sản phẩm các học sinh làm ra đều có hơi thở của cuộc sống. Cuộc thi đã khơi nguồn cho những đam mê, sáng tạo, là dịp để học sinh phát triển kỹ năng, tư duy làm việc độc lập, tự học, tự nghiên cứu và biến ý tưởng thành những dự án có ích cho cộng đồng”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>