Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Còn lắm gian nan !

Bài 3: Đủ số, vững chất

13/04/2017 | 08:23 GMT+7

Bài toán giữa chất và lượng cần một lời giải thỏa đáng, để 80% trường đạt chuẩn vào năm 2020 là tỷ lệ của sự kỳ vọng và cả niềm tin.

Từ sự góp sức của toàn xã hội, xây dựng trường chuẩn sẽ dễ dàng hơn. (Trong ảnh là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải (thứ 7 từ trái qua), cùng lãnh đạo tỉnh tại lễ khánh thành Trường THCS Bình Thành, huyện Phụng Hiệp).

Hậu Giang có tỷ lệ trường chuẩn cao hơn bình quân cả nước khoảng 6%, nhưng vẫn còn ít nhất 104 trường cần được công nhận đạt chuẩn từ nay đến năm 2020.

Tránh “bệnh thành tích”

Toàn tỉnh có 170 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ hơn 50,1%), con số này cao hơn mức bình quân chung của cả nước (43,93%), so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Hậu Giang đã có bước phát triển khá. Theo đó, cấp THCS có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất hơn 64%, kế đến là mầm non, mẫu giáo với trên 54%, cấp tiểu học có 44,9% trường đạt chuẩn và thấp nhất là cấp THPT có 33,7% với 8/23 trường đạt chuẩn.

Theo ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo: “Việc các trường chuẩn nhưng đứng trước nguy cơ bị “rớt” chuẩn là điều có thật, quan điểm của phòng là rà soát nghiêm túc nhằm xây dựng một hệ thống trường chuẩn đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chí. Nhưng do điều kiện nhân lực còn ít, số trường học cần phải thẩm định lại nhiều nên không tránh khỏi việc giám sát chưa đầy đủ. Hiện tại, việc kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ dựa trên đề xuất từ phòng giáo dục. Nếu đơn vị thấy trường chưa đủ điều kiện, không đề xuất, chúng tôi cũng khó kiểm tra đơn vị đó”.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu những trường “không chịu” tái công nhận sau thời gian quy định 5 năm, có còn giữ nổi chuẩn? Để giải thích cho sự thiếu phản hồi theo quy định từ phía nhà trường, cán bộ quản lý nhà trường đều xoay vấn đề về khó khăn kinh phí. Từ những tồn tại trên, đặt ra yêu cầu kỹ lưỡng, khách quan hơn, cần loại bỏ “bệnh thành tích”, “nợ” tiêu chuẩn và “lỏng” trong đánh giá, thẩm định trường chuẩn.

Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Dù biết trường đã lỡ hẹn trong các dịp kiểm tra tái công nhận nhưng chúng tôi chú trọng xây dựng chuẩn phải đi đôi với chất lượng. Theo kế hoạch, trường sẽ đăng ký tái chuẩn vào năm 2020. Liên quan đến sĩ số, Ban giám hiệu nhà trường đã linh hoạt sắp xếp để chỉ còn 30 lớp học, với 1.250 học sinh (những năm trước 31 lớp, vượt tiêu chuẩn quy định), sĩ số của các khối lớp 1, mỗi lớp đã dưới 35 em. Chúng tôi sẽ giảm số học sinh ở các khối lớp 2, 3, 4, 5 theo từng năm”.

Giải pháp xã hội hóa

Nếu theo chỉ tiêu 80% trường chuẩn quốc gia vào năm 2020, thì từ nay đến đó, tỉnh phải xây dựng ít nhất 104 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó ít nhất mỗi năm cần xây dựng 43 trường. “Ai cũng nhìn thấy rõ sự quan trọng và tính cấp thiết của công tác xây dựng trường chuẩn nhằm cải thiện môi trường dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng hầu hết những trường có khả năng đạt chuẩn đã được tập trung đầu tư để công nhận đạt chuẩn ở giai đoạn trước, do đó chặng đường sắp tới đầy gian nan”, ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thổ lộ.

Giải pháp được đặt ra là công tác xây dựng trường đạt chuẩn cần huy động, lồng ghép các nguồn lực (chẳng hạn như nguồn xây dựng nông thôn mới, xã hội hóa…), để đầu tư bổ sung phòng học thiếu, thay thế các phòng học xuống cấp, xây dựng các phòng học bộ môn, thư viện, các phòng chức năng, nhà đa năng và hệ thống công trình phụ trợ cho các cấp học.

Theo kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2017, huyện Vị Thủy sẽ xây dựng thêm Trường Mẫu giáo Vị Trung và Trường Tiểu học Vị Trung 1 đạt chuẩn. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho biết: “Kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi chọn xây dựng thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn xã Vị Trung để gắn liền với xây dựng xã nông thôn mới của địa phương trong năm 2017. Bên cạnh đó, chỉ đạo 2 trường nâng cao chất lượng giáo dục để vừa xây dựng đạt số lượng và chất lượng cũng phải khẳng định”. Huyện Vị Thủy đã có 25/46 trường đã được công nhận đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 54,3%.

Trước áp lực sĩ số đông, nguy cơ “vỡ” chuẩn, việc đầu tư xã hội hóa, xây dựng trường tư thục cũng là một giải pháp được ngành giáo dục và đào tạo thành phố Vị Thanh lên ý tưởng. Ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Để thực hiện tốt công tác xây dựng trường đạt chuẩn, chúng tôi đã vận động người dân có đủ điều kiện xây dựng trường mầm non tư thục để giúp giáo dục thành phố giảm gánh nặng sĩ số ở hệ công lập, tạo điều kiện để các trường nâng cao hơn chất lượng giáo dục”.  

Thực tế cho thấy, trường học có “thương hiệu” sẽ kêu gọi đầu tư thuận lợi và dễ dàng hơn, nên giai đoạn mới trong xây dựng trường chuẩn, sự chủ động là điều nên làm và cần làm.

Chăm lo cho giáo dục là một hành trình dài và trên hành trình ấy, phải là sự chung tay, tương trợ, chung vai của nhiều ngành, nhiều người và cần nhiều tiền!

Lo cho giáo dục là lo cho tương lai !

Để Hậu Giang vượt trên mức bình quân trường chuẩn cả nước hơn 6% không thể không nói đến sự chăm lo hết lòng của lãnh đạo tỉnh, khi phải đi “xin” kinh phí nhiều nơi về xây trường. Dấu ấn của Hậu Giang trong giáo dục từng được tuyên dương là xóa “xã trắng” trường mầm non, mẫu giáo không từ kinh phí Nhà nước. Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh từng nói: “Chăm lo cho giáo dục, cho con em mình, cũng là lo cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, nêu rõ: “Tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp, đồ dùng dạy và học; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo… Đến năm 2020, số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80%...”.

 

Ngã Bảy phát huy nội lực trong xây dựng trường chuẩn…

Với tỷ lệ 76% trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, thị xã Ngã Bảy đang là địa phương dẫn đầu tỉnh trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn. Thành công của Ngã Bảy chính là sự phát huy tốt nội lực và tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành cho sự nghiệp “trồng người”.

Là trường tiểu học duy nhất của tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, Trường Tiểu học Hùng Vương luôn tự hào trong việc nhân rộng các mô hình học tập hiệu quả trong xây dựng trường chuẩn. Trường đang chờ kinh phí để đầu tư xây dựng nhà đa năng. Hoàn thành tiêu chí này, trường cơ bản đạt 5/5 tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ông Đặng Văn Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Năm nay, cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, trường sẽ hoàn thiện thêm các tiêu chuẩn để được tái công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 sau 5 năm duy trì”.

 

Bài, ảnh: THẢO TRÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>