Du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long

Muốn vươn khơi, phải làm mới

13/07/2016 | 10:12 GMT+7

Hội thảo Phát triển Du lịch ĐBSCL vừa qua đã khái quát tổng quan về thực trạng du lịch vùng nói chung và Hậu Giang nói riêng, cùng những hiến kế để phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch cho miền Tây sông nước.

Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Vị Thủy đang dần hình thành.

Vùng ĐBSCL có hệ thống tài nguyên phong phú, trong đó nổi bật là tài nguyên du lịch miệt vườn sông nước. Tính đặc thù của hệ thống tài nguyên vùng ĐBSCL cũng rất cao, đủ để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Thế nhưng, nói đến sự phát triển của du lịch nơi đây, vẫn còn nhiều trăn trở…

Chưa xứng với tiềm năng

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn 2006-2015, du khách đến vùng tăng trung bình mỗi năm 11%, tổng doanh thu từ du khách tăng trung bình trên 23%. Tính đến hết năm 2015, lượng phòng cơ sở lưu trú là 35.742 phòng, tăng trung bình trên 13%/năm, bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách ngày một tăng. Các tỉnh, thành đã chú trọng đến đầu tư, nâng cấp, trùng tu các di tích, danh lam thắng cảnh nhằm thu hút khách du lịch…

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng đang được các địa phương quan tâm và có sự chuyển biến tích cực. Thông qua Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, công tác nghiên cứu thị trường du lịch bước đầu đã được thực hiện. Nhận thức của từng địa phương về vai trò của xúc tiến du lịch đã nâng lên một bước, đặc biệt là những nỗ lực cải thiện hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch ĐBSCL.

Thế nhưng, phải nhìn nhận một thực tế là việc phát triển về du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng, điều này là do tổ chức xúc tiến du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp, bài bản. Sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên, chưa tạo ra sản phẩm mới, khác biệt. Nhất là mỗi địa phương làm theo cách của mình tạo nên sự rời rạc, manh mún và có nhiều lỗ hổng.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đã thẳng thắn cho rằng, chính việc liên kết chưa tới đã tạo ra những sản phẩm trùng lắp, tư duy phát triển dàn trải, thiếu sự sáng tạo, chưa quan tâm tới quy luật thị trường và yếu tố cung cầu trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu và suy thoái tài nguyên, môi trường là những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến du lịch, nhưng vẫn chưa được nhìn nhận thấu đáo. Từ đó, du lịch phát triển khá trầm lắng…

Cần “nhạc trưởng” để liên kết làm du lịch

Thời gian qua, đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn sâu đến nét riêng khó hòa lẫn của vùng ĐBSCL khi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sông nước, nhưng vẫn là những lời nói suông và tình thế xem chừng chưa cải thiện nhiều. Kết quả, du lịch vẫn phát triển theo… “sở thích” của từng địa phương.

Đại biểu hiến kế để vực dậy du lịch ĐBSCL tại hội thảo.

Lần hội thảo này, có điểm mới là không chỉ đánh giá đúng, sát với thực trạng, mà những người làm du lịch đã đưa ra những ý kiến có thể tham khảo, để mỗi địa phương chú trọng sự liên kết, tạo nên chuỗi sản phẩm đa dạng, nhưng mang đặc thù riêng và không trùng lắp. Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Tiếp thị Công ty Viettravel, chia sẻ cách làm khá táo bạo: “Những người làm du lịch đồng bằng nên hướng đến là xây dựng một sản phẩm tổng hợp về giao thông, tạo một phương thức vận chuyển mới. Ví dụ, du khách chỉ cần có 1 chiếc thẻ, là có thể đi hết các tỉnh, trên hai phương tiện đường thủy, đường bộ, có thể ghé nhiều nơi, trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo… Để có được điều này, những người làm du lịch thôi chưa đủ, mà còn có sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng”.

Còn bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, lại cho rằng cùng một sản phẩm, nếu biết làm mới sẽ mang lại hiệu quả. Miền Tây cần chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch “sạch”, nhất là các sản phẩm du lịch sinh thái và có thể xem đây là cách phù hợp để phát triển du lịch ĐBSCL. Điều này muốn có được, cần nâng cao nhận thức người dân.

Một ý kiến rất đáng chú ý được nhiều đại biểu mang ra bàn tại hội thảo chính là du lịch ĐBSCL đang cần một cú hích mới, nên có cơ quan điều phối vùng. Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, những năm qua, du lịch ĐBSCL chia làm 2 cụm Đông và Tây sông Hậu, hoạt động dưới sự điều phối của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhưng qua thời gian, đơn vị này chưa đủ sức làm “nhạc trưởng”, để đưa con thuyền du lịch phát triển đột phá, phát huy những giá trị và khai thác đúng, đủ tiềm năng về du lịch…

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng, làm du lịch là chuyện lâu dài, biết nắm bắt thời cơ, nhưng phải thật sự bền vững. Với những hiến kế hay, Tổng cục Du lịch tiếp tục nghiên cứu để từng bước hỗ trợ, tiếp tục vực dậy du lịch của vùng đất giàu tiềm năng này…

Hậu Giang có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng phải biết khai thác

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đánh giá Hậu Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng. Thời gian qua, Viện cũng đã hỗ trợ để Hậu Giang xây dựng loại hình du lịch cộng đồng ở vùng khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị. Tuy nhiên, khó nhất là cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch thấp, xúc tiến, quảng bá hạn chế. Muốn bứt phá, Hậu Giang cần quan tâm, định hướng phát triển du lịch sinh thái, tỉnh hiện có các điểm đến độc đáo như Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hay Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Vị Thủy đang dần hình thành…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>