Bàn cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai

25/06/2021 | 07:59 GMT+7

(HG) - Tại Hội nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, vào ngày 24-6, có nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Đồng Tháp, cùng các doanh nghiệp, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, đại biểu đóng góp trong hội nghị để bổ sung hoàn chỉnh Nghị quyết Phát triển nguồn nhân lực tỉnh; nghiên cứu, đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030, trong đó phải xây dựng triết lý giáo dục của Hậu Giang phù hợp với bối cảnh chung của đất nước và yêu cầu phát triển địa phương; xây dựng đề án tổng thể của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tin học và ngoại ngữ, xác định đây là định hướng đột phá, trang bị hành trang cần thiết cho học sinh, tiếp cận tri thức của nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ngành giáo dục và đào tạo rà soát sắp xếp đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về chất lượng và số lượng, có lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo quy định... Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực theo hướng toàn diện, lâu dài phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, các chức danh lãnh đạo, quản lý. Bí thư Tỉnh ủy còn nhấn mạnh: Trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh cần xây dựng Quỹ tài năng trẻ từ nguồn xã hội hóa để lựa chọn, tài trợ học bổng cho những học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức giỏi, để có nhiều cống hiến, sáng tạo hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh nhà. Tỉnh sẽ đầu tư trọng điểm trang thiết bị cho mỗi huyện 3 trường chất lượng cao (1 trường THPT, 1 trường THCS và 1 trường tiểu học).

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đang làm việc trong khu vực công tăng cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Nếu năm 2016: Số lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học 698 trường hợp; trình độ đại học 10.766 trường hợp, thì đến năm 2020, Hậu Giang có 1.221 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học, trình độ đại học chiếm tỷ lệ hơn 70%. Riêng cao cấp lý luận chính trị chiếm 8,3%; trung cấp lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 20,63%; toàn tỉnh có 67/75 trạm y tế có bác sĩ. Trung bình hàng năm tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng gần 28 tỉ đồng.

Trong hệ thống giáo dục và đào tạo, Hậu Giang hiện có 325 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó có 261 trường đạt chuẩn quốc gia, toàn ngành có 8.390 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn là 80,13%, trên chuẩn 2,57%, toàn ngành có 262 thạc sĩ. Hậu Giang có gần 6.000 học viên, sinh viên đang được đào tạo hệ trung cấp nghề, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, với  tỷ lệ tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 60-70%...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn về thực trạng nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn chuyên môn theo Luật Giáo dục năm 2019; thiếu giáo viên bậc học mầm non; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT chưa đạt chỉ tiêu theo quy định; Công tác đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh chưa gắn chặt giữa quy hoạch đào tạo, sử dụng, bố trí sau đào tạo, bồi dưỡng...

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>