Để trẻ vui và ham học

12/03/2019 | 07:56 GMT+7

Được chọn là một trong 13 mô hình, giải pháp sáng tạo trong dạy và học cấp mầm non của tỉnh năm học 2017-2018, mô hình “Thi xem ai nhanh” của hai giáo viên Trường Mầm non Sen Hồng, thành phố Vị Thanh, đã tạo được sự hấp dẫn, sáng tạo giúp trẻ vui vẻ, ham học, mong đến trường.

Trẻ thích thú với trò chơi ghép tranh.

Ưu điểm của mô hình “Thi xem ai nhanh” chính là sự phong phú trong cách chơi. Nguyên vật liệu để làm mô hình vô cùng rẻ, chủ yếu từ các vật liệu phế thải như thùng giấy, chai lọ, nắp nhựa, vỏ trứng... đã bỏ đi nên kinh phí rất thấp chưa đến 100.000 đồng mà rất an toàn cho bé. Đang hào hứng chờ đến lượt mình lên ghép tranh, bé Ngô Quốc Huy, học lớp lá 4 của trường, bộc bạch: “Con rất thích chơi ghép tranh, chơi quay số, chơi vẽ hình. Đồ chơi này nhiều cách chơi và hấp dẫn lắm. Mỗi ngày, con đều mong đến giờ để được cô cho chơi cùng các bạn”.

Chia sẻ về mô hình này, cô Lương Thị Hằng Ni nói: “Để tạo được sự hứng thú, giúp trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng, tôi đã cùng với cô Trần Kim Khánh, giáo viên dạy cùng lớp thực hiện mô hình này. Mô hình vừa là sự đổi mới trong cách dạy và học, cũng là một cách để trẻ chủ động, tự học, mạnh dạn khám phá, phát huy tính năng động, nhanh nhẹn, sáng tạo và nhất là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm”. Được biết, mô hình được hai cô bắt tay vào thực hiện vào khoảng tháng 9-2017, sau 3 tháng nỗ lực sáng tạo mô hình cũng đã thành công khi áp dụng dạy học trên các lớp, trẻ rất hào hứng tham gia.

Với sự kết hợp đến hơn 13 trò chơi khác nhau như: chơi ghép tranh, chơi tìm tranh, chơi tìm màu sắc, chơi xem ai nhanh hơn, chơi thử trí nhớ của bé, chơi bé xếp hình sáng tạo, trò chơi đi tìm ẩn số... Làm trẻ không bị nhàm chán và tự do sáng tạo cách chơi cho riêng mình. Theo đó, để tạo nên mô hình với các bộ đồ chơi khác nhau, giáo viên đã tận dụng các thùng giấy đã bỏ đi cắt dán lại thành hình chữ nhật lớn, bên trên để một miếng gỗ hình tròn gắn 1 cây đinh nhỏ xuyên ngang để làm trục xoay, bên ngoài gắn các bóng đèn ở các ô số để trẻ đến vừa xoay vừa tìm đáp án trả lời. Hay dùng một tấm bìa cứng khác với kích thướt 80cmx60cm để tạo bộ đồ chơi với các túi đựng theo chủ đề, rồi tận dụng các giấy màu, thùng bánh sinh nhật, giấy xốp... để tạo nên những mẫu hình cây, con vật, hoa, trái, màu sắc, con số... Khi chơi, các bé sẽ chia thành 2 đội. Mỗi đội cử ra 1 đội trưởng để oẳn tù tì, đội nào thắng sẽ được quyền quay bàn quay, đèn dừng ở ô số mấy, đội trưởng sẽ nhấn chuông âm thanh tiếng chuông phát ra từ đội nào trước thì đội đó sẽ được lên chọn ô số và mang tranh về cài lên bảng, các thành viên của 2 đội sẽ thảo luận với nhau từ tranh gợi ý trẻ sẽ chơi các trò chơi gì? Cô Trần Kim Khánh thổ lộ: “Sau khi trẻ thống nhất, cô giáo sẽ là người hỗ trợ và theo dõi trẻ trong quá trình chơi. Trong thời gian một đoạn nhạc, đội nào ghép hoàn thành bức tranh nhanh nhất sẽ là đội chiến thắng và sẽ được thưởng một ngôi sao vàng”. Mô hình “Thi xem ai nhanh” có thể chơi ở tất cả các chủ đề giúp phát triển về các mặt: thể chất, ngôn ngữ, thẩm mỹ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội áp dụng cho các độ tuổi 3, 4, 5 tuổi.

Tính sáng tạo của mô hình này chính là ở chỗ, giáo viên không áp đặt trẻ phải chơi theo ý mình hay một nguyên tắc cụ thể nào mà mỗi trò chơi đều do trẻ trao đổi, bàn bạc với nhau cách chơi. Bé Huỳnh Văn Tường cho biết: “Con thích nhất là trò chơi xếp hình bằng những hạt me, hay que kem, rắc vỏ trứng đã được cô đập nhỏ ra thành bức tranh... Vì đồ chơi rất lạ, con được tự do sáng tạo theo ý thích của mình”. Cô Ni chia sẻ: “Hiện nay, đồ chơi điện tử xuất hiện một cách đại trà, dần dần trẻ ít được tham gia những trò chơi dân dã nên chúng tôi đã chọn các nguyên vật liệu gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống hàng ngày để trẻ tự tìm tòi khám phá và sáng tạo nên những bức tranh, những hình dáng con vật từ những cánh hoa rụng, từ những lá cây, cành cây khô... qua những lần cô và trẻ phối hợp với nhau đi tìm nguyên vật liệu. Như vậy thì tôi đã nhẹ nhàng giáo dục cho trẻ được bài học về bảo vệ môi trường”.

Với những ưu điểm trên, mô hình “Thi xem ai nhanh” đã được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng mô hình, giải pháp sáng tạo trong dạy và học cấp mầm non của tỉnh năm học 2017-2018, đạt giải nhì Hội thi đồ dùng dạy học cấp thành phố, giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp thành phố. Bà Trương Thị Kim Duyên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiệu quả mang lại của mô hình là phù hợp với các bé mầm non, tùy từng độ tuổi mà chọn trò chơi và cách chơi phù hợp. Đây là bộ đồ dùng có độ bền cao, đẹp mắt, gọn, nhẹ, dễ dàng di chuyển nên có thể vận dụng cho trẻ chơi mà học, học mà chơi ở mọi lúc mọi nơi. Thông qua các trò chơi giúp trẻ rèn luyện tư duy nhanh nhẹn, biết hội ý và đưa ra ý tưởng ý kiến của bản thân trong tập thể, phát huy ở trẻ năng lực tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>