Đất anh hùng sinh tài năng

27/04/2021 | 19:52 GMT+7

Với phương châm “Học đi đôi với hành”, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang những năm đầu thử sức với sân chơi nghiên cứu khoa học trong nhà trường khá vất vả, gian nan và nhiều thức thách.

Bài 2: Hành trình sáng tạo

Theo chia sẻ của các giáo viên và học sinh, hành trình sáng tạo này không phải một ngày một bữa có được. Khó nhất và then chốt nhất là khâu hình thành ý tưởng !

Các giáo viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Ai đã khơi nguồn sáng tạo ?

Năm học 2013-2014 là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Khi đó chỉ có 25 đơn vị tham gia: 6 phòng giáo dục và đào tạo, 19/23 trường THPT, với chỉ 57 dự án của 122 thí sinh thuộc 11 lĩnh vực. Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nhớ lại: “Tỉnh triển khai và thực hiện phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường chậm 1 năm so với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguyên nhân là khi đó, chúng tôi chưa rõ những tiêu chí và cách làm, các trường còn thụ động trong việc triển khai cuộc thi đến với từng học sinh, thiếu kinh phí, thiếu sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học, thiếu môi trường làm việc khoa học, khó nhất vẫn là thiếu ý tưởng… giáo viên cũng khá lúng túng trong việc hỗ trợ học sinh. Học sinh thì mơ hồ và chưa xác định được ý tưởng khoa học là như thế nào”.

Các sản phẩm tham gia ở mùa giải đầu tiên chỉ dừng lại ở việc hình thành ý tưởng và thực hiện mô hình học tập.

Để tạo thành một phong trào hiệu quả là trăn trở của những người làm giáo dục lúc bấy giờ. Và người đã giải tỏa điểm nghẽn cho nhà trường nghiên cứu khi ấy là ông Nguyễn Hùng Nhiên, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ông Nhiên bộc bạch: “Cái gì mình không biết thì đi học, không có thì mình đi tìm, quan trọng là phải chịu khó học hỏi, làm sao phải khơi gợi được sự đam mê học tập, tìm tòi, khám phá cái mới trong học sinh”.

Lật lại từng trang báo ghi lại những dấu ấn của phong trào nghiên cứu khoa học qua từng năm, ông Nguyễn Hùng Nhiên chia sẻ: “Tôi nhớ năm đầu phát động phong trào, thầy cô chỉ mới chập chững học tập, học sinh thì không biết lập trình phần cứng, phần mềm, Pascan là làm gì. Vậy mà qua 8 năm tổ chức phong trào, rất nhiều sản phẩm dự án của học sinh đạt chất lượng, mang tính thực tế cao, gắn liền với vấn đề thời sự và đáp ứng được quy trình khắt khe của một đề tài nghiên cứu khoa học”.

Để tạo được dấu ấn như hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở đã tranh thủ các đợt tập huấn, hội thảo, hội thi khoa học kỹ thuật, tin học trẻ ở các tỉnh bạn để tổ chức cho một số thầy cô giáo tâm huyết, đam mê nghiên cứu đi cùng. Ngành cũng đã tranh thủ mời các chuyên gia tư vấn chuyên môn là thầy cô Trường Đại học Cần Thơ, Đại học FPT chia sẻ thêm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Cơ cấu quý thầy vào thành viên ban giám khảo cuộc thi khoa học của tỉnh, thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học cấp trường rồi cấp tỉnh… Thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, một trong những nhà giáo tiêu biểu cho phong trào tự học và sáng tạo, thổ lộ: “Tổ chức đoàn đi thực tế tỉnh bạn, khi đó thầy Nhiên nói vui nhưng cũng là “quân lệnh”, ai “học lỏm” được ở trường nào, sở nào thì cứ học, vừa phải học cho mình, vừa học luôn cho học trò để về triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của học sinh tỉnh mình”.

Bứt phá nhờ đam mê và sáng tạo

Việc tìm được lời giải cho khâu khó nhất là khơi nguồn ý tưởng sáng tạo trong học sinh chính là thành công của hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Các trường THCS, THPT đã tăng cường hoạt động trải nghiệm, thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để học sinh được tăng cường kỹ năng sống... Đây chính là môi trường thuận lợi để học sinh hình thành được ý tưởng trong đầu. Bên cạnh đó, là đội ngũ thầy cô giáo có sự đam mê và hết lòng”.

Dấu ấn được gọi là kỳ tích khi học sinh Hậu Giang xuất sắc mang về giải ba trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2016-2017, với dự án “Đập ngăn mặn thông minh”, của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A). Dự án này đã chứng minh được sự nhạy bén của các em khi biết quan sát và nắm bắt vấn đề thời sự của tỉnh là tình hình xâm nhập mặn đang gây nhiều thiệt hại về mùa màng để triển khai đề tài với giải pháp ngăn mặn hiệu quả từ các ứng dụng cài đặt phần mềm thông minh.

Từ cuộc thi này, nhiều ý tưởng hay, xuất phát từ chính cuộc sống hàng ngày của học sinh đã phát triển mạnh mẽ, nhiều giải thưởng cao cũng được tăng lên vượt bậc từ Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Tin học trẻ, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng… Nếu như những năm đầu thực hiện phong trào tỉnh chỉ dừng lại ở 1, 2 giải khuyến khích cấp quốc gia thì năm học 2017-2018 chính là năm khởi đầu cho kỳ tích sáng tạo khi 6 dự án tham gia, có đến 5 dự án đạt giải (1 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích). Tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc sản phẩm: “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh đã mang về giải nhất cấp quốc gia và lần đầu tiên Hậu Giang vươn lên đứng thứ nhì toàn quốc tại sân chơi trí tuệ. Năm 2019 cũng tại 2 cuộc thi này, Hậu Giang mang về đến 27 giải thưởng cấp quốc gia…

Tại quê hương Hậu Giang, câu chuyện học sinh trường làng đã đủ sức vươn tầm quốc gia, chính là điều đã không còn xa lạ, một tỉnh nghèo nhưng giàu sáng tạo. THCS Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), Trường THPT Vị Thủy, Trường THCS Vị Thủy (huyện Vị Thủy), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Châu Thành A)… là các trường vùng nông thôn, còn nhiều khó khăn nhưng đã tự tin, vượt khó tạo nên thương hiệu sáng tạo của giáo dục tỉnh nhà.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Lợi thế của tỉnh là có được đội ngũ thầy cô giáo yêu nghề, nhiệt huyết và đầy sáng tạo. Các thầy cô với lượng kiến thức của mình đã vượt khó, hỗ trợ nhau để bồi dưỡng cho các em học sinh có năng khiếu mang về nhiều thành tích cao. Đã có rất nhiều dự án khoa học vì lợi ích cộng đồng đã ra đời. Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật không chỉ tạo động lực cho học sinh học tốt mà còn là nền tảng, chất xúc tác, cơ hội để ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nâng chất lượng từng ngày”.

Dù ở thời điểm nào, giai đoạn nào, khó khăn thế nào thì truyền thống hiếu học, trên quê hương Hậu Giang anh hùng vẫn luôn hun đúc trong lòng thầy và trò nhiều hoài bão, để tìm tòi, sáng tạo.

Thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh khá giỏi cấp THCS, THPT tăng. Cấp THPT có 53,2% học sinh đạt loại khá, giỏi; cấp THCS tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi 52,24%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm. Toàn tỉnh có 176 giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia từ các cuộc thi...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

---------------

Bài 3: Thắp niềm tin - Gieo hy vọng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>