Chọn sách giáo khoa mới: Không thể làm hài lòng tất cả !

09/06/2021 | 20:25 GMT+7

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa lớp 1. “Sạn” và những khó khăn ban đầu đã được tháo gỡ. Năm học tới đây lại tiếp tục chọn sách giáo khoa mới cho lớp 2 và lớp 6, nhưng phải nhìn nhận thực tế là việc chọn sách không thể làm hài lòng tất cả...

Bài 1:  Nhặt “sạn” để giảng dạy phù hợp với thực tế

Dù có “sạn”, nhưng nhìn lại một năm học áp dụng sách giáo khoa lớp 1, sẽ thấy những điểm được đáng trân trọng.

Chương trình sách giáo khoa mới khuyến khích sự sáng tạo, giảng dạy phù hợp, không nhất thiết theo hoàn toàn nội dung sách...

Thích học sách mới

Cô Lê Thị Kim Hường, khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ, cho biết: “Công sức thầy trò chúng tôi nỗ lực sau một năm học chương trình giáo dục phổ thông mới đã được kết quả xứng đáng. Trò đọc và viết tốt, ham học. Còn bản thân tôi cũng đổi mới trong cách dạy. Nhờ việc tổ chức lớp học 2 buổi/ngày, giáo viên tập trung vào phát triển tốt năng lực cho học sinh”. 

Còn cô Huỳnh Thị Kim Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, thổ lộ: “Điểm mạnh sau 1 năm học sách giáo khoa mới này là giúp mỗi học sinh phát huy tốt năng khiếu của mình, thích học và học chắc từng phần, nhất là làm toán và viết chữ”.

Mục tiêu hướng đến của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát huy tốt phẩm chất đạo đức, năng lực của học sinh. Thực hiện mục tiêu này, trong năm học qua các trường tiểu học đã nỗ lực thực hiện hiệu quả, nhiều tín hiệu vui về chất lượng giáo dục được ghi nhận.

Ông Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi chấp nhận năm nay, trường vẫn còn một số em khối lớp 1 chưa hoàn thành chương trình học. Dạy thực chất, học thực chất để chúng tôi rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, hiệu quả hơn, cho năm học sau chất lượng hơn”. Năm học 2020-2021, triển khai thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh khối lớp 1, trường đã chọn 2 bộ sách giáo khoa là “Cánh diều” với 7 môn học và bộ “Chân trời sáng tạo” với môn học mỹ thuật để giảng dạy cho học sinh. Kết thúc năm học 2020-2021, trường có trên 98% học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình học. Với các em chưa hoàn thành, nhà trường sẽ dành thêm thời gian phụ đạo trong hè.

Dạy sao cho hiểu, chứ không rập khuôn...

Bà Nguyễn Kim Loan, phụ huynh học sinh có con học lớp 1, tại Trường Tiểu Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Trường dạy 2 bộ sách “Cánh diều” và bộ “Chân trời sáng tạo” nên đầu năm học việc mua sách khá khó, tôi phải nhờ nhà trường đăng ký mua sách giùm con. Trong quá trình học, sách bị bong bìa rất nhiều, muốn tìm mua để con có sách mới học cũng không dễ. Ngoài ra, các từ ngữ giảng dạy trong môn tiếng Việt ở bộ “Cánh diều” rất khó hiểu, nhiều khi con về hỏi nghĩa tôi phải tra cứu thật kỹ mới có thể giải thích. Vấn đề này đã được phản ánh với giáo viên. Tôi mừng vì giáo viên đã có những thay đổi từ ngữ linh hoạt, phù hợp, bây giờ con tôi học rất tốt, viết và đọc được khá ổn”.

Rút kinh nghiệm từ những hạt “sạn” về ngữ liệu, hình ảnh, từ ngữ trong bộ sách giáo khoa “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) biên soạn, ông Cao Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, huyện Vị Thủy, cho biết: “Giáo viên không nhất thiết phải dạy theo và sử dụng hoàn toàn những ngữ liệu trong sách giáo khoa mà có thể thay đổi nếu thấy không phù hợp. Dù cách triển khai có khác nhau song mục tiêu cuối cùng vẫn là đáp ứng được các yêu cầu cần đạt theo chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 1, nhất là với môn toán và tiếng Việt giáo viên luôn gặp nhiều áp lực. Hay việc đánh giá chương trình khá nặng cho học sinh cũng là một thực trạng để các trường thay đổi phương pháp dạy phù hợp. Ông Hồ Văn Bé Hai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trường, giáo viên phải chú trọng đến sự phù hợp về đặc tính vùng miền, phương ngữ và trình độ cũng như năng lực tiếp nhận của học sinh, không nên dạy đồng nhất. Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu để các trường lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới”

Khai thác và kết hợp giáo án điện tử, với nhiều hình ảnh sinh động để minh họa cụ thể cho các em học sinh hiểu đúng về nội dung bài học, là một cách làm hay sau một năm thí điểm chương trình mới.

Năm học 2020-2021, 3 bộ sách giáo khoa được các trường chọn giảng dạy khối lớp 1 là bộ sách “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Sau hơn một năm học, với sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là của ngành giáo dục, các trường và đội ngũ giáo viên, việc tổ chức dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã ghi nhận được những kết quả bước đầu rất tích cực.

Đổi mới, giảng dạy phù hợp theo đối tượng học sinh

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhận định: “Giai đoạn đầu thí điểm sách giáo khoa lớp 1, tôi thấy các trường thực hiện rất vất vả. Nhưng sau 1 năm học, điều giáo viên, phụ huynh công nhận đó chính là: học sinh đọc và viết tốt; năng lực giảng dạy của giáo viên được nâng cao; nhà trường, giáo viên và phụ huynh có sự phối hợp để con học tiến bộ… Đây là những kết quả đáng ghi nhận sau một năm học triển khai thực hiện thí điểm giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với học sinh khối lớp 1”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

-----------------

Bài 2: Cách làm mới trong chọn sách dạy học tại Hậu Giang

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>